Hơn hai tháng kể từ khi chính thức hoàn tất và sẵn sàng ra mắt công chúng, Thủa ấy xứ Đoài – vở diễn thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam do đạo diễn Việt Tú dàn dựng – đã không thể hoạt động như dự kiến. Bà Carmen Marienberg – Giám đốc điều hành Baara Land Tuần Châu Hà Nội, thuộc Tập đoàn Tuần Châu, đơn vị đầu tư thực hiện dự án này – chia sẻ, sau khi diễn thử vài đêm thì Tập đoàn Tuần Châu quyết định ngưng hoàn toàn chương trình trên.
Bà Carmen Marienberg cho biết, chương trình Thủa ấy xứ Đoài chưa đáp ứng được kỳ vọng của người đứng đầu Tập đoàn Tuần Châu nên dù đã đầu tư rất nhiều chi phí, tập đoàn cũng phải buộc lòng ngưng hoàn toàn để thực hiện một chương trình biểu diễn mới có tên gọi Tinh hoa Bắc bộ. Một lý do nữa được phía nhà sản xuất Thủa ấy xứ Đoài đưa ra là chương trình chưa đạt được mục tiêu tiếp cận khách du lịch nước ngoài. Trong thời gian vừa luyện tập vừa diễn thử, nhà sản xuất đã tiến hành nghiên cứu thị trường để thẩm định độ hấp dẫn của chương trình đối với khách du lịch quốc tế.
Tập đoàn Tuần Châu đã đặt mục tiêu xây dựng một chương trình biểu diễn thực cảnh chứa đựng tất cả những tinh hoa, tinh túy nhất của Bắc bộ, để mỗi người dân Việt hay du khách nước ngoài đều cảm nhận được vẻ đẹp văn hóa Việt Nam nói chung và vùng Bắc bộ nói riêng. Chính vì thế nhà sản xuất đã mạnh dạn chấp nhận bỏ đi số tiền hàng chục tỉ đồng đã đầu tư vào Thủa ấy xứ Đoài mà họ cho rằng chưa đạt được mục tiêu của họ, để thực hiện Tinh hoa Bắc bộ.
Thủa ấy xứ Đoài được đạo diễn Việt Tú xây dựng trong hơn hai năm, được hoàn thiện và có buổi tổng duyệt vào tháng Sáu vừa qua. Đây là tác phẩm sân khấu thực cảnh, trình diễn trên sân khấu vốn là cảnh quan thực, lấy cảnh quan thực (khu vực hồ nước vùng đất Sài Sơn – xứ Đoài) là một phần của tác phẩm.
Những khán giả có dịp thưởng thức Thủa ấy xứ Đoài đều choáng ngợp với sân khấu mặt nước rộng khoảng 3.000m2, nằm trong quần thể rộng đến 1,75ha, sức chứa lên đến 2.000 chỗ ngồi cho khách và đặc biệt, hậu cảnh của vở diễn chính là ngọn núi Thầy linh thiêng, các thiết kế sân khấu như ngôi nhà đình nặng hàng tấn, dài 20m chạy ra sau rặng tre; từ 10m sâu dưới đáy long trì, hiện lên thủy đình nguyên bản nặng gần 10 tấn cho đến trên đỉnh núi Thầy cao trăm mét, hàng chục ngọn đèn như hào quang tỏa chiếu, tô điểm cho hình ảnh của Đức Thánh Tổ Từ Đạo Hạnh hiển linh và hàng trăm ngọn đèn thắp sáng rực cả rừng tre xanh ngắt, nhuộm cả mặt hồ mênh mông…
Chương trình gồm các tích trò rối nước dân gian như: Tễu Giáo trò, Hội làng, Nông nghiệp cấy cày, Vinh quy bái tổ… cùng sự thể hiện của 140 diễn viên không chuyên là những người dân chủ yếu sống bằng nghề làm nông tại Sài Sơn. Các diễn viên không chuyên này đã hát, múa, di chuyển đội hình… không hề thua các diễn viên chuyên nghiệp, là kết quả sự tập luyện khổ cực cả năm.
Một trong những yếu tố không thể thiếu đã làm nên ấn tượng cho vở diễn trong các buổi diễn thử và tổng duyệt chính là âm nhạc và hiệu ứng âm thanh, được thực hiện bởi nhóm Master Fader (những nhân tố chính của dàn nhạc giao hưởng đương đại Rhapsody Philharmonic), với hai đường dẫn chính: nhạc dân gian nguyên bản và world music, đã tạo ra sự kết nối liền mạch tính dân tộc và hiện đại. Thật tiếc nuối vì một chương trình tâm huyết, được dàn dựng công phu và ý tưởng tốt như Thủa ấy xứ Đoài đã không còn cơ hội tiếp cận với khán giả.
Về chương trình biểu diễn mới Tinh hoa Bắc Bộ (thay thế cho Thuở ấy xứ Đoài), đại diện đơn vị sản xuất cho biết, chương trình này bắt đầu được công diễn vào tháng 11-2017 tại khu vui chơi giải trí đô thị Baara Land – Hà Nội, sau khi diễn buổi đầu tiên (đêm 28-10-2017) và được chủ đầu tư nghiệm thu. Chương trình do tổng đạo diễn Hoàng Nhật Nam dàn dựng, với sự cố vấn nội dung từ nhà sử học Dương Trung Quốc và nhà báo Lê Xuân Sơn. Nhạc sĩ Hồ Hoài Anh đảm nhận vai trò giám đốc âm nhạc và John Huy Trần biên đạo múa.
Tổng đạo diễn Hoàng Nhật Nam cho biết: Tinh hoa Bắc bộ là nơi phô diễn những tinh hoa chắt lọc của vùng đất Bắc, đi từ “thi, ca, nhạc, họa” đến nghệ thuật điêu khắc, kiến trúc, các hoạt động vui chơi, giải trí đến cả các hoạt động văn hóa tín ngưỡng, tinh thần trong lao động, sản xuất, cả trong cách ăn mặc. Đặc biệt, yếu tố tri thức – học vấn cũng sẽ được thể hiện xuyên suốt chương trình. Vở diễn được chia ra làm sáu phần giới thiệu những tinh hoa văn hóa Bắc bộ, gồm: Thi ca, Cõi Phật, Hoài cổ, Nhạc họa, An vui và Ngày hội.
Với kinh phí đầu tư 500 tỉ đồng, số tiền này sẽ được chi cho các khoản đầu tư chủ yếu về cơ sở hạ tầng. Các hệ thống sân khấu, kỹ thuật, âm thanh, ánh sáng, công nghệ nhạc nước… sẽ được đầu tư mạnh với những hình ảnh sống động, tinh tế, để mang tới chương trình thực cảnh đáp ứng cả yếu tố nghệ thuật lẫn giải trí, bao gồm giao thoa laser và 3D mappin và hệ thống ánh sáng ngầm dưới nước. Theo kế hoạch, mỗi đêm sẽ diễn một suất, bắt đầu từ 19g30 và có thể tăng dần lên thành hai suất một đêm sau một thời gian vận hành ổn định. Giá vé sẽ được bán với hai mức 1,2 triệu đồng/người và 800.000 đồng/người.
T.H , Nguồn ảnh Tuổi Trẻ Online, Baara Land