Doanh nhân Hoàng Khải không quá xa lạ với nhiều người trong giới kinh doanh. Hơn 20 năm qua, ông được biết đến là người đưa tơ lụa dân tộc ra trường quốc tế đồng thời là chủ của tòa lâu đài trắng Tajmasago (khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7, TP. Hồ Chí Minh) và các hệ thống ẩm thực cao cấp tại Việt Nam.
Các công trình của ông đều được đầu tư quy mô lớn, bất kể giai đoạn kinh tế thịnh – suy. Ông lại có cách nói chuyện thẳng thắn nên không ít người nghĩ rằng vị doanh nhân này có phần “chơi trội”. Nhưng khi trò chuyện thân mật, người đối diện sẽ cảm thấy thú vị với một phong cách hoàn toàn khác của Hoàng Khải.
Hình như ông gặp gỡ cả bạn bè lẫn đối tác làm ăn ở lâu đài Tajmasago thường xuyên hơn văn phòng tập đoàn ở Trung tâm thương mại Parkson Paragon?
Đúng vậy. Vì Tajmasago có không gian nhẹ nhàng, thoáng mát, có tiếng nhạc dịu êm, có trà thơm và bánh ngọt sẵn sàng hơn ở văn phòng. Tôi cảm thấy không gian thư giãn và lãng mạn ở Tajmasago làm cho buổi trò chuyện bạn bè thân mật, cởi mở hơn còn chuyện làm ăn cũng nhanh chóng, dễ dàng hơn.
Trong chuyện đầu tư kinh doanh, ông thường đưa ra quyết định rất nhanh.Liệu thói quen này có dẫn đến những quyết định sai?
Quyết định nhanh thì khó tránh quyết định sai. Nhà hàng Nam Phan ở Đà Lạt có thể xem là một trong những đầu tư sai của tôi đấy. Vì yêu cái lãng mạn, hữu tình của Đà Lạt mà tôi quyết tâm đi tìm cho bằng được biệt thự Valentine (đường Trần Hưng Đạo, phường 10), một ngôi biệt thự đẹp cả về kiến trúc lẫn vị trí để xây dựng Nhà hàng Nam Phan.
Thế nhưng, quyết định xây dựng Nam Phan thành một nơi thưởng thức các món ăn đậm đà bản sắc Việt chưa phải là một ý tưởng đúng. Người bản xứ hầu như không có thói quen tìm đến một nhà hàng sang trọng để thưởng thức món ăn Việt. Còn khách nước ngoài đến Đà Lạt lại có xu hướng thưởng thức khí hậu và các dịch vụ du lịch hơn là ẩm thực truyền thống.
Nhưng ông vẫn chấp nhận thua lỗ để giữ Nam Phan hoạt động trong bảy, tám năm qua. Sao ông không chuyển hướng sang đầu tư khác có lợi hơn?
Vì Nam Phan Đà Lạt vẫn mang lại những giá trị vô hình – đó là giá trị về tiếp thị, giá trị thương hiệu Khaisilk. Cái giá trị vô hình này không phải ai cũng hiểu và không phải ai hiểu cũng chấp nhận giá trị đó.
Hầu hết chúng ta vẫn cảm thấy “sướng” hơn khi thu lợi nhuận hữu hình, nhất là trong giai đoạn kinh tế khó khăn như hiện nay. Mặt khác, chi phí thuê nhà và nhân công ở Đà Lạt cũng tương đối “dễ chịu”, lại không tốn tiền cho máy lạnh bao giờ, nên thua lỗ từ Nam Phan so ra cũng không đáng kể.
Parkson Paragon có phải cũng là một đầu tư sai của ông. Một trung tâm mua sắm hiện đại, nằm ở vị trí đẹp như Paragon hẳn là được kỳ vọng sẽ sầm uất hơn?
Nếu nói rằng Parkson Paragon là một đầu tư sai thì rất nhiều trung tâm thương mại lớn khác tại TP.Hồ Chí Minh cũng đều là đầu tư sai. Kinh tế càng đi xuống, chúng ta lại càng nhìn thấy nhiều “lỗi” trong đầu tư. Mà những “lỗi” đó hầu như không xuất hiện trong một bức tranh kinh tế sáng sủa.
Một số người thường đưa ra đánh giá chủ quan khi mới quan sát ở bên ngoài, người xưa hay nói là “xem mặt mà bắt hình dong”. Trong hầu hết các trường hợp chưa tìm hiểu kỹ càng về một sự việc nào đó thì đã đưa ra đánh giá thì khó lòng chính xác, trong kinh doanh cũng không ngoại lệ.
Tôi cũng muốn chia sẻ thêm rằng, Parkson Paragon được xây dựng từ một quá trình nghiên cứu thị trường mất nhiều thời gian, công sức. Thời điểm xây dựng cũng là một cơ hội hiếm có, trước thời điểm đó hoặc chờ đến lúc này tôi e là không thể thực hiện được. Hiện nay, trung tâm thương mại này luôn có hợp đồng thuê 90% mặt bằng, trong đó có nhiều thương hiệu nổi tiếng như KPMG, HPT, Telecom…
Parkson Paragon được xây dựng năm 2008-2009, giai đoạn khủng hoảng kinh tế thế giới và bất động sản đi xuống. Đến năm 2012, trong tình hình kinh tế Việt Nam ảm đạm không kém, ông lại xây dựng lâu đài trắng Tajmasago với tổng vốn đầu tư là 15 triệu đôla. Rồi ông khoe chiếc Rolls-Royce Phantom hàng triệu đôla hiếm có.Ông không ngại mọi người nói mình xa xỉ và thích “chơi trội” sao?
Câu nói: “Cái khó ló cái khôn” là hoàn toàn đúng với tôi. Càng trong hoàn cảnh khó khăn, tôi lại càng nghĩ và làm được nhiều thứ. Và dù trong hoàn cảnh nào, chúng ta cũng có thể tìm được con đường mở hướng làm ăn, chinh phục thị trường.
Parkson Paragon, Tajmasago và nhiều tác phẩm khác của tôi hình thành trong điều kiện khó khăn về kinh tế. Điều đó buộc tôi phải suy nghĩ cách để sống thích nghi với hoàn cảnh và cách hoàn thành công trình của mình trong điều kiện khắc nghiệt.
Những thắc mắc “tại sao” mà mọi người đặt ra trong thời điểm đó bỗng trở thành một động lực để tôi hoàn thành tác phẩm thay cho câu trả lời. Tôi kinh doanh mặc hàng xa xỉ. Lụa, nhà hàng, resort của tôi đều là những sản phẩm, dịch vụ cao cấp.
Nếu tôi giao tiếp, thể hiện khiêm tốn quá mức đôi khi có thể làm cho người khác hiểu sai về mình và về sản phẩm của mình. Còn người ta nghĩ gì về tôi là quyền của họ. Một bài báo viết thế nào về tôi thì còn tùy vào thời điểm, không gian và cả tâm trạng của tôi khi tiếp xúc với báo chí. Tôi tôn trọng đánh giá của mọi người đồng thời tôn trọng quyền tự do ngôn luận của báo chí.
Ông từng nhiều lần nói đến “Đắc nhân tâm” trong kinh doanh, nhưng lại không nghe đề cập đến chuyện làm từ thiện như nhiều doanh nhân khác?
“Đắc nhân tâm” trong kinh doanh không đơn thuần chỉ có chuyện làm từ thiện để đăng báo mà nó thể hiện ở nhiều mặt. Đơn cử như công trình, tác phẩm của một doanh nghiệp mang ý nghĩa gì?
Lâu đài Tajmasago có thể xem như là một công trình mang tầm quốc gia, là nơi tiếp đón các nguyên thủ quốc gia trong và ngoài nước. Tajmasago cũng là nơi để sinh viên ngành du lịch đến tham quan và học tập.
Trong đợt mở cửa bán trà, cà phê đầu tiên, lâu đài trắng này đã tiếp đón khoảng 20.000 người đến tham quan. Nhiều bạn bè ngạc nhiên khi tôi gọi nhân viên là “con trai”, “con gái”. Đơn giản là vì tôi không thể nhớ nổi tên của 1.500 nhân viên, mà tôi thì không cho phép mình gọi họ là “anh này”, “cô kia”, nghe giống như một sự thiếu tôn trọng vậy. Có lẽ cách giao tiếp, xử sự như vậy vốn đã là nhân cách của tôi, khó lòng thay đổi.
Cũng như khi tôi xây dựng phòng mổ cho Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), tôi chỉ có thể nói là “bệnh viện đã đồng ý cho tôi xây dựng phòng mổ” chứ không phải là “tôi đã xây phòng mổ đó”.
Ông quyết định xây dựng phòng mổ này trong trường hợp nào?
Cách đây gần 10 năm, tôi vào thăm em trai đang điều trịở Bệnh viện Bạch Mai. Hồi đó, bệnh nhân thì đông mà phòng mổ thì thiếu thốn. Xót lòng trước cảnh nhiều người bệnh nặng mà phải mất nhiều thời gian chờ đợi được mổ và cũng nhờ ban giám đốc bệnh viện cho phép, tôi mới làm được phòng mổ này.
Đến nay, phòng mổ đã giúp gần 3.000 bệnh nhân qua cơn hiểm nghèo. Niềm vui mang đến cho người khác chính là niềm hạnh phúc của tôi, không cần phải tung hê để được tất cả mọi người biết đến.
Đầu tư quá nhiều chuỗi nhà hàng, resort ngoài sản phẩm tơ lụa vốn đã là thương hiệu của Khaisilk, có lúc nào ông cảm thấy mệt mỏi?
Tôi luôn làm việc bằng tất cả đam mê nên hầu như chưa bao giờ cảm thấy mệt mỏi. Càng vượt qua khó khăn, tôi càng thấy mình trưởng thành và lạc quan hơn.Mỗi lần sáng tạo ra một sản phẩm hoàn hảo, độc đáo, tôi thấy mình vui vẻ và hào hứng hơn.
Ông đã đầu tư nhiều công trình lớn nhất, đẹp nhất. Liệu trong thời gian tới ông có tiếp tục xây dựng một công trình gì đó độc đáo hơn không?
Ước mơ của tôi là xây một nhà hát độc đáo về thiết kế lẫn quy mô, là điểm nhấn của TP. Hồ Chí Minh. Nhưng công trình này có thực hiện được trong thời gian tới hay không, lúc này tôi chưa thể trả lời được.
Cảm ơn ông về những chia sẻ thú vị.