Vẫn bám theo luận điệu “Tây Sa là lãnh thổ vốn có của Trung Quốc, không tồn tại bất cứ tranh chấp nào”, trong tuần qua, phía Trung Quốc tiếp tục ngang nhiên vu cáo Việt Nam trên diễn đàn quốc tế nhằm tiến đến mục tiêu quan trọng mà họ nhằm vào là các nguồn tài nguyên, trong đó đặc biệt là băng cháy – nguồn năng lượng tương lai có thể thay cho dầu mỏ – nằm dưới thềm lục địa tại Biển Đông.
Trung Quốc đã điều hơn 100 tàu các loại, gồm cả tàu quân sự cùng nhiều máy bay chiến đấu để bảo vệ giàn khoan HD-981. Tàu Trung Quốc nhiều lần chủ động đâm tàu cá, tàu kiểm ngư và tàu cảnh sát biển của ta đang thực hiện nhiệm vụ trên biển, gây hư hỏng nhiều trang thiết bị trên một số tàu. Từ ngày 20-6, Trung Quốc còn điều thêm giàn khoan thứ hai có tên Nam Hải 9, nặng 21.714 tấn, dài 600m, tốc độ khoảng 4 hải lý/giờ di chuyển tới vị trí có tọa độ ở vị trí 17°37’38’’ Bắc – 110°12’16’’ Đông trên Biển Đông (gần cửa vịnh Bắc bộ). Lực lượng cảnh sát biển và các cơ quan chức năng khác của Việt Nam đang giám sát chặt chẽ mọi hoạt động của giàn khoan này.
Việt Nam đã 37 lần đề nghị đối thoại nhưng Trung Quốc chỉ chấp nhận hai lần và lần thứ 2 chính là sự kiện ông Dương Khiết Trì – Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc sang Việt Nam trong tuần qua. Sáng 18-6, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã gặp quan chức này với tư cách đồng chủ tịch Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt – Trung. Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đều đã tiếp ông Trì, khẳng định rõ lập trường về chủ quyền đối với các quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa là không thể thay đổi, đề nghị hai bên cần có những giải pháp cơ bản và lâu dài nhằm giải quyết các vấn đề trên biển, xuất phát từ lợi ích đại cục của hai nước, trên cơ sở các thỏa thuận cấp cao và luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, bộc lộ thái độ tránh né việc kiện tụng ra Tòa án Trọng tài quốc tế, ông Trì đề xuất các tranh chấp cần được giải quyết thông qua đàm phán trực tiếp giữa các bên, không nên có sự can dự của một bên thứ ba nào. Bên lề hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN lần thứ 8, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh cũng đã có cuộc tiếp xúc song phương với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn để thể hiện quan điểm của Việt Nam đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ bằng biện pháp hòa bình.
Trong tuần, bên cạnh sự kiện Bộ Ngoại giao tổ chức họp báo quốc tế về tình hình Biển Đông để phản bác các luận điểm thiếu căn cứ của Trung Quốc cũng như một số nội dung sai trái mà Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra thời gian gần đây, sáng 21-6, Triển lãm quốc tế “Hoàng Sa – Trường Sa: Phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam” đã được khai mạc tại Bảo tàng Đà Nẵng. Trong số các tài liệu quý lần đầu tiên được công bố tại đây có bảy bản đồ mới nhất nằm trong các tài liệu Hán Nôm mà các học giả và nhà nước phong kiến Việt Nam vẽ từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX; tấm bản đồ do Thủ tướng Hà Lan tặng cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong chuyến thăm Hà Lan hồi năm 2011; bản đồ Partie de la Chine và các chú thích liên quan nằm trong tập Atlas Universel, xuất bản tại Bỉ năm 1827… cùng nhiều sách cổ viết về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa.
Nguyễn Thắng