Một đội quân các nghệ nhân, nghệ sĩ vừa kết thúc nhiệm vụ quan trọng vào ngày 26-2 vừa qua sau ba năm miệt mài thực hiện: làm bản sao như thật của những bức tranh vẽ trên vách hang động vùng Lascaux, tây nam nước Pháp, đã có cách đây gần 18.000 năm, thuộc Hậu kỳ Đồ đá cũ (Upper Palaeolithic) trong lịch sử nhân loại.
Những bức tranh được vẽ trong hang động ở Lascaux được ước tính đã có khoảng 17.300 năm tuổi thọ, chủ yếu là tranh vẽ các loài thú có kích thước lớn, hầu hết các động vật này có hóa thạch của chúng, qua đó giúp xác định chúng đã từng sống vào thời kỳ ấy.
Những họa sĩ thời tiền sử vẽ tranh
Với hơn 1.500 bức tranh được chạm khắc sâu vào vách đá và 600 bức vẽ trong lòng hang được tìm thấy, Lascaux là một trong những bằng chứng phong phú nhất thế giới về nghệ thuật hang động của loài người thời tiền sử. Ngoài ra, trong thung lũng Vérère, nơi hang động Lascaux được phát hiện, người ta còn tìm thấy 147 di chỉ có từ thời Đồ đá và 25 hang động khác được bàn tay người tiền sử trang trí. Trước đây đã từng có những tranh luận chung quanh việc người tiền sử đã vẽ và khắc tranh trong hang Lascaux trong điều kiện ra sao, và có giả thuyết cho rằng do thiếu ánh sáng tự nhiên trong lòng hang nên các họa sĩ thời ấy đã sáng tạo trong ánh sáng các ngọn đuốc và ánh đèn đá với nhiên liệu là mỡ động vật. Tuy nhiên, những nghiên cứu mới đã chỉ ra rằng một phần của những hang động ở Lascaux có thể được chiếu sáng tự nhiên vào những khoảng thời gian nào đó trong năm.
Có nhiều giả thuyết chung quanh ý nghĩa của những bức tranh hang động; có người cho rằng đó là những gì được người xưa quan sát và ghi lại từ thực tiễn, người khác tin rằng những bức vẽấy biểu thị huyền thoại vũ trụ được nhìn thấy từ bầu trời đêm, thậm chí có giả thuyết coi đó là những vật hiến tế của các pháp sư hoặc từ các “mùa săn linh thiêng”… Thoát khỏi những giả thuyết nhuộm màu hoang đường, có lẽ đáng tin nhất là tranh được thực hiện từ các cuộc đi săn của người tiền sử và được vẽ trên vách hang động nơi cư trú của họ theo kiểu vẽ truyện tranh ngày nay (câu chuyện đi săn diễn tiến từ trái sang phải cho tới khi con thú bị bắt). Với số lượng tranh rất lớn, có thể giả định rằng ngay trong thời xa xưa đó đã có một sự phân công lao động rõ rệt: những người có tài năng nghệ thuật được dành thời gian chỉ để vẽ tranh, trong khi những người khác đi săn hay chế tạo vũ khí cho các thợ săn. Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng tác giả của những bức tranh hang động ấy đến châu Âu từ châu Phi và đã đi xuyên qua châu Á.
Kho tàng nghệ thuật tạo hình thời tiền sử này được phát hiện rất tình cờ; đó là vào ngày 12-9-1940 khi chàng trai Marcel Ravidat 18 tuổi cùng ba người bạn dạo chơi trong rừng gần Montignac thì con chó Robot của Ravidat đuổi theo một con thỏ rừng. Cái hang mà con thỏ chui vào trốn dẫn bốn người bạn tới khu hang động Lascaux kỳ ảo với những bức bích họa còn nguyên vẹn sau hàng chục thiên niên kỷ từ ngày được tạo tác.
Sao chép “Nhà nguyện Sistine của nghệ thuật tiền sử”
Theo điêu khắc gia Francis Ringenbach, giám đốc nghệ thuật của dự án vẽ lại tranh hang động Lascaux thì “tất cả những gì bạn nhìn thấy trên các bức tường (được tái tạo) đều được chạm khắc, được tạc, được trổ, được vẽ bằng tay hoàn toàn với cọ vẽ nhỏ và cả với những dụng cụ được dùng trong nha khoa”. Bốn mươi sáu mảng tường với những tranh tiền sử được sao chép hết sức công phu, tỉ mỉ hệt như bản chính – vốn được xưng tụng là “Nhà nguyện Sistine (*) của nghệ thuật tiền sử” – sau đó được đưa tới một sườn đồi ở Montignac và đặt vào một hang nhân tạo để trưng bày cho khách tham quan. Trung tâm quốc tế về nghệ thuật hang động (The International Centre of Parital Art – còn được gọi là Bảo tàng Lascaux IV), nơi trưng bày 46 mảng tranh tường sao chép ấy có chiều dài 150m, cao 9m, được Công ty Thiết kế Snohetta (Đan Mạch) thực hiện và sẽ mở cửa đón khách tham quan vào cuối năm nay.
Đây là giải pháp nhằm giảm tải cho khu hang động chính, bởi không lâu sau khi được phát hiện vào năm 1940, khu hang động Lascaux với những bích họa vẽ cảnh đi săn của người tiền sử với các loài thú lớn như tê giác, bò rừng, ngựa, nai, báo… đã trở thành điểm du lịch quan trọng, thu hút hàng triệu khách tham quan, được UNESCO đưa vào danh sách di sản văn hóa nhân loại từ năm 1979. Vào năm 1963, khu hang động Lascaux đã phải tạm đóng cửa do giới chức Pháp được cảnh báo về những nguy cơ do khách tham quan gây ra ở một nơi có vi khí hậu vốn rất mong manh lại phải chứa quá nhiều người. Từ đó, các bản sao chép đã dần dần được tiến hành và trưng bày ở Montignac từ năm 1983. Năm ngoái, Bảo tàng Field của Chicago đã tổ chức một triển lãm các bản sao chép tranh tiền sử này với tên gọi “Khung cảnh thời Đồ đá”.
Theo ông Francis Ringenbach, dự án có kinh phí lên đến 65 triệu USD này đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại tới mức cao nhất của những người tham gia: “Đôi khi, một người phải bỏ ra nhiều giờ chỉ để sao chép một mảng tranh cỡ 10cm2”. Từ những bản scan 3D các bức họa nguyên thủy, các nghệ sĩ, nghệ nhân dùng giấy phóng chúng lên các mảng tường rồi tô nhiều lớp bằng màu tự nhiên cho đến khi bản sao gần như giống 100% so với bản gốc trong hang động. Họa sĩ chính của dự án Gilles Lafleur nói: “Chúng tôi cố gắng để thực sự hiểu rõ các tranh gốc, hiểu rõ tại sao và cách nào chúng được vẽ như vậy”. Nhưng ông thừa nhận rằng “thời gian đã hủy hoại và những con thú (trong tranh) không còn giống tư thế như khi chúng được vẽ. Thời gian đã có tác động rõ rệt và chúng tôi cũng phải tái tạo điều đó”.
Ringenbach cho biết ông thực sự ngả mũ bái phục tài năng của các bậc tiền bối thời cổ, những người chỉ dùng các dụng cụ thật sơ đẳng để thực hiện những kiệt tác: “Họ là những chuyên viên kỹ thuật ngoại hạng, đã tái hiện từ ký ức của mình chân dung giống như tạc của những con thú với các động tác cực kỳ sinh động của chúng”. Làm được điều đó, theo ông quả là một sự nhạy cảm “có tính huyền ảo”.
(*) Nhà nguyện nổi tiếng nhất trong Điện Tông Tòa tại Vatican, nơi ở chính thức của giáo hoàng, với kiến trúc tuyệt mỹ và trần nhà được vẽ bởi các nghệ sĩ vĩ đại nhất thời Phục hưng, gồm Michelangelo, Raphael, Bernini, Sandro Botticelli
- Lê Bản