Việt Nam là một trong 30 nước có kim ngạch thương mại lớn nhất với Nga và là quốc gia nước ngoài đầu tiên (không tính các nước thuộc Liên Xô cũ) ký kết Hiệp ước thương mại tự do với Nga và các quốc gia khác là thành viên của Hiệp hội kinh tế Á – Âu. Nga coi Việt Nam là một đất nước rất tiềm năng để xúc tiến các sản phẩm do Nga sản xuất. Trước hết, theo con đường của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Trung tâm xuất khẩu Nga tới Việt Nam được xác định bởi Luật Liên bang Nga và chuyên đảm nhiệm việc hỗ trợ xuất khẩu các mặt hàng không phải là nguyên liệu thô. Trung tâm này cung cấp một loạt các biện pháp tài chính và phi tài chính để hỗ trợ cho ngành xuất khẩu của Nga, trong đó có xuất khẩu sang thị trường Việt Nam. Quý III tới đây trung tâm này sẽ tổ chức đoàn đến thăm và tìm hiểu thị trường Việt Nam.
Dự kiến sẽ có khoảng 50 doanh nghiệp Nga cung cấp các mặt hàng phi thực phẩm thuộc mảng doanh nghiệp vừa và nhỏ từ khắp các vùng của Nga. Các chuyên gia Việt Nam sẽ có cơ hội làm quen với các mặt hàng trẻ em, hàng gia dụng, các sản phẩm dành cho việc chăm sóc sức khỏe, thể thao và chăm sóc sắc đẹp, đồng thời đàm phán và ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp sản xuất ra những mặt hàng kể trên.
Theo lời giám đốc Trung tâm xuất khẩu chuyên phụ trách các dự án quốc tế, trong thời gian sắp tới trung tâm sẽ phối hợp với các đối tác Việt Nam đưa ra quyết định về điểm sẽ diễn ra hoạt động của phái đoàn thương mại. Đó có thể là một trong ba thành phố là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh hoặc Đà Nẵng.
Theo dữ liệu từ phía Nga, kim ngạch thương mại đạt được giữa hai nước là 5,2 tỉ USD, tăng 35% so với năm 2016. Đây là một con số kỷ lục, tuy nhiên vẫn còn xa mục tiêu 10 tỉ USD phải đạt được vào năm 2020. Đồng thời, cũng theo số liệu của Nga, xuất khẩu từ Việt Nam sang Nga đạt tới 3,3 tỉ USD, trong khi xuất khẩu từ Nga sang Việt Nam chỉ đạt 1,9 tỉ USD.
Nhiều chuyên gia nhận định kim ngạch thương mại song phương giữa Nga và Việt Nam chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có và quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước. Tuy vậy Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á – Âu trong đó có Nga tham gia, chính là động lực hướng tới kim ngạch hai nước đạt mức 10 tỉ USD vào năm 2020.
Về vấn đề này, bà Olga Koshev – Chủ tịch Tổ chức liên khu vực hỗ trợ và bảo vệ các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nga cho rằng doanh nghiệp nước này rất quan tâm đến thị trường Việt Nam trong bối cảnh đồng rúp mất giá và các nhà sản xuất Nga đang hướng ra thị trường quốc tế. Hơn nữa, Việt Nam có vai trò quan trọng trong chính sách “xoay trục” sang châu Á – Thái Bình Dương của Nga.