Vào một chiều mưa gió, tôi có duyên được ngồi cùng mấy võ sư xứ Huế. Võ sư Hoàng Thành, người sáng lập ra môn phái Hầu quyền đạo Việt Nam, khi đó từ Biên Hòa về thăm quê và có cuộc hội ngộ với những người bạn là võ sư Nguyễn Văn Nhân – cương nhu Karatedo, võ sư Hoàng Như Bôn – Karatedo, võ sư Tôn Thất Bình – Hầu quyền đạo, võ sư Khánh – Ngũ hổ, võ sư Tâm “đế” – Judo. Họ là thế hệ vàng của võ thuật xứ thần kinh và bây giờ đều ở cái tuổi lục tuần, thất tuần cả rồi.
Ký ức và tình yêu của họ là một phần của xứ Huế cũ xưa. Câu chuyện của những võ nhân xứ Huế đã cho tôi biết thêm rằng Huế không chỉ có những văn nghệ sĩ nổi tiếng mà còn có những võ sĩ tài hoa, khí khái, đáng mặt anh hào… Câu chuyện của họ đã làm sống lại ký ức của mấy chục năm về trước, khi xứ thần kinh nức tiếng với những câu chuyện về võ thuật.
Võ sư Hoàng Thành sinh năm 1956, từ nhỏ đã nổi tiếng giỏi võ. Theo lời võ sư Nguyễn Văn Nhân, một người bạn của ông thì trong làng võ thuật của Huế, võ sư Thành được mệnh danh là “độc cô cầu bại”. Năm 1977, giới võ thuật cố đô có dịp xôn xao khi xuất hiện võ phái mới do một võ sư vừa qua tuổi 20 sáng lập. Và khoảng ba năm sau cũng là thời điểm Hầu quyền đạo phát triển mạnh mẽ dưới bàn tay của võ sư Hoàng Thành. Võ sư Tôn Thất Bình, một trong những đệ tử đầu tiên của võ sư Hoàng Thành kể: “Khi nghe võ sư Thành mở lò dạy võ, mấy anh em chúng tôi (đều là những cao đồ của các môn phái võ cổ truyền khác) đến xem thực hư về một người còn trẻ như vậy đã đủ bản lĩnh đứng ra thành lập một môn phái võ mới. Tới nơi, thấy võ sư Thành đang dạy võ, chúng tôi muốn thử tài, võ sư Thành cười và nói: “Tôi đi mấy đường quyền, ai phá được thì tôi dẹp luôn lò võ này”. Hôm đó, không ai phá được mấy đường quyền quá độc của võ sư Thành. Tôi về nhà suy nghĩ mấy hôm, sau đó quyết định bái sư, xin được học Hầu quyền đạo…”.
Có giai thoại rằng, trong một lần ngao du lên vùng núi Bình Điền, võ sư Hoàng Thành đã được một cao nhân bí ẩn tu luyện trên núi truyền dạy các bài quyền mà sau này ông đã phát triển để thành lập môn phái Hầu quyền đạo. Tiếc là võ sư Hoàng Thành chỉ cười khi được hỏi, nên giai thoại đó vẫn chỉ là giai thoại…
“Chiêu thức trong Hầu quyền thường nhắm vào các yếu huyệt của đối phương như mi tâm, thái dương, đan điền, tâm hoa… khiến Hầu quyền đạo trở thành một trong những bộ môn quyền thuật ác hiểm nhất. Cũng từ sự nguy hiểm đó nên nguyên tắc tối thượng mà bất cứ võ sinh nào của môn phái Hầu quyền đạo cũng phải thuộc nằm lòng là học võ để cường thân chứ không phải để xâm hại cơ thể người khác. Võ sư Hoàng Thành chia sẻ: “Do đặc trưng riêng của môn phái nên tôi cũng xác định phát triển Hầu quyền đạo ở một số chùa chiền và chủ yếu áp dụng những tính năng của Hầu quyền để dưỡng sinh, tăng cường sức khỏe. Ở Huế, các võ sư trong môn phái như Nguyễn Văn Anh, Tôn Thất Bình đều đồng ý với quan điểm của tôi là phát triển Hầu quyền đạo thiên về chức năng dưỡng sinh”.
Môn phái Cương nhu Karatedo được ra đời trên cơ sở kết hợp các môn phái võ cổ truyền và hiện đại, trong đó chủ lực là Karatedo cổ điển và Karatedo hiện đại Sotokan cũng như lấy âm – dương làm chủ đạo. Trong một đòn đấm – đỡ đều bao hàm nhu lẫn cương, lấy nhu dĩ cương. Hay cụ thể là lấy nhu để thoát hiểm, tránh đòn và dùng cương để tấn công. Tinh hoa của Cương nhu Karatedo Việt Nam chính là sự mềm dẻo, linh hoạt lấy nhu làm nền tảng để phát huy sức mạnh của cương.
Ở Việt Nam, môn phái này đã có mặt ở nhiều tỉnh thành cả nước như Hà Nội, Quảng Trị, Lâm Đồng, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh. Riêng ở Huế hiện có 15 võ đường với trên dưới 1.000 võ sinh đến từ thành phố và các huyện, thị xã như Phong Điền, A Lưới, Hương Trà… theo học. Không chỉ ở trong nước, Cương nhu Karatedo đã phát triển khá mạnh ở Hoa Kỳ. Năm 2015, võ sư Nguyễn Văn Nhân sang Mỹ dạy võ cho các võ đường Cương nhu Karatedo ở nhiều bang của Mỹ trong vòng hai tháng. Ở cái tuổi 66, võ sư Nguyễn Văn Nhân – trưởng môn phái Cương nhu Karatedo Việt Nam đã có mấy chục năm truyền bá võ thuật cho nhiều thế hệ học trò. Điều đặc biệt là cũng chừng đó thời gian, ông chưa bao giờ dạy võ để kiếm tiền mà theo cách nói của ông là: “Tôi chơi với võ mà!”.
Võ sư Nguyễn Văn Nhân cho rằng võ thuật chính là một loại hình nghệ thuật đối kháng mà trước hết giúp con người có sức khỏe và trí tuệ. Đã là môn đồ của Cương nhu Karatedo thì không được nói tục, chửi bậy. “Có lần ở võ đường, tôi nghe một võ sinh chửi thề, kết thúc buổi học, tôi gọi riêng võ sinh đó và đưa cho một gói xà phòng và bàn chải giặt rồi nói: Em về giặt sạch vết bẩn của mình đi! Cậu ấy nghe xong, đờ người trong chốc lát rồi cúi đầu xin lỗi, hứa sẽ không phát ngôn bậy bạ nữa”.
Với quan điểm dạy võ để giúp võ sinh hướng thiện, nhận biết đạo làm người, võ sư Nguyễn Văn Nhân rất vui khi được nhiều thế hệ võ sinh tin yêu, nể phục và luôn tâm sự những điều thầm kín với thầy. Có nhiều người đã trưởng thành và thành đạt vẫn luôn nhớ về thầy, về những võ đường do ông xây dựng như một gia đình lớn. Đó cũng là động lực lớn để ông tiếp tục “chơi với võ” khi mỗi buổi chiều, ông vẫn đều đặn lên xe máy làm một vòng các võ đường ở Huế để được chứng kiến sự tiến bộ của các học trò trong nghiệp võ lẫn đạo làm người; đúng như tinh thần câu thơ của ông: Đạo là gió, võ là mây – Ngàn năm lưu lại đó đây tình người…