Theo khảo sát của báo The Economist, vào những năm 1992-1994, mức tử vong của nam giới tại Nga tăng một cách đột ngột. Sự thật này không ai phủ nhận, song nguyên do vì đâu còn là điều gây ra nhiều tranh cãi.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng tuổi thọ của nam giới ở Nga sụt giảm bất ngờ là do họ tiêu thụ nhiều rượu quá. Đó cũng là một trong những hệ quả của sự chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường và sinh hoạt dân chủ tại các nước Đông Âu đã có những tác động quan trọng lên đời sống xã hội ở Nga, nhất là trong nhiệm kỳ đầu của chính quyền Boris Yeltsin.
Một vài quan sát viên phương Tây đưa ra một con số đáng sợ: 1/3 số tử vong tại Nga có nguyên nhân từ rượu! Đó là con số ước lượng quá cao, gây nghi ngờ cho nhiều chuyên gia khác, trong khi những số liệu chính thức tại Nga cho thấy số người chết do uống nhiều rượu chiếm không đến 4%! Riêng số liệu của các nhà nghiên cứu độc lập thì tỷ lệ này là 12%.
- Xem thêm: Con đường làm hại gan của rượu bia
Các nhà quan sát khác lại lập luận rằng bình quân mức tiêu thụ rượu không nhất thiết là chỉ dấu của nguy cơ về sức khỏe. Vì chỉ có rượu mạnh, tiêu biểu là rượu Vodka ở Nga, mới là nguyên nhân gây ra mức tử vong cao ở nam giới. Một số chuyên gia về sức khỏe cộng đồng lập luận rằng bệnh tim mạch là nguyên nhân chính của nhiều trường hợp tử vong và rượu là cửa ngỏ dẫn đến bệnh này.
Các số liệu thống kê chính thức ở Nga nêu rõ số trường hợp tử vong do ngộ độc rượu từ 10 người/100.000 cư dân vào những năm 1990-1991 đã tăng lên gần 40 người vào năm 1994, vượt quá tổng số người tự tử và bị sát hại trong xã hội Nga.
Theo các nhà nghiên cứu, có ba yếu tố tác động lẫn nhau trong mối quan hệ giữa rượu và số tử vong ở nam giới tại Nga, đó là giá rượu thấp, mức tiêu thụ rượu tăng cao và mức tử vong của nam giới. Tuy nhiên, họ chỉ đề cập đến tác dụng của giá bán rượu, mà không lưu tâm đến ảnh hưởng của thu nhập.
Trong lúc việc tiêu thụ nhiều rượu được cho là bắt nguồn từ giá rượu mạnh tương đối thấp vào đầu thập niên 1990, người ta đã quên rằng cũng vào thời điểm đó, thu nhập thật sự còn sụt giảm mạnh hơn. Vào các thập niên 1980 và 1990, người Nga tiêu thụ hơn 200 tỉ lít Vodka mỗi năm thì đến năm 2015, mức tiêu thụ loại rượu này giảm còn khoảng 100 tỉ lít, trong khi mức tiêu thụ rượu vang và bia thì tăng một cách đáng kể.
Về mặt y học, hiện nay tác dụng của uống nhiều rượu đối với bệnh tim mạch vẫn là điều còn tranh cãi, vì đôi khi giữa số lượng rượu tiêu thụ tính trên đầu người và tỷ lệ tử vong vẫn còn đối nghịch nhau, do tử vong xuất phát từ nhiều nguyên nhân ngoại lai như cố sát, tự tử, đầu độc, bất luận việc tiêu thụ rượu nhiều hay ít.
Nói chung, việc gia tăng tiêu thụ rượu ở nam giới Nga có kéo theo sự sút giảm tuổi thọ bình quân và tăng mức tử vong lên hay không vẫn còn là một ẩn số chưa có đáp án chính xác và dứt khoát.