Thị trường trong tháng 10 không còn dễ đoán định mà có nhiều phiên tăng giảm bất thường với biên độ khá lớn. Kết thúc, VN-Index dừng tại 600,84 điểm, gần như không thay đổi so với cuối tháng 9 (tăng 0,3%), còn HNX-Index cũng chỉ giảm 0,7%, xuống còn 88,03 điểm. Điểm tiêu cực là thanh khoản giảm mạnh trên cả hai sàn, lần lượt giảm 8,4% và 12% so với tháng trước. Riêng tuần qua, cổ phiếu OGC của Tập đoàn Đại Dương không còn bị bán tháo, dù vậy thị trường vẫn giao dịch rất thận trọng. Áp lực giảm điểm không quá mạnh nhờ người bán không còn vội vàng cắt lỗ và dòng tiền bắt đáy vẫn hoạt động tương đối. Đến cuối tuần, nhà đầu tư nước ngoài tích cực mua vào kéo theo các nhà đầu tư trong nước đã giúp thị trường có một phiên tăng điểm khá (VN-Index tăng 11,7 điểm, HNX-Index tăng 1,24 điểm). Vào cuối phiên, dòng tiền đổ vào thị trường khá mạnh, giúp các nhóm cổ phiếu chứng khoán, ngân hàng cùng các cổ phiếu dẫn dắt khác như GAS, MSN, BVH,… tăng giá và giúp hai sàn có một phiên giao dịch tích cực cả về điểm số lẫn thanh khoản.
Nhìn chung, trong gần suốt tháng 10, các nhà đầu tư nước ngoài luôn duy trì trạng thái bán ròng và đây đã là tháng bán ròng thứ tư liên tiếp của khối ngoại trên HoSE, với tổng giá trị bán ròng là 1.107,1 tỉ đồng. Trên HNX, trạng thái bán ròng của khối ngoại cũng đã được tháng thứ ba liên tiếp, với tổng giá trị 97,82 tỉ đồng. Tính chung hai sàn, tổng giá trị bán ròng của khối ngoại trong tháng 10 lên tới 1.204,92 tỉ đồng, tăng 6,85% so với tháng 9. Đây là tháng bán ròng mạnh thứ hai kể từ đầu năm 2014, sau tháng 3 (hơn 2.136 tỉ đồng). Tuy nhiên, đà bán ròng của khối ngoại có thể sẽ ngưng vào tháng 11, khi đã trở lại mua ròng trong tuần giao dịch cuối cùng của tháng 10, với tổng giá trị 375,13 tỉ đồng. Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, động thái mua bán của khối ngoại có tác động không nhỏ đến tâm lý của nhà đầu tư cá nhân trong nước. Việc bán ra liên tục của khối ngoại thời gian qua cũng khiến nhiều nhà đầu tư chao đảo và nếu không có hoạt động mua ròng của khối tự doanh của các công ty chứng khoán, hẳn thị trường sẽ còn ảm đạm hơn. Trong tháng 10, khối tự doanh mua ròng 16 phiên và chỉ bán ròng bảy phiên, khối lượng mua ròng hơn 2,8 triệu đơn vị, giá trị 259,7 tỉ đồng.
Tuần qua, thông tin trần lãi suất huy động ngắn hạn giảm xuất hiện được cho là khá đúng lúc, giúp dòng tiền có động lực để quay lại, thanh khoản của thị trường được cải thiện. Cộng thêm kinh tế vĩ mô vẫn ổn định, thì nhịp điều chỉnh vài tháng qua của thị trường có thể tạo nền tảng cho sự tăng trưởng ở giai đoạn tiếp theo. Tuy nhiên, tháng 11 cũng là dịp để thị trường kiểm định lại khả năng tăng trưởng. Nhiều nhà đầu tư cá nhân vẫn “nghe ngóng” thông tin từ kỳ họp Quốc hội đang diễn ra và theo những thống kê trước đây, thị trường chứng khoán thường không tăng điểm mạnh trong thời gian họp Quốc hội. Ngoài ra, cũng không có chính sách nào mang đến sự thay đổi đột biến và nền kinh tế dù ổn định và trên đà phục hồi nhưng cũng không vượt quá sự kỳ vọng. Về phía các doanh nghiệp niêm yết, các thông tin công bố kết quả kinh doanh quý III đã gần hết và rất khó có một nhóm ngành nào đủ sức kéo thị trường tăng điểm mạnh như nhóm dầu khí trước đó. Tất nhiên, cũng có một số nhóm có dấu hiệu mạnh hơn thị trường, như một số mã chứng khoán và bất động sản, nhưng nhịp tăng khó thể kéo dài.
Sự giao dịch của khối ngoại tại thị trường Việt Nam chịu sự chi phối không nhỏ bởi tình hình thế giới. Tâm lý thận trọng, áp lực bán cổ phiếu để giữ tiền mặt của các nhà đầu tư quốc tế đã phần nào giảm xuống sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tuyên bố sẽ chấm dứt gói QE3 và duy trì mặt bằng lãi suất thấp thêm một thời gian nữa. Sau thông tin này, nhiều thị trường chứng khoán đã tăng điểm. Cộng thêm việc châu Âu và Nhật Bản tiếp tục duy trì chính sách kích thích kinh tế, thị trường chứng khoán thế giới sẽ có nhiều hy vọng hồi phục và khởi đầu cho nhịp tăng điểm mới. Khi ấy, rất có thể khối ngoại sẽ trở lại trạng thái mua ròng tại thị trường Việt Nam, giúp thị trường bật lên và quan trọng hơn là sẽ hỗ trợ tâm lý cho các nhà đầu tư cá nhân. Ngoài ra, thống kê cho thấy khối ngoại cũng thường giải ngân mạnh trong giai đoạn vài tháng cuối năm.
Sau một tháng nhiều biến động, cả hai sàn vẫn đang giao dịch thận trọng tại vùng hỗ trợ 580-600 điểm với VN-Index và 85-87 điểm với HNX-Index. Nếu không có những thông tin gây sốc mới, nhiều khả năng thị trường sẽ đi vào giai đoạn tích lũy, điểm số và thanh khoản sẽ dần được cải thiện. Trong phiên giao dịch đầu tiên của tháng 11, điều này đã được thể hiện. Kết thúc phiên 3-11, VN-Index tăng nhẹ 2,31 điểm, lên 603,15 điểm, với 142 mã tăng giá so với chỉ 77 giảm giá, đồng thời thanh khoản cũng được cải thiện (2.365,5 tỉ đồng).
Thành Huân