Năm nay, Liên Hiệp Quốc bước vào tuổi 70 (1945-2015) với hàng chục vấn đề trước mắt phải giải quyết, trong đó có ba vấn đề lớn mà một số nhà bình luận gọi là “vấn đề 3M”, đó là: Mega-Cities (siêu đô thị), Mortality (mức tử vong) và Migration (sự di trú). Ba yếu tố trên không tách rời mà là ba thực thể có tác động liên hoàn với nhau, chuyển biến không theo một quy luật nào nên đã đặt các nhà quản lý kinh tế – xã hội toàn cầu trước nhiều vấn đề nan giải.
Vấn đề dân số, với câu hỏi đặt ra cho các nhà nghiên cứu: việc quản lý dân số ngày nay là tốt hay xấu hơn so với ngày mới thành lập LHQ? Câu trả lời là trái chiều, nhưng dù tốt hay xấu thì không ai phủ nhận được những thách thức mà dân số toàn cầu đang đặt ra cho loài người. Cách nay 70 năm, ít ai có thể dự đoán rằng dân số thế giới sẽ tăng gấp hơn ba lần, từ con số 2,3 tỉ lên đến 7,3 tỉ như hiện nay. Tất nhiên, sự gia tăng dân số không diễn ra đồng đều. Ở một số nơi như vùng châu Phi hạ Sahara và Tây Á, chỉ trong vòng 70 năm, dân số đã tăng trên 500%. Trái lại, cũng trong thời gian này, dân số châu Âu chỉ tăng dưới 40%. Tỷ lệ gia tăng dân số cũng biến chuyển theo từng thời kỳ, cụ thể là 1,8%/năm vào giữa thế kỷ XX, tăng lên 2,1% vào cuối thập niên 1960, và hiện nay chỉ còn 1,1%. Tính bằng con số cụ thể, vào năm 1950, dân số toàn cầu tăng 47 triệu người/năm, đến cuối thập niên 1980 là 91 triệu người/năm và giảm còn 81 triệu người/năm vào thời điểm hiện tại. Giữa thế kỷ XX, châu Âu chiếm 22%, châu Phi chiếm 8% dân số thế giới, nhưng nay thì tỷ lệ đó là 10% ở châu Âu và 16% ở châu Phi. Cách đây 70 năm, cứ 1.000 đứa trẻ ra đời thì có 140 em tử vong, nay tỷ lệ này chỉ còn 40/1.000 trẻ, mặt khác vào năm 1950, một phụ nữ sinh trung bình năm con thì nay chỉ còn 2,5. Tuổi thọ con người cũng tăng nhanh, từ khoảng chưa đến 50 tuổi vào năm 1950, nay đã ở mức bình quân 70 tuổi.
Chính yếu tố dân số kèm tỷ lệ sinh sản và mức độ tử vong đã tác động mạnh lên hai yếu tố còn lại là sự di trú và tốc độ đô thị hóa ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 1950, số dân cư sống trong những khu vực đô thị chỉ chiếm 30%, nay tăng lên 54%. Việc di cư từ khu vực nông thôn lên các thành phố lớn đã nhanh chóng hình thành các siêu đô thị – những thành phố có từ 10 triệu dân trở lên. Với tiêu chuẩn này, vào năm 1950, cả thế giới chỉ có một siêu đô thị New York với 12,3 triệu dân. Ngày nay, thế giới có đến 28 siêu đô thị, lớn nhất là Tokyo (Nhật Bản) với 38 triệu cư dân, kế đó là Delhi (Ấn Độ) 25 triệu dân, Thượng Hải (Trung Quốc) 23 triệu dân, các thành phố Mexico (Mexico), Mumbai (Ấn Độ) và San Paulo (Brazil) cùng xấp xỉ 21 triệu dân. Năm 1950, có khoảng 77 triệu người, bằng gần 3% dân số toàn cầu, thuộc thành phần di cư, hiểu theo nghĩa họ không sống tại nơi chôn nhau cắt rốn. Ngày nay thành phần này cũng chỉ chiếm hơn 3% dân số toàn cầu, nhưng số lượng đã lên đến 232 triệu người. Nguyên nhân khiến cho số người trên rời bỏ nhà cửa cũng phức tạp hơn cách nay 70 năm, chủ yếu để tránh những cuộc xung đột quân sự giữa các quốc gia, những cuộc nội chiến triền miên, nhiều nhất ở Trung Đông và châu Phi.
Tất cả những yếu tố trên đang là những thách thức quan trọng trên nhiều lĩnh vực của đời sống như sản xuất lương thực, thực phẩm, nạn ô nhiễm, sự nóng lên của Trái đất, sự khan hiếm nước sạch, sự xuống cấp của môi trường, sự giảm sút của tính đa dạng sinh học và tiềm năng phát triển kinh tế – xã hội.
Lê Nguyễn tổng hợp (DNSGCT)