Có nhiều từ khóa khi nói về Hoàng Touliver trong âm nhạc: nam nhạc sĩ, nhà sản xuất, DJ, người sáng lập SpaceSpeaker – một trong những tên tuổi nổi bật trong giới âm nhạc Việt đương đại. Chất nhạc mang tinh thần tự do, hiện đại, không bó buộc đã giúp Touliver nhận nhiều đề cử và giải thưởng âm nhạc quan trọng như Cống hiến, Làn sóng xanh, We choice, ZMA,… từ năm 2015 đến nay.
Tháng 12.2023 đánh dấu một cột mốc quan trọng trong sự nghiệp nghệ thuật của Touliver khi anh chính thức giới thiệu triển lãm Mid-life crisis/ Lưng chừng khủng hoảng với khoảng 30 tác phẩm hội họa, kể từ khi dấn thân vào lĩnh vực này 5 năm trước.
Bắt nguồn từ những suy nghĩ và trầm tư khi đối diện với những thành công đã có, Touliver đặt ra những câu hỏi về con đường mình đang lựa chọn thông qua các tác phẩm. Người xem có thể cảm được qua những bức tranh sự giằng xé nội tâm của Touliver, về cách anh ấy loay hoay thấu hiểu bản thân mình muốn gì. “Khi xem những bức tranh của Touliver, tôi cảm nhận được ý thức cũng như một nhu cầu nghiêm túc trong việc đi tìm kiếm bản thể tinh thần cá nhân và xác lập bộ giá trị sống riêng cho mình trước một thực tại của đời sống hiện đại vô vàn những giằng xé”, Mark Vũ – giám tuyển của triển lãm chia sẻ.
Trong cuốn sách Art As Therapy (Nghệ thuật là một loại trị liệu), nhà triết học Alain de Botton viết: “Tôi tin rằng nghệ thuật là một công cụ trị liệu, như âm nhạc. Nghệ thuật cũng là phương tiện để chúng ta hồi phục sau những đổ vỡ về hy vọng và phẩm giá…”. Và màu sắc, giá vẽ, những thực hành hội họa… đối với Touliver là một liệu pháp cân bằng tâm lý sau nhiều năm làm việc với thiết bị phòng thu.
____
Trong loạt tác phẩm trưng bày tại triển lãm, có những bức anh vẽ vào năm 2019, như bức vẽ vợ mình – ca sĩ Tóc Tiên. Giới thiệu đến công chúng có phải là sự tính toán của anh ngay từ những ngày đầu đến với hội họa?
Trong 5 năm qua tôi vẽ nhiều, làm việc một cách liên tục, chuyên nghiệp và nghiêm túc với đủ mọi chất liệu nhưng trước đó, vẽ đã là một sở thích từ nhỏ của tôi và được duy trì nhiều năm sau này. Tôi học vẽ từ nhỏ, bố và ông nội đều là kiến trúc sư, vẽ rất đẹp. Sáu tuổi, tôi đã vẽ hàng chục cuốn truyện tranh, sau này tôi vẽ digital art. Năm 2019, tôi bắt đầu làm quen với sơn dầu, acrylic, và đến nay có được 50 bức. Nhờ sự động viên của vợ và anh em, bạn bè nên năm nay, tôi thấy vừa đủ một collection để giới thiệu đến công chúng những gì mình đã làm trong gần 5 năm qua.
Trong đời, ai cũng trải qua nhiều khủng hoảng, tôi cũng vậy, tôi cũng phải trải qua nhiều chuyện rất buồn, không bao giờ muốn nhắc lại, đặc biệt, tôi cảm thấy khó diễn tả điều đó bằng ngôn từ. Như mọi người biết trên social, tôi là người rất ít nói, tôi cũng không thể diễn tả sự khủng hoảng đó bằng nhạc, vì vậy tôi chọn artwork để thể hiện những giận dữ cũng như khủng hoảng của mình. Tôi chọn hội họa để khắc họa những gì mình suy nghĩ. Đó là lý do chủ đề của triển lãm là Lưng chừng khủng hoảng, khủng hoảng tuổi 30.
Có thể nói, vẽ tranh là quá trình để tôi hiểu thêm về khả năng và giới hạn của bản thân mình. Có những giá trị vô cùng cốt lõi nhưng lại rất khó giải thích được bằng ngôn từ, bằng âm thanh. Đặc biệt, trong loạt tranh này ở 9 tác phẩm có QR Code để scan, khán giả có thể vừa xem tranh, vừa nghe nhạc. Tôi muốn mang đến một trải nghiệm mới cho công chúng.
____
Trong âm nhạc anh đã có một vị trí vững chắc; với hội họa, anh có tự tin giới thiệu tác phẩm của mình không?
Tôi không dám nhận mình là họa sĩ, chỉ nghĩ đơn giản mình là một nghệ sĩ đương đại, thích thực hành nghệ thuật với đa chất liệu, có thể là sơn dầu, acrylic hoặc cả những thứ vứt đi như cái giẻ rách. Tôi đã làm việc nghiêm túc, và thời điểm này, tôi cảm thấy phù hợp để chia sẻ cho khán giả về sự luyện tập, đầu tư thời gian, công sức của tôi cho hội họa trong 5 năm qua. Còn lại, hành trình hội họa sau này như thế nào chưa biết được nhưng chắc chắn vẽ sẽ luôn là thói quen để tôi giải tỏa căng thẳng.
Mỗi lần có dịp, tôi đều dành thời gian xem triển lãm nghệ thuật ở nhiều nơi trên thế giới. Các triển lãm đã tạo cảm hứng cho tôi rất nhiều trong hội họa lẫn âm nhạc. Vợ tôi, Tóc Tiên cổ vũ, động viên rất nhiều. Cô ấy nói tôi vẽ nhiều thế này rồi, hay là làm một triển lãm nhỏ giới thiệu tác phẩm với các fan đi. Trước nay mọi người biết tôi đã vẽ digital art lâu rồi, lần này chuyển qua chất liệu và hình thức khác.
Tôi thường để cảm tính và thôi thúc bên trong dẫn đường khi vẽ. Đây cũng là dịp tôi muốn lấy chính mình làm cảm hứng cho các bạn trẻ, các fan. Mình nên đầu tư thời gian nghiêm túc, đừng nên rụt rè, e ngại với những gì mình có khả năng, nên dám thoát khỏi giới hạn để theo đuổi đam mê, không để bản thân bị chi phối bởi những rào cản hàn lâm và tư tưởng cũ.
____
Có thể hình dung không gian, thời gian sáng tác của Touliver ra sao?
Vào sáng sớm tôi thường vẽ, work space là tầng hầm trong nhà, gần studio làm nhạc. Mỗi lần làm nhạc thấy đau đầu, ngấy máy móc quá thì bước ra ngoài vẽ. Vẽ, pha trộn màu sắc giúp tôi tránh xa các thiết bị công nghệ và hàng nhiều giờ trong studio. Ở một góc độ nào đó, con người bị bao quanh bởi một thế giới vật chất nhân tạo mà sâu trong tiềm thức ta thầm khao khát được thoát ra để tìm lại sự kết nối với thiên nhiên và sự sống.
____
Anh có nhờ họa sĩ chuyên nghiệp hay nhà phê bình nào góp ý về chuyên môn?
Người giúp đỡ nhiều trong chuyên môn cho tôi là họa sĩ Phạm Thanh Toàn. Toàn đưa ra những lời khuyên, động viên tôi triển lãm. Đối với tôi, làm gì cũng phải nghiên cứu và am hiểu từ trong cốt lõi. 5 năm qua là cả một quá trình, tôi cũng đã có sự khổ luyện nhất định và dành thời gian cho hội họa. Tôi không nghĩ rằng mình là nhạc sĩ ghé ngang qua hội họa mà được quyền không nghiêm túc với nghệ thuật.
____
Anh có e ngại những lời phê bình?
Không sao cả, đặc biệt trong hội họa không có ranh giới nào giữa xấu hay đẹp. Lời đóng góp thì tôi sẽ luôn đón nhận, tiếp thu để tốt hơn.
____
Mỗi khi có cảm hứng sáng tạo, anh vẽ hay làm nhạc?
Trong vài năm gần đây thì lúc có cảm xúc tôi hay vẽ hơn là làm âm nhạc, có lẽ nghệ thuật đương đại đang là địa hạt mới mà tôi có thể thỏa sức với những sáng tạo mới, tuy nhiên tôi cũng luôn giữ ở trạng thái cân bằng giữa hai việc này.
Thời gian tới, tôi cũng muốn đưa tới khán giả các trải nghiệm mới ngoài âm nhạc. Nghệ thuật đương đại không còn xa lạ gì trên thế giới nhưng đối với khán giả Việt Nam thì vẫn còn mới. Tôi hy vọng sắp tới mình sẽ mang nhiều tác phẩm, triển lãm mang tính đương đại tới gần với công chúng hơn.
Ca sĩ Tóc Tiên: “Tôi luôn ủng hộ anh Hoàng trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt khi thấy anh vẽ, tôi biết anh nghiêm túc chứ không chỉ là cuộc dạo chơi. Tôi tôn trọng không gian riêng để anh ấy sáng tác, hoặc khi anh cần vật liệu thì tôi đi diễn ở nước ngoài có thể mua về. Mid-life Crisis, khủng hoảng tuổi 30, tôi cũng là người góp ý với anh về chủ đề triển lãm. Mọi người khi nhìn vào chúng tôi, thấy chúng tôi có những thành tựu nhất định, cứ nghĩ rằng, có gì đâu mà khủng hoảng, nhưng chúng tôi cũng có những khủng hoảng của riêng mình. Vẽ là cách để anh diễn tả, giải tỏa những khủng hoảng và căng thẳng”.
Họa sĩ Phạm Thanh Toàn: “Touliver là một người quyết liệt trong mọi công việc, đi tìm sự tự do cho chính mình, tìm kiếm những thứ ngoài kia mà anh ấy tò mò, và muốn chinh phục. Vượt qua mọi khó khăn để đi tới con đường anh ấy muốn. Bộ tranh lần này anh trưng bày 30 tác phẩm, nói về chuyện khủng hoảng của anh trong vấn đề làm nhạc những năm gần đây, anh tìm tới hội họa như một đứa trẻ thơ, có lẽ anh biết đó là nơi nuôi dưỡng tâm hồn, cội nguồn của sức sống mới.
Tranh của anh Touliver sang trọng và bộc lộ chất nhạc trong tranh. Một điều mà mình thấy là anh làm việc một cách chuyên nghiệp, hăng say và nghiêm túc. Anh luôn nghĩ tới việc vẽ, thực hành rất nhiều thời gian trên tấm toan”.