Sau tuyên bố từ nhiệm mang tính lịch sử của Giáo hoàng Benedict XVI, vị giáo hoàng thứ 265 của Giáo hội Công giáo, các hồng y giáo chủ khắp thế giới đang chuẩn bị cho một hội nghị bầu chọn giáo hoàng mới, dự kiến diễn ra trong vòng nửa tháng tới đây tại Nhà nguyện Sixtine trong Bảo tàng Vatican. Vào ngày 11-2-2013, trước Hội đồng Hồng y tại Tòa thánh Vatican, Giáo hoàng Benedict XVI đã cho biết sẽ từ nhiệm vào ngày 28-2 và nói rõ: “Trong vài tháng qua, sức khỏe của tôi đã xấu đi đến mức tôi phải nhận mình không thể cáng đáng nhiệm vụ được giao phó. Vì lý do trên, và cũng biết rõ mức độ nghiêm trọng của hành động này, với hoàn toàn tự do, tôi tuyên bố từ nhiệm khỏi sứ vụ của Giám mục Roma, người kế vị Thánh Peter, đã được các Hồng y giao phó cho tôi vào ngày 19-4-2005”.
Nhiều người ca ngợi quyết định của Giáo hoàng Benedict XVI là một hành động có trách nhiệm và cho rằng sự từ nhiệm này sẽ mở ra một tiền lệ cho các giáo hoàng cao tuổi trong tương lai, bởi trong lịch sử 2.000 năm của Giáo hội gần như các giáo hoàng đều tại vị cho đến khi qua đời.
Giáo hoàng Benedict XVI chào đời ngày 16-4-1927 tại Bavaria – Đức với tên khai sinh Joseph Alois Ratzinger và là con út trong gia đình có ba người con. Năm 1939 ông gia nhập tổ chức Hitler Youth – một dạng tổ chức cưỡng bách tham gia của Đức quốc xã đối với các thiếu niên Đức.Vào những tháng sau cùng của Thế chiến thứ hai ông bị gọi nhập ngũ với tư cách quân nhân dự bị trong lực lượng phòng không Đức quốc xã và bị quân Đồng minh bắt giữ làm tù binh chiến tranh trong một thời gian ngắn.
Sau khi hồi hương năm 1945, ông gia nhập Chủng viện Thánh Micae ở Traunstein, sau đó theo học tại Đại học Ludwig-Maximilian ở Munich. Từ năm 1946, ông học về triết học và thần học tại Đại học Munich, tiếp đó học cao học tại Freising rồi được thụ phong linh mục vào ngày 29-6-1951 và trở thành giáo sư Trường Cao đẳng Freising vào năm 1958.
Năm 1959, Ratzinger làm giáo sư tại Đại học Bonn, sang năm 1963 chuyển sang Đại học Münster. Trong thời gian này, Ratzinger có tham gia Công đồng Vatican II (1962-1965) trên cương vị cố vấn thần học của Hồng y Josef Frings, Giáo phận Cologne.
Trong những năm 1970, Joseph Ratzinger đã tham gia tạp chí Communio cùng với một số các nhà thần học nổi tiếng, đây là một tạp chí thần học có mục tiêu khẳng định bản sắc Công giáo mạnh hơn trong xã hội và trong một giáo hội đang trong cơn biến động. Trí thông minh và sự cương quyết của chàng thanh niên Ratzinger đã được bề trên chú ý. Năm 1977, ông được bổ nhiệm làm giám mục Munich và trở thành hồng y. Năm 1981, Giáo hoàng John Paul II đưa ông vào vị trí Tổng trưởng Thánh bộ Giáo lý Đức tin.
Hồng y Roseph Aloisius Ratzinger trở thành Giáo hoàng thứ 265 của Giáo hội Công giáo La Mã và mang tông hiệu Benedict XVI từ tháng 4-2005 khi đã 78 tuổi, sau khi Giáo hoàng John Paul II qua đời. Ông là người cao tuổi nhất khi nhậm chức đồng thời cũng là vị giáo hoàng đầu tiên từ nhiệm trong gần 600 năm qua.
Trong tám năm đứng đầu tòa thánh, Giáo hoàng Benedict XVI để lại nhiều dấu ấn quan trọng.Ông đã kế tục Giáo hoàng John Paul II xây dựng quan hệ với các tôn giáo khác, đặc biệt là Chính thống giáo và Hồi giáo. Giáo hoàng Benedict XVI còn thể hiện thiên hướng bảo vệ các quan điểm truyền thống của Giáo hội Công giáo như không thụ phong linh mục cho phụ nữ, tôn trọng tuyệt đối “quy luật tự nhiên” (chống phá thai, chống hôn nhân đồng tính…).
Tuy nhiên, ông đã phá vỡ sự im lặng của Vatican trong một số vụ bê bối tình dục của các tu sĩ. Khi công du tại Mỹ, Úc, Bồ Đào Nha và một số nước khác, Giáo hoàng Benedict XVI thừa nhận và tuyên bố “rất hổ thẹn” vì những vụ bê bối này. Ngoài ra, một trong những biến cố gây ảnh hưởng nhất đối với ông là việc các tài liệu mật của Tòa thánh bị chính viên quản gia của Giáo hoàng tiết lộ cho giới truyền thông hồi năm 2012.
Ông cũng chấp nhận giao tiếp thông qua các phương tiện truyền thông mới và là giáo hoàng đầu tiên mở tài khoản Twitter. Ông nói ông tin rằng giáo hội sẽ bị bỏ lại phía sau nếu không bắt kịp thời đại.
Lần Giáo hoàng Benedict XVI xuất hiện trước công chúng mới đây nhất vào hôm 13-2 khi chủ tế thánh lễ cuối cùng trên cương vị giáo hoàng tại Đại thánh đường Saint Peter.
Dự kiến ông sẽ xuất hiện lần cuối trước công chúng vào ngày 27-2 trong một sự kiện chia tay tại quảng trường Saint Peter trước khi lui về nghỉ trong một tu viện ở Vatican, cách không xa nơi ở của vị giáo hoàng mới. Được biết sau khi từ chức, Giáo hoàng Benedict XVI sẽ không giữ bất kỳ vai trò nào ở Vatican cũng như không tham gia vào việc bầu chọn ứng cử viên kế nhiệm.
Theo truyền thông quốc tế, người kế vị Giáo hoàng Benedict XVI nằm trong số 117 người dưới 80 tuổi trong số 210 thành viên của Hội đồng Hồng y được tham gia Mật nghị bầu chọn giáo hoàng. Trong đó, châu Âu chiếm đa số với 61 vị, kế đến là khu vực Trung – Nam Mỹ (19 vị), Bắc Mỹ (14 vị), châu Phi (11 vị), châu Á (11 vị, trong đó có Hồng y Jean Baptiste Phạm Minh Mẫn, Tổng giám mục Tổng giáo phận TP.HCM). Các hồng y triển vọng cao hiện được giới truyền thông nhắc đến nhiều nhất là Marc Ouellet (68 tuổi, Canada), Angelo Scola (71 tuổi, Ý), Christoph Schönborn (68 tuổi, Áo), Robert Sarah (67 tuổi, Guinea), Claudio Hummes (78 tuổi, Brazil)…
Hồng y Marc Ouellet
Hồng y Angelo Scola
Hồng y Christoph Schönborn
Hồng y Robert Sarah
Hồng y Claudio Hummes
Theo luật bầu chọn Giáo hoàng hiện hành, các hồng y phải bắt đầu họp kín để bầu giáo hoàng mới trong vòng 15 đến 20 ngày từ khi một giáo triều kết thúc. Các quan chức Tòa thánh từng thông báo 117 hồng y sẽ bắt đầu chọn người kế nhiệm giáo hoàng Benedict XVI trong khoảng thời gian từ ngày 15 tới 20-3. Tuy nhiên, các nguồn tin trong Vatican nói với Hãng thông tấn I.Media tại Rome rằng Mật nghị Hồng y có thể diễn ra từ ngày 10-3, sớm hơn so với kế hoạch ban đầu để giáo hoàng mới có thời gian chuẩn bị cho lễ Phục sinh vào cuối tháng 3.
Quyết định bầu chọn giáo hoàng mới sẽ được thực hiện thông qua lá phiếu kín và hồng y được bầu chọn là giáo hoàng phải nhận được 2/3 số phiếu.
Dù ai trở thành giáo hoàng mới thì cũng sẽ phải giải quyết những vấn đề khu vực và sự đối đầu giữa những giáo dân Thiên chúa bảo thủủng hộ học thuyết truyền thống nghiêm ngặt của giáo hội với những người muốn thay đổi và phát triển.
Phạm Thành