Năm 2013 vàng không còn làm mưa làm gió trên thị trường quốc tế cũng như ở nước ta, không những bị giảm giá mạnh nhất trong hơn ba thập niên mà lại cũng không được các nhà đầu tư xem trọng như những năm trước. Đỉnh giá đạt kỷ lục mọi thời đại của vàng là hơn 1.920 USD/oz thiết lập vào tháng 9-2011, nếu so với mức giá chỉ còn 1.205,3 USD/ounce vào ngày lễ Giáng sinh vừa qua thì giá vàng đã giảm hơn 37%. Còn nếu tính từ đầu năm 2013 đến nay thì mức giảm giá là 28%.
Ngoài việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cắt giảm gói hỗ trợ tài chính EQ3, các yếu tố bất lợi khác đối với giá vàng như lạm phát toàn cầu thấp, sự tăng điểm liên tục lên các ngưỡng kỷ lục của thị trường chứng khoán Mỹ hay đồng USD mạnh lên cũng chung tay đẩy giá vàng lao dốc không điểm dừng. Thế là vàng không còn là “vịnh tránh bão” nữa và một cuộc tháo chạy trên diện rộng của giới đầu tư quốc tế khỏi thị trường vàng đã diễn ra.
Các nhà phân tích cho rằng đây là một động thái khá bi quan của thị trường, vì Giáng sinh thường là thời điểm để mua vào nhiều hơn.
Tuy giá vàng đã giảm mạnh, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới vẫn còn khá lớn. Tính đến ngày 24-12-2013, giá vàng trong nước vẫn cao hơn giá thế giới khoảng gần 5 triệu đồng/lượng.
Mức chênh lệch giá luôn giữ ở mức cao kể từ đầu năm nay, khi chính phủ tuyên bố độc quyền thị trường vàng, có những lúc đạt ngưỡng hơn 7 triệu đồng/lượng dẫn đến nguy cơ chảy máu ngoại tệ vì tệ nạn buôn lậu vàng.
Hồi giữa năm nay, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã giải thích việc định giá bán vàng là do “thị trường quyết định” và nói việc nhà nước độc quyền vàng là để “đảm bảo giá cả thị trường không bị thao túng, không bị lũng đoạn”.
Giảm theo giá vàng thế giới, giá vàng trong nước tính đến cuối tuần qua đã giảm 11,6 triệu đồng/lượng so với chốt năm ngoái, tương đương mức giảm khoảng 25%. Giá vàng SJC bán ra cuối tháng 12 vào khoảng 35,1 triệu đồng/lượng, mức gần thấp nhất trong hơn ba năm trở lại đây.
Tình hình đó dẫn đến việc người dân giảm bớt sự chú ý với kênh đầu tư này và đã qua rồi cái thời người dân xếp hàng chầu chực mua bán vàng. Trong chừng mực, có thể nói người dân đã không còn bị ám ảnh bởi việc giá vàng trồi sụt đột biến.
Năm 2013 cũng là năm mà Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực thi các chính sách tăng cường quản lý thị trường vàng. Từ ngày 28-3, Ngân hàng Nhà nước bắt đầu tổ chức đấu thầu vàng miếng, thực hiện chức năng là nguồn cung vàng mới duy nhất trên thị trường. Đến nay, sau 75 phiên đấu thầu, Ngân hàng Nhà nước đã bán ra thị trường 67,5 tấn vàng miếng SJC, tức gần 2 triệu lượng vàng.
Hưởng lợi nhiều nhất trong nguồn cung vàng đấu thầu là các tổ chức tín dụng. Theo số liệu chính thức, có khoảng 30 tấn vàng mà Ngân hàng Nhà nước bán ra được dùng cho việc tất toán của các ngân hàng thương mại, còn lại được đưa ra thị trường trong tình hình người dân không còn mấy quan tâm.
Hẳn chúng ta còn nhớ người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước đã từng tuyên bố là sẽ đưa chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới về ngưỡng 400.000 đồng/một lượng (tương đương 20 USD), nhưng cho đến nay mức chênh lệch ấy tính theo giá quy đổi vẫn cao, khoảng hơn 4 triệu đồng/lượng, giống như một năm trước đây.
Có thể nói suy nghĩ chủ quan của Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã không được thực tế chứng minh qua biện pháp nhập vàng để bình ổn giá. Độc quyền nhập vàng về bán tất nhiên là có lãi, nhưng liệu tiền lãi đó có bù đắp được khoản lỗ do vàng thế giới xuống giá như hiện nay hay không?
Đó là chưa kể khoản lãi bằng nội tệ dù đóng góp vào ngân sách tiền tỉ đi nữa cũng không cân đối được thiệt thòi do việc phải bỏ ra hàng tỉ đồng ngoại tệ quý giá để nhập vàng về bán.
Ngân hàng Nhà nước trong vai trò quản lý của mình đúng ra phải có biện pháp làm cho người dân tin tưởng vào sức khỏe của đồng tiền quốc gia để gửi tiền vào ngân hàng, hoặc chí ít cũng làm người dân tin tưởng bán vàng ra lấy tiền đầu tư cho sản xuất kinh doanh.
Đáng lo là trong tình hình hiện nay, tín hiệu thị trường thế giới cho thấy vàng còn có thể tiếp tục xuống giá, thế thì khoản lỗ từ việc nhập 65 tấn vàng để bình ổn thị trường ai sẽ gánh chịu, nếu không phải là các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp mua vàng đầu cơ. Ảnh hưởng đến người dân chắc không nhiều vì mấy ai có khả năng mua thêm vàng trong tình hình kinh tế rất khó khăn nhiều năm qua.
Suy cho cùng, sau khi đã mất vai trò thanh toán quốc tế thì vàng chỉ còn là một thứ hàng hóa. Ở nước ta, người dân giữ vàng do yếu tố tâm lý quyết định và sử dụng vàng như một nơi ẩn trốn của đồng tiền do thiếu tin cậy vào giá trị của đồng nội tệ.
Vừa qua, khi vàng biến động giá, đã không có nhiều người chạy ngược chạy xuôi mang vàng đi bán như trước đây. Nên xem đây là biểu hiện tích cực về một tâm lý cất giữ vàng để sử dụng khi cần thiết.
Trong một báo cáo gần nhất, Hiệp hội Vàng Thế giới ước tính số lượng vàng tại Việt Nam đang được người dân cất giữ là vào khoảng từ 400 đến 500 tấn. Cũng theo tổ chức này, tổng giá trị lượng vàng trên nếu tính theo mức giá hiện nay tương đương với từ 17 đến 21 tỉ USD.
Đây được cho là một nguồn ngoại tệ tiềm năng có thể giúp giảm áp lực vay nợ từ quốc tế và tăng tỷ trọng vàng trong tổng dự trữ ngoại hối, nếu Ngân hàng Nhà nước có chính sách linh hoạt trong việc quản lý nguồn vốn quý giá này.
Phạm Thành Sơn