Hiện nay cơ sở y tế này đã bị phá huỷ chỉ còn là phế tích, nhưng người dân xứ Huế, đặc biệt là các lương y đang cố gắng để phục dựng và tái hiện hình ảnh các vị Thái y triều đình ngày xưa bắt mạch, bốc thuốc cho du khách theo đúng trình tự mà các thái y, ngự y xưa đã làm, tạo điểm hẹn ấn tượng thu hút du khách gần xa.
Trong lịch sử, vào thời Nguyễn đã có nhiều cơ quan khoa học tự nhiên từng hoạt động được tổ chức khá quy củ. Trong lĩnh vực y tế, tại kinh đô Huế xưa có Thái Y viện là một đơn vị y tế chủ yếu phục vụ cho nhà vua, Hoàng tộc và triều đình. Ngoài ra, Viện Thái y còn có nhiệm vụ chống dịch bệnh, bào chế thuốc men, kiểm tra gói thuốc, sắc nấu thuốc và coi việc chữa bệnh.
Sau khi thống nhất đất nước lập nên vương triều nhà Nguyễn, vua Gia Long đã cho dựng Thái Y viện làm nơi khám chữa bệnh cho triều đình. Theo ghi chép của sách Đại Nam nhất thống chí thì hồi đầu niên hiệu Gia Long, sở này ở địa phận phường Dưỡng Sinh, đến đời vua Minh Mạng cho dời đến chỗ ở hiện nay tức là ở phía đông nhà Duyệt Thị trong Tử Cấm Thành. Đến năm Đồng Khánh thứ nhất (1886) lấy nhà Dục Đức làm sở ở làm việc của viện Thái y (vì viện cũ sau khi loạn đã bị đốt phá).
Lúc mới được thành lập, quy mô của Thái Y viện còn nhỏ, về cơ cấu tổ chức còn sơ sài và chưa được quy củ. Đến thời vua Minh Mạng trở về sau thì sở này đã dần đi vào ổn định và hoạt động rất có hiệu quả trong việc khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ cho vua và hoàng thân quốc thích, cung tần, mỹ nữ cùng quan lại trong triều đình.
Năm Minh Mạng thứ 1 (1820), định viên ngạch cho Thái y viện như sau: “Chánh ngũ phẩm Ngự y chánh 1 người, Tòng ngũ phẩm Ngự y phó 2 người, Chánh thất phẩm Y chính 2 người, Tòng thất phẩm Y chánh 2 người, Chánh bát phẩm Y chính 10 người, Tòng bát phẩm Y phó 10 người, Chánh cửu phẩm Y sinh 12 người, Tòng cửu phẩm Y sinh 30 người; ngoại khoa Chánh bát phẩm Y chánh 2 người, Tòng bát phẩm Y phó 2 người, Tòng cửu phẩm Y sinh 16 người. Tất cả gồm 89 người đều cho thực thụ. Chánh bát phẩm Y chánh trở lên 19 người, cấp bổng theo phẩm trật”.
Đến năm Minh Mạng thứ 10 (1829), bắt đầu đặt Viện sứ viện Thái Y, năm Minh Mạng thứ 16 (1835) bắt đầu đặt chức Tả viện phán và Hữu viện phán ở viện Thái y. Như vậy, người đứng đầu Thái Y viện là Viện sứ tiếp đến là Ngự y, Phó ngự y, Tả, Hữu viện phán; Nội khoa Y chính, Ngoại khoa Y chính, Y phó, Cửu phẩm Y sinh; Vị nhập lưu Y sinh…
Để đảm bảo về mặt pháp lý cũng như đảm bảo an toàn cho sức khẻ của nhà vua và những người thân thích thì dưới thời vua Minh Mạng cũng đã ra lệnh Chế ấn cấp quan phòng bằng đồng và dấu kiềm bằng ngà cho Thái Y viện. Trọng trách lĩnh ấn triện thường được giao cho Ngự y và Phó Ngự y trong triều. Sau này dưới thời vua Thiệu Trị việc giữ ấn còn được giao cho Hữu viện phán và Tả viện phán.
Viện Thái Y là một sở y tế chuyên khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ cho vua, Hoàng tử, Hoàng hậu… và những người thân tộc nên việc tuyển chọn quan lại và thầy thuốc vào làm việc ở Viện Thái Y rất được quan tâm và chú trọng, mở rộng tìm kiếm khắp các địa phương nhằm mục đích tìm được nhiều thầy thuốc giỏi khắp cả nước.
Ngoài ra những người đã được vào làm việc trong Thái Y viện cũng thường xuyên sát hạch, kiểm tra chuyên môn để xem đã đúng với chức vụ được giao hay chưa. Nếu không qua được kỳ sát hạch thì bị giáng chức và tìm thầy thuốc giỏi hơn để thay thế.
Năm Tự Đức thứ nhất ban dụ: “Viện Thái Y hiện nay người am luyện lão thành cũng ít vả lại đạo làm thuốc huyền diệu sâu xa, dùng thuốc không dễ. Hơn nữa dâng thuốc vua dùng, quan hệ nhường nào. Tất phải chọn được người giỏi để mong thành công hiệu. Cho Viện Cơ Mật, Nội các, thị vệ nhanh chóng lập hội đồng, họp tất cả nhân viên viện ấy, hỏi kỹ về mạch lý, xét cho cùng về sách thuốc.
Người nào thành thục, tinh thông, học rộng thì tâu xin sung bổ, nếu trong viện đều là người tầm thường không thể đương nổi chức vụ ấy mà người ngoài viện lại có tay thầy thuốc giỏi giang, đáng sung chức ấy không ngại gì cứ thực tâu rõ. Đợi chỉ liệu cho bạt bổ. Còn như những người hiện đang làm Ngự y viên ấy cũng giao cho sát hạch. Nếu quả là làm nổi chức vụ, chữa thuốc có phương pháp thì tâu cho làm chức vụ như cũ.
Nếu người nào kỹ thuật bỡ ngỡ, khó dùng làm việc lập công được thì trách ra tâu rõ, đợi chỉ bãi truất để tỏ sự khuyên răn. Các người ở Viện Cơ Mật, Nội các, xứ thị vệ lần này vâng chỉ sát hạch cốt chọn được người để làm đúng với chức vụ. Nếu cử bậy người kém, can lỗi không nhỏ đâu. Lòng yêu vua không gì hơn việc này, nên suy nghĩ kính cẩn” (Theo sách Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ, quyển 258).
Quá trình làm việc của Thái Y viện tuân thủ theo quy định hết sức nghiêm ngặt, chặt chẽ. Viện sứ và Ngự y ngày đêm cắt lượt nhau chầu trực phòng khi có việc cần đến, còn các thuộc viên cũng đều túc trực ở viện để phụ giúp. Nếu trường hợp vua đi ngự tuần xa, thì Thái Y viện sẽ cử người mang theo thuốc thượng phương theo hầu, phòng khi vua gặp trường hợp bất trắc.
Trong quá trình làm việc không phải ai làm việc trong Thái Y viện đều được vào thăm, khám bệnh cho nhà vua. Chỉ có những người am hiểu về mạch lý, phương pháp chữa bệnh rõ ràng, hiệu quả thì mới được cấp bài ngà vào ngự chẩn. Ngự y tham gia khám chữa bệnh cho vua, có khi chỉ 1 người, có khi 2 đến 4 người, hoặc nhiều hơn, tùy theo bệnh trạng. Người khám bệnh được chỉ định có thể là quan Ngự y, cũng có thể là các quan khác am tường về y thuật.
Nhưng cũng có khi thầy thuốc không phải là người của Thái Y viện mà là một vị quan hay thầy lang ở ngoài. Những người xem mạch cho vua thường được chọn trước. Như năm Minh Mạng thứ 19 (1838), chuẩn lời tâu: “Y chính viện Thái Y là Đặng Văn Giảng, Trần Duy Huân đều là người cẩn hậu, cấp cho bài ngà để vào cung xem mạch”. Năm Thiệu Trị thứ 3 (1843), thì chọn Y chính Hoàng Đức Hạ, Y phó Nguyễn Văn Đường; thời Tự Đức chọn Nguyễn Tất Cát, Lê Quang, đều là người lão thành, am hiểu mạch, được đeo bài ngà vào cung xem mạch.
Việc dâng thuốc cũng được thực hiện hết sức cẩn trọng, thuốc dùng trong cung cấm thường do sở Thương Bạc chọn mua hoặc thuốc quý từ các địa phương tiến cống về Kinh đô.
Năm Thiệu Trị thứ 6, chuẩn y lời tâu: “Từ nay, viện Thái Y chọn thuốc dâng lên vua dùng, do các viên Viện sứ, ngự y, viện phán cùng với thị vệ thần, Viên ngoại lang ty cẩn tín, đến phủ Nội vụ hội đồng 4 nha, chiếu từng hạng các vị thuốc chọn lấy thứ tốt thượng hạng, đáng dùng cho vua uống, thì kính cẩn xem xét chia hạng đem về sở ngự dược, hội đồng với xứ thị vệ đem bào chế đúng phép. Những việc làm ấy chuyên do các viên viện sứ, ngự y, viện phán cùng với y chính, y phó viện ấy chính mình xét làm cho tinh khiết, khi ấy nếu thiếu người làm việc thì do thị vệ thần liệu phái thị vệ các bậc đến làm phụ. Từ nay có bào chế thuốc vua dùng, đều phái thuộc viên đến xem xét. Nếu thấy thuốc không tốt cho đem việc ấy tâu lên hạch rất nghiêm”.
Trong quá trình thăm khám bệnh và bốc thuốc nếu khỏi bệnh và được nhà vua vừa lòng thì sẽ được thăng chức và ban thưởng vàng, bạc, gấm, lụa có cấp bậc khác nhau. Năm Minh Mạng thứ nhất, thưởng cho Ngự y viện Thái y là Hoàng Đức Hạ được gia 2 cấp; Bang biện là bọn Đặng Văn Chức, cộng 13 người, mỗi người đều gia 1 cấp; năm Minh Mạng thứ 21 thưởng cho Ngự y là Hoàng Đức Hạ kỷ lục 1 thứ và 5 đồng ngân tiền Phi long hạng lớn. Nhân viên thuộc viện (Thái y), thưởng chung cho 100 quan tiền; năm Thiệu Trị thứ 6, viện Thái Y vì dâng thuốc có chút công hiệu, nên Quản viện là Vũ Quýnh, Viện sứ là Trần Viết Cật đều được thưởng gia 1 cấp chua ở dưới tên, 3 cuốn sa, 10 lạng bạc; Y chính Hoàng Đức Hạ được 1 đồng kim tiền, 30 lạng bạc, 10 tấm đoạn, 2 cuốn sô sa…
Tuy nhiên, nếu làm việc cẩu thả thiếu cẩn trọng, tham lam ăn cắp thuốc… thì bị xử phạt giáng chức, phạt bổng. Trường hợp nặng hơn là nếu vua uống thuốc mà vẫn trọng bệnh, chẳng may bị chết, ngay lập tức các quan ngự y trở thành kẻ phạm tội, bị bắt tống giam. Mộc bản sách Đại Nam thực lục đệ tam kỷ, quyển 163 có chép: “Giam hai thầy thuốc là Hoàng Đức Hạ và Đặng Công Tuấn vào ngục. Khi trước, Thánh tổ Nhân hoàng đế yếu nặng, bọn Hạ chữa thuốc không có công hiệu, đưa xuống đình thần bàn xét, đều nói là: bọn Hạ biết mà không nói, là bất trung; dám tự theo ý mình, là bất kính. Tội bất trung và bất kính không gì to bằng. Xin khép vào tội trảm giam hậu”.
Nhiệm vụ chính của Thái Y viện là chăm sóc sức khỏe cho vua, hoàng gia, nội cung. Ngoài ra, còn khám chữa bệnh cho các đại quan tại kinh, những người phụng trực tại các điện miếu, lăng tẩm, binh lính, dân phu ở các công trường của triều đình, tham gia chống dịch bệnh ở các địa phương, mở trường dạy thuốc, tư vấn cho Thượng thiện sở khi chế biến thức ăn của vua, hoàng gia…
Năm Minh Mạng thứ 2 (1821), vua đi xem xét Kinh thành, thấy có bệnh binh nằm ở bờ ao, hỏi ra là lính ở vệ Ban tực tiền. Liền sai Thái Y viện điều trị; hay năm Minh Mạng thứ 21 (1840), vua sai Bộ Binh xuống dụ cho tiến quân đi, chọn ở trong viện Thái Y người nào chữa thuốc về nội khoa, ngoại khoa, đều mỗi khoa 2 người, đi đường trạm tới quân thứ ở Trấn Tây, để điều trị cho quan binh…
Thái Y viện đã tồn tại và hoạt động rất hiệu quả đúng với chức năng và nhiệm vụ của mình đối với triều đình nhà Nguyễn. Tuy nhiên, hiện nay cơ sở y tế này đã bị phá huỷ chỉ còn là phế tích, nhưng người dân xứ Huế, đặc biệt là các lương y đang cố gắng để phục dựng và tái hiện hình ảnh các vị Thái y triều đình ngày xưa bắt mạch, bốc thuốc cho du khách theo đúng trình tự mà các thái y, ngự y xưa đã làm, tạo điểm hẹn ấn tượng thu hút du khách gần xa.
Đồng thời thế hệ chúng ta cần phải xem Thái Y viện triều Nguyễn là một sản phẩm văn hóa tinh thần độc đáo, gắn kết giữa khám chữa bệnh và dịch vụ du lịch. Công tác phục dựng cần làm đúng nguyên bản, tại vị trí cũ (nằm cạnh khu vực Nhà hát Duyệt Thị Đường, Đại Nội Huế) có phòng chẩn trị, phòng điều chế thuốc… tạo thành cơ sở uy tín có thương hiệu thu hút du khách mọi nơi.