Tháng Tám hằng năm thường thiếu những thông tin hỗ trợ mạnh, nên xu thế chung của thị trường là khá trầm lắng và giảm điểm. Tuy nhiên, điều này chưa diễn ra với thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm nay. Các chỉ số liên quan đến kinh tế vĩ mô vẫn cho thấy nền kinh tế đã có những dấu hiệu hồi phục. Mức phí của các hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng kỳ hạn năm năm của Việt Nam vẫn đang dao động quanh mức 200-220 điểm, mức thấp nhất trong năm năm trở lại đây, cho thấy cái nhìn tích cực của các nhà đầu tư nước ngoài về triển vọng dài hạn của kinh tế nước ta. Điều này càng được thể hiện rõ hơn khi cả ba hãng đánh giá xếp hạng tín nhiệm lớn nhất thế giới là Standard & Poor’s, Moody’s và Fitch đều có những đánh giá tốt về kinh tế Việt Nam với triển vọng lần lượt là ổn định, ổn định và tích cực. Trong quý II, kinh tế nước ta tăng trưởng ở mức 5,25%, cao hơn so với mức 5,09% của quý I, cán cân thương mại vẫn đang được cải thiện, nhất là khi Ngân hàng Nhà nước có thể tiếp tục điều chỉnh tỷ giá theo hướng giảm giá trị tiền đồng thêm 1% từ đây đến cuối năm để hỗ trợ xuất khẩu. Chính vì những điều này, thị trường chứng khoán Việt Nam được xem là một trong những thị trường mới nổi còn nhiều tiềm năng tăng trưởng và từ đầu năm đến nay, các quỹ đầu tư chứng khoán trên thế giới vẫn đều đặn rót tiền vào thị trường chứng khoán Việt Nam thông qua việc mua ròng 244,3 triệu cổ phiếu, tương đương 5.338 tỉ đồng (tính đến ngày 8-8-2014). Điều này góp phần giúp thị trường chứng khoán Việt Nam có những bước tăng trưởng mạnh, trở thành một trong những thị trường có tốc độ tăng trưởng cao nhất châu Á từ đầu năm đến nay.
Việc giá xăng giảm cũng là một trong những thông tin hỗ trợ tốt cho thị trường trong giai đoạn hiện nay. Với ba phiên tăng và hai phiên giảm điểm, VN-Index tuần qua vẫn trong trạng thái giằng co giữa hai bên mua – bán, chưa có xu hướng nào thể hiện rõ nét trong ngắn hạn. Có thể thấy điều này thông qua các hành động trái ngược nhau của khối ngoại và khối tự doanh của các công ty chứng khoán, khi khối ngoại tiến hành chốt lời thông qua việc bán ròng gần 573,8 tỉ đồng trên HoSE, còn khối tự doanh của các công ty chứng khoán lại mua ròng 29,4 tỉ đồng. Tuy nhiên, hoạt động của cả hai bên chủ yếu tập trung vào các cổ phiếu dẫn dắt và có vốn hóa lớn như GAS, MSN, VIC,… Dù vậy, đây chỉ là những bước đi trong ngắn hạn của các bên trước khi thị trường thể hiện những xu thế rõ ràng hơn.
Như đã phân tích, việc VN-Index vượt được ngưỡng cản tâm lý 603 điểm phần nào giúp các nhà đầu tư tự tin hơn vào xu hướng tăng trong dài hạn của thị trường. Tuy nhiên, việc không có nhiều thông tin hỗ trợ trong giai đoạn này lại là một lực cản khiến các nhà đầu tư không dám đổ tiền vào mạnh hơn. Tâm lý chờ đợi đang thắng thế trên thị trường khi phần lớn các nhà đầu tư giữ tỷ lệ tiền mặt cao chứ chưa chuyển hóa hết sang cổ phiếu. Họ chờ xem thị trường đã thực sự trong quá trình tích lũy và tăng điểm hay vẫn đang trong giai đoạn trồi sụt thất thường. Vì điều này mà dù thanh khoản của thị trường có gia tăng trong những phiên gần đây, khả năng VN-Index có những phiên điều chỉnh nhẹ để về lại ngưỡng hỗ trợ 603 là dễ xảy ra hơn trường hợp thanh khoản gia tăng vượt trội để vượt mức cản tâm lý tiếp theo là 610 điểm.
Trên thực tế, dòng tiền vẫn đang thể hiện sự phân hóa rất lớn khi tập trung chủ yếu vào các cổ phiếu vốn hóa lớn và dẫn dắt thị trường (GAS, VNM, VIC, MSN,…) hay các mã thuộc lĩnh vực dầu khí (PVB, PVC, PVD, PVS,…) và các mã cổ phiếu nóng trong thời gian gần đây như FLC, HQC, HLA,… Với những thông tin tích cực về tình hình sản xuất trong nước, những cổ phiếu thuộc các nhóm ngành sản xuất như dệt may, thép, xi măng,… sẽ được hưởng lợi trong thời gian tới, nhưng với mức độ khác nhau, phụ thuộc vào tình hình biến động của các yếu tố đầu vào. Ngành bất động sản và xây lắp cũng thường có sự gia tăng mạnh vào cuối năm khi đây là khoảng thời gian mà dòng tiền từ những dự án đầu tư của các doanh nghiệp trong hai ngành này được hạch toán. Chính vì vậy, đây vẫn là thời điểm thuận lợi cho các nhà đầu tư dài hạn có thể thu gom dần các cổ phiếu tốt với giá rẻ trước khi những cơn sóng lớn vào cuối năm diễn ra.
Phiên giao dịch đầu tuần (11-8) là một cơ hội “thu gom” như vậy, khi số mã giảm điểm cao hơn nhiều so với số mã tăng điểm. VN-Index đóng cửa tại 602,13 điểm, tổng khối lượng giao dịch đạt 87,72 triệu cổ phiếu, giá trị giao dịch là 1.728,61 tỉ đồng. Với số lượng mã cổ phiếu tăng/đứng/giảm giá lần lượt là 88/70/119 và khối lượng giao dịch như vậy, khả năng thị trường tiếp tục điều chỉnh về ngưỡng hỗ trợ 600 điểm trong vài ngày tới là có thể xảy ra.
Thành Huân