Đã hơn hai năm kể từ khi triển khai đề án Tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015 (tháng 3-2012), ngành ngân hàng đã có những chuyển biến nhất định. Một số ngân hàng yếu kém được sáp nhập với nhau hoặc với một ngân hàng mạnh để cải thiện năng lực tài chính. Những chính sách điều hành tiếp theo của Ngân hàng Nhà nước cũng được đánh giá cao. Song song đó, các ngân hàng thương mại cũng có những bước đi nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, hiện đại hóa công nghệ, cắt giảm nhân sự để giảm chi phí. Tất cả nhằm đáp ứng cùng lúc nhiều yêu cầu mà Ngân hàng Nhà nước đặt ra, đó là đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trong khi không được để gia tăng tỷ lệ nợ xấu, xử lý các khoản nợ xấu cũ, trích lập dự phòng rủi ro… Kết quả của quá trình này đã giúp thanh khoản chung của toàn hệ thống được đảm bảo, nợ xấu được “khoanh vùng”, lãi suất cả huy động lẫn cho vay đều giảm mạnh.
Tuy nhiên, để có thể đạt được sự chuyển biến mạnh về chất trong toàn bộ hệ thống ngân hàng, chặng đường phía trước còn khá gian nan. Thời gian gần đây, tiến trình tái cơ cấu hệ thống không còn mạnh mẽ như trước. Các khoản nợ xấu cũ sau khi được khoanh vùng chưa có những bước giải quyết triệt để tiếp theo, kể cả phần được chuyển giao cho VAMC (Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam). Thế nên vài tháng gần đây nợ xấu lại trở thành nỗi ám ảnh của hệ thống ngân hàng và làm phần lợi nhuận của các ngân hàng giảm đi trông thấy. Ngoài ra, một mục tiêu rất quan trọng, quyết định đến lợi nhuận của hệ thống ngân hàng là tốc độ tăng trưởng tín dụng vẫn chưa đạt được chỉ tiêu.
Kết quả kinh doanh sáu tháng đầu năm 2014 của một số ngân hàng vừa công bố không mấy tích cực, dù các tổ chức tín dụng này đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm đẩy nguồn vốn ra cho nền kinh tế, cũng là để tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh. Cụ thể, các ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất cho vay các khoản vay cũ và mới, có những chương trình tín dụng đa dạng về quy mô và hình thức hỗ trợ cho từng đối tượng khách hàng. Nhiều đơn vị còn bám sát tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp khách hàng để tư vấn, xây dựng các chương trình liên kết với doanh nghiệp và chính quyền địa phương… Theo các chuyên gia kinh tế, hoạt động sản xuất – kinh doanh và tài chính của các doanh nghiệp chưa có nhiều chuyển biến so với trước, cầu của nền kinh tế đối với các sản phẩm, dịch vụ nói chung và các sản phẩm của các tổ chức tín dụng nói riêng vẫn phục hồi khá chậm. Tổng cầu nội địa thấp, nhiều doanh nghiệp phải giải thể, ngừng hoạt động và còn một vài con số thống kê không tích cực khác. Tốc độ tăng chỉ số tồn kho công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 6-2014 ở mức 12,8%, trong khi tốc độ tiêu thụ chỉ tăng 9% (cùng kỳ năm trước là 8,3%) cho thấy các doanh nghiệp vẫn gặp khó trong việc tiêu thụ sản phẩm. Số liệu về tỷ lệ giá trị tồn kho so với giá trị sản xuất bình quân năm tháng đầu năm 2014 ở mức rất cao (78,7%). Sức cầu nội địa yếu còn thể hiện qua mức tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng sáu tháng đầu năm 2014 chỉ là 10,7%, thấp hơn cả tốc độ của cùng kỳ năm 2013 (11,9%), là mức tăng chậm nhất trong vòng năm năm gần đây (trong khoảng 20%). Tâm lý tiết kiệm của người dân thể hiện qua việc huy động vốn của các ngân hàng sáu tháng đầu năm vẫn tăng dù lãi suất tiền gửi giảm. Mà chỉ khi người dân mở rộng chi tiêu, doanh nghiệp bán được hàng, giải phóng hết hàng tồn kho, có ý định gia tăng sản lượng, tìm đến các ngân hàng để vay vốn, thì các ngân hàng mới dễ dàng hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đề ra.
Minh Hằng