Nhận định tại báo cáo kinh tế “Nâng cao tiềm năng” của Ngân hàng Thế giới (WB), công bố ngày 12-4 vừa qua cho biết, tăng trưởng của các quốc gia đang phát triển ở khu vực Đông Á – Thái Bình Dương dự kiến vẫn mạnh, đạt mức 6,3% trong năm 2018.
Theo WB, viễn cảnh kinh tế tiếp tục phục hồi trên toàn cầu và sức cầu mạnh trong nước là căn cứ để đưa ra triển vọng tích cực trên. Tăng trưởng ở các quốc gia đang phát triển khu vực Đông Á và Thái Bình Dương tiếp tục ổn định ở mức 5,4% trong năm 2018, phản ánh sức cầu mạnh mẽ trong nước và bên ngoài. Tăng trưởng tại Indonesia và Thái Lan dự kiến được củng cố trong năm 2018 với viễn cảnh về đầu tư và tiêu dùng tư nhân được cải thiện. Tại Philippines, tăng trưởng dự kiến vẫn ổn định trong năm 2018. Tại Malaysia và Việt Nam, tăng trưởng có thể sẽ chững lại do đầu tư công giảm ở Malaysia và sản suất nông nghiệp ổn định lại sau phục hồi vào năm 2017 ở Việt Nam.
Ông Sudhir Shetty, chuyên gia Kinh tế trưởng khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của WB cho biết: Mặc dù triển vọng tăng trưởng của khu vực được cho là tích cực, nhưng vẫn tồn tại những thách thức ngắn hạn và trung hạn đối với các nhà hoạch định chính sách. Việc xử lý những thách thức đó đòi hỏi các biện pháp nhằm giảm tác động có thể xảy ra do tiến trình thắt chặt chính sách tiền tệ diễn ra nhanh hơn ở các nền kinh tế tiên tiến; đồng thời phải nâng cao tiềm năng tăng trưởng dài hạn trong điều kiện chính sách bất ổn, đặc biệt về thương mại toàn cầu.
Báo cáo của WB cũng đề cập đến vấn đề xử lý những rủi ro về ổn định kinh tế vĩ mô. Theo đó, các quốc gia cần cân nhắc thắt chặt chính sách tiền tệ và tiếp tục tăng cường hơn nữa chính sách quản lý vĩ mô. Đặc biệt là ở các quốc gia có mức dư nợ cao hoặc tốc độ tăng trưởng tín dụng cao có thể làm trầm trọng thêm nguy cơ dễ tổn thương đối với khu vực tài chính khi lãi suất tăng cao ở các nền kinh tế tiên tiến.
WB nhấn mạnh, để xử lý viễn cảnh tăng trưởng chững lại trên toàn khu vực trong trung hạn, các quốc gia cần tìm cách nâng cao tốc độ tăng trưởng tiềm năng trong dài hạn. Các chính sách này bao gồm một loạt các biện pháp nhằm: cải thiện chi tiêu công và đầu tư hạ tầng; tăng cường chiều sâu hội nhập thương mại và cải thiện về tạo thuận lợi thương mại; triển khai cải cách nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực.