Ông ta còn chính thức lên kế hoạch cắt giảm khoản lương thu nhập chính thức của nữ hoàng bớt đi 800 ngàn USD mỗi năm, khiến bà phải sống “chật vật” với tổng thu nhập chỉ còn cỡ 2 triệu USD! Từ lâu, nữ hoàng Bỉ đã có ý định thành lập một công ty quỹ cá nhân, cho phép bà chuyển đi một phần tài sản cho những người thân của mình tại Tây Ban Nha hoặc cho một số tổ chức từ thiện mà không phải chịu thuế. Bà Fabiola sinh trưởng tại Tây Ban Nha, là góa phụ của vua Baudouin (đã từ trần năm 1993).Hiện người đang giữ ngôi vua nước Bỉ chính là em chồng của bà. Theo tin của Hãng thông tấn AP, Thủ tướng Di Rupo còn khẳng định Chính phủ sẽ sớm đưa ra một chương trình xem xét cách sử dụng tiền lương của hoàng tộc, cho phép người dân Bỉ biết rõ hoàng gia đã sử dụng tiền thuế mà dân chúng đóng góp như thế nào.
Bỉ không phải là trường hợp cá biệt. Trong bối cảnh châu Âu phải vất vả đối phó với khủng hoảng nợ công, người đóng thuế lẫn giới chính trị gia không còn giữ được sự rộng lượng của mình như trước kia đối với cách chi tiêu của giới hoàng tộc. Tại Anh, chính phủ của ông Cameron đã đóng băng các khoản chi tiêu trong gói ngân sách trị giá khoảng 50 triệu USD mỗi năm dành cho nữ hoàng Elizabeth, ít nhất là hết tháng 4 năm nay mới giải ngân. Vua Juan Carlos của Tây Ban Nha cũng đã phải công khai việc điều chỉnh chi tiêu của ông trước người dân nước này sau khi bị chỉ trích nặng nề về chuyến đi săn voi xa hoa cách đây không lâu của ông ở Botswana. Hiện tại, mỗi năm cung điện của nhà vua Juan Carlos nhận được khoảng 10 triệu USD từ chính phủ. Mới đây, gia đình hoàng tộc Hà Lan cũng không tránh khỏi áp lực phải cắt giảm chi phí sau khi một nghiên cứu tiết lộ rằng họ chi tiêu nhiều nhất trong cộng đồng hoàng tộc châu Âu. Theo khảo sát của Đại học Ghent, nữ hoàng Beatrix và gia đình chi tiêu khoảng 50 triệu USD mỗi năm, mà đó là tiền thuế do dân chúng đóng góp. Vậy mà nữ hoàng Beatrix vẫn tuyên bố rằng không có lý do gì để cắt giảm mức lương thường niên của bà đi 1 triệu USD!
Thống Lâm theo CNBC