Không ít cặp vợ chồng mà hai người có tính cách hoàn toàn khác nhau. Điều này có vẻ bình thường và cũng có trường hợp hạnh phúc đến đầu bạc răng long.
Nhưng nhìn chung thì sự khác biệt tính cách đó ảnh hưởng không nhỏ đến mối quan hệ, như khả năng tương hợp, hỗ trợ tinh thần, sự hợp tác và mật thiết. Thời gian yêu nhau, tính cách đối lập luôn tạo sức hút nhưng khi sống chung lại là rào cản giữa hai người.
Chồng thích giao lưu bạn bè, thường xuyên đi tiệc tùng và chiêu đãi, trái ngược với vợ lại hạn chế các mối quan hệ xã hội. Mỗi lần miễn cưỡng đi cùng chồng đến chỗ đông người, cô vợ cảm thấy lạc lõng, thậm chí tổn thương khi nép mình một góc nhìn chồng ngoại giao với mọi người.
Người chồng thắc mắc: “Tại sao vợ mình không thể hòa đồng với người khác nhỉ? Mình phải làm gì để thay đổi cô ấy?”. Lại có người vợ không có thói quen tiết kiệm trong tiêu pha, thích mua sắm mọi thứ theo cảm tính, nên mỗi lần nhìn chồng luôn tay ghi chép những thứ chi tiêu trong nhà như một “anh nội trợ” đích thực, cô đâm ra chạnh lòng: “Hóa ra, anh ấy đang kiểm soát ngay cả mình!”.
- Xem thêm: Trái tính
Còn suy nghĩ của anh chồng thì: “Vợ mình chỉ biết vung tay quá trán, không thể nắm tay hòm chìa khóa trong gia đình. Không thể để tình trạng này tiếp diễn. Cần phải làm điều gì để cô ấy thức tỉnh!”.
Việc cố gắng biến bạn đời thành “bản sao” của mình sẽ gặp thất bại trước khi bạn bắt đầu. Bởi vì tạo hóa ban cho mỗi người một cá tính khác nhau. Có câu nói là “Tôi tốt và bạn cũng tốt”, hàm ý không có tính cách nào là xấu và những khác biệt chính là sự đa dạng của tạo hóa ban tặng cho mỗi chúng ta.
Mỗi người có những khuynh hướng tự nhiên ở nhiều mức độ khác nhau, từ hướng ngoại đến hướng nội, cũng như cách tiếp nhận thông tin, đưa ra những quyết định và cơ cấu cuộc sống, thời gian dành cho mình. Khi cố gắng thay đổi tính cách tự nhiên của bạn đời, tức là bạn phủ nhận tính tốt của cô/anh ấy, điều này vô tình làm bạn đời có tâm lý buồn giận, tổn thương và mất lòng tin từ người đầu ấp tay gối.
Nhiều người có ý kiến nên dùng sự hiểu biết và rộng lượng để xử lý tình huống, vì hai yếu tố này rất cần thiết giúp khám phá sự hòa hợp tính cách của một cặp vợ chồng. Chúng giúp người trong cuộc hiểu rõ chính mình và bạn đời cũng như ảnh hưởng tính cách của mình đối với mối quan hệ chung.
Thực tế cho thấy, việc nhận ra những tương đồng và khác biệt giúp vợ chồng nhận thức được tầm quan trọng của mối quan hệ vợ chồng một cách rõ ràng hơn, trong đó sự rộng lượng mà mỗi người dành cho nhau mới là chìa khóa đem lại sự hòa hợp.
Có một ví von thật tinh tế, là nếu xem những khác biệt của vợ/chồng mình như món quà, bạn sẽ nỗ lực chấp nhận chúng. Điều này thật hiển nhiên vì tập trung vào những điểm mạnh và tính cách tốt của bạn đời, bạn có thể đánh giá cao và khẳng định cô/anh ấy thay vì chỉ trích. Không có tính cách nào tốt hơn tính cách nào và bạn cần nhìn nhận vấn đề theo chiều hướng tích cực hơn.
Cũng không ít người có khuynh hướng chấp nhận bất kỳ tính cách nào của bạn đời, miễn sao đem lại cho mình cảm giác thoải mái nhất, nhưng như vậy không hẳn là hợp lý, bởi cách làm này khiến con đường dẫn đến sự dung hòa trở nên dài hơn. Đã có nhiều trường hợp chồng/vợ có tính cách hướng ngoại dần trở nên độc đoán hoặc hướng nội có thể thiếu cởi mở, ít chuyện trò với bạn đời.
Mặc dù khó có thể thay đổi thực trạng nhưng bạn vẫn có thể cải thiện tình hình trong phạm vi cơ bản của tính cách, vì lợi ích của hôn nhân. Đó là đừng quên cư xử rộng lượng, tránh lạm dụng tính cách để thỏa mãn cá nhân, nhằm cân bằng tính cách và hòa hợp cho mối quan hệ.
Cần nhớ rằng, chấp nhận tính cách đối lập của người khác là một tiến trình liên tục của hôn nhân và là một phần của phát triển tinh thần trong cuộc sống vợ chồng. Một khi nhận ra tính cách của bạn đời cũng tốt như của mình, cô/anh ấy cũng chịu ảnh hưởng theo, thì câu nói “Tôi tốt và bạn cũng tốt” dần trở thành hiện thực.
Còn việc nói ra nhu cầu của bạn, liệu có cần thiết? Một khi có được những hiểu biết cơ bản về tính cách của mình, cứ mạnh dạn giải thích với bạn đời. Trường hợp trước đó, vợ chồng có khó khăn khi trao đổi thông tin, đây là cơ hội để tìm hiểu thêm thông qua mâu thuẫn đã qua và trong hiện tại.
- Xem thêm: Khắc… “khẩu”
Đừng chần chờ gì mà không nói với nhau một cách trung thực, nhưng thay vì khơi lại chuyện cũ, cứ tập trung vào cách nào có thể đưa tình huống theo hướng tích cực hơn. Hầu hết mọi người đều muốn điều chỉnh và thỏa hiệp với người mình yêu để chấp nhận những thứ mình đang có nhưng nếu bắt đầu mà thiếu lời khen tích cực, vô tình khiến bạn đời cảm thấy chưa được yêu thương thật sự.
Khi nói ra những nhu cầu của mình với bạn đời, đừng quên rằng cô/anh ấy cũng có những nhu cầu riêng, giống bạn. Hãy khẳng định tình yêu dành cho bạn đời khi làm điều này. Hạnh phúc và khả năng bảo vệ hôn nhân phụ thuộc nhiều vào cách mỗi người nhận thức được tính cách bạn đời, và cách cô/anh ấy muốn đáp ứng những nhu cầu của tính cách đó.
Một chuyên gia tâm lý có nói: “Hạnh phúc và khả năng gìn giữ độ bền hôn nhân hoàn toàn phụ thuộc vào cách mỗi người thấu hiểu tính cách của bạn đời, cách mà anh/cô ấy muốn đáp ứng những nhu cầu về khí chất của bạn đời”.
Chẳng hạn, người hướng ngoại tách rời những hoạt động và không được tiếp xúc với mọi người trong thời gian dài, họ có thể trở nên khó tính. Người hướng nội cần để bạn đời của mình ra ngoài xã hội và tìm cách tham gia vào những hoạt động của cô/anh ấy.
Người hướng nội thường chú ý năng lượng bản thân trong ngày và cần có đủ thời gian riêng cho mình để mạnh mẽ hơn trước khi có thể giải quyết một xung đột. Người hướng ngoại cần tôn trọng thời gian bất khả xâm phạm này của bạn đời và để họ biết trước thời gian về các hoạt động xã hội sắp tới.