Quyết định của Ngân hàng Nhà nước giảm trần lãi suất huy động bằng tiền đồng với các kỳ hạn ngắn (từ một đến dưới sáu tháng) xuống 5,5%/năm kể từ ngày 29-10, dù chỉ để “hợp thức hóa” những gì mà đa số ngân hàng thương mại đã áp dụng thời gian qua, vẫn được đánh giá là tích cực, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế có điều kiện tiếp cận tốt hơn với các nguồn vốn tín dụng. Việc hạ trần lãi suất ngắn hạn lần này cũng không tác động nhiều đến tỷ giá, do trần lãi suất huy động bằng USD cũng giảm tương ứng (từ 1%/năm xuống còn 0,75%/năm). Chênh lệch lãi suất giữa tiền đồng và USD vẫn được duy trì khiến cho nguy cơ đồng USD tăng giá được loại trừ. Ngoài ra, trong đợt này, các lãi suất điều hành như tái cấp vốn, tái chiết khấu, cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng cũng không bị cắt giảm, chứng tỏ nhà điều hành vẫn muốn giữ vị thế của tiền đồng trong mối tương quan với USD.
Tuy nhiên, nếu kỳ vọng rằng động thái hạ trần lãi suất lần này sẽ thúc đẩy cầu nội địa, kích thích người dân chi tiêu thay vì tiết kiệm và là cơ sở để các ngân hàng giảm lãi suất cho vay, giúp tín dụng có cơ hội tăng tốc, hoàn thành chỉ tiêu 12 – 14% vào cuối năm thì e rằng hơi lạc quan. Dĩ nhiên, Ngân hàng Nhà nước cũng giảm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng tiền đồng đối với một số lĩnh vực, ngành kinh tế từ mức 8%/năm xuống 7%/năm, nhưng chỉ giới hạn ở một số lĩnh vực và ngành nhất định, chứ không phải áp dụng với toàn bộ nền kinh tế, nên các doanh nghiệp chưa thể kỳ vọng rằng lãi suất cho vay nói chung sẽ giảm theo tương ứng. Chỉ khi nào lãi suất cho vay thực sự giảm thêm, dù chỉ 0,5%/năm so với hiện nay, thì các doanh nghiệp đang hoặc sẽ có nhu cầu vay vốn giảm mới được giảm đi đáng kể một khoản chi phí. Còn việc doanh nghiệp tích cực vay vốn (và được ngân hàng cho vay), qua đó thúc đẩy tăng trưởng tín dụng thì là một câu chuyện khác, liên quan đến nhu cầu thực sự của doanh nghiệp và khả năng kinh doanh – trả nợ của họ, chứ không bị tác động nhiều bởi lãi suất.
Thực tế đã phản ánh điều này. Đúng là lãi suất ngay lập tức được các ngân hàng điều chỉnh giảm, nhưng không phải lãi suất cho vay mà là lãi suất huy động tiền gửi. Khi chưa có quyết định của Ngân hàng Nhà nước, đa số ngân hàng thương mại đã huy động dưới mức trần từ 1 – 1,5%/năm và nay khoảng cách ấy vẫn được duy trì. Mức lãi suất huy động tiền đồng thấp nhất ở kỳ hạn một tháng chỉ còn 4%/năm, hai tháng là 4,5%, ba tháng là 5% và từ 4-5 tháng mới chạm mức trần (5,5%/năm) quy định. Lãi suất huy động của các kỳ hạn dài cũng giảm, chỉ còn quanh mức 7 – 7,5%/năm. Riêng với USD, các ngân hàng đều huy động với lãi suất tối đa 0,75%/năm cho các khoản tiền gửi của cá nhân theo mức trần Ngân hàng Nhà nước áp dụng.
Nghĩa là, tác động của việc hạ trần lãi suất ngắn hạn lần này sẽ tác động trực tiếp đến… các ngân hàng thương mại, giúp họ có thể chủ động hơn với biên độ lợi nhuận của mình, chứ chưa giúp giảm mặt bằng lãi suất cho vay nói chung của nền kinh tế. Có một chi tiết đáng chú ý là sau khi Ngân hàng Nhà nước giảm trần lãi suất huy động, khối lượng tín phiếu Ngân hàng Nhà nước trúng thầu có tăng lên so với trước. Cụ thể, tuần qua đã có 19.577 tỉ đồng tín phiếu được trúng thầu với lãi suất bằng hoặc tăng nhẹ so với một tuần trước. Tính đến hết tháng 10, dư nợ tín phiếu đang ở mức 189.595 tỉ đồng. Dù sao thì với việc giảm trần lãi suất huy động lần này, các ngân hàng thương mại cũng sẽ bớt thừa tiền và Ngân hàng Nhà nước sẽ không phải phát hành tín phiếu nhằm điều hòa lượng tiền tệ trên thị trường nhiều như trước.
Minh Hằng