Một loạt các sự kiện xoay quanh kéo co truyền thống được nhìn nhận như là một loại hình di sản đứng trước những vấn đề về gìn giữ và bảo tồn giữa bối cảnh đương đại đã diễn ra trong hai ngày 17-18.11, tại đền Trấn Vũ (phường Thạch Bàn, quận Long Biên, TP. Hà Nội).
Hội thảo quốc tế Bảo vệ, phát huy nghi lễ và trò chơi kéo co trong đời sống đương đại do UBND quận Long Biên phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tổ chức có sự tham gia của hơn 150 đại biểu trong nước và quốc tế.
Hội thảo nhằm tổng kết những thành tựu đạt được, đánh giá những khó khăn, thách thức trong thực hành, trao truyền và bảo vệ di sản nghi lễ và trò chơi kéo co trong cộng đồng sau 8 năm được UNESCO ghi danh. Từ thực tiễn, các chuyên gia tham dự tọa đàm đã đề xuất các kiến nghị, giải pháp phù hợp nhằm bảo vệ, phát huy di sản bền vững trong đời sống đương đại.
Kéo co đứng trước những thách thức đương đại
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao tỉnh Lào Cai, TS. Dương Tuấn Nghĩa cho biết: “Nghi lễ và trò chơi kéo co truyền thống của dân tộc Tày, Giáy đã và đang được gìn giữ và phát huy giá trị trong cộng đồng. Nghi lễ và trò chơi kéo co gắn kết chặt với lễ hội xuống đồng của người Tày, Giáy. Do đó, kéo co nghi lễ vẫn luôn là một nghi lễ thiêng được cộng đồng trân trọng và gìn giữ. Đây được xem là một nghi lễ nhằm cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc”.
Tuy nhiên, nghi lễ và trò chơi kéo co dân tộc Tày, Giáy ở Lào Cai cũng đang phải đối mặt với khó khăn, thách thức trong thực hành, trao truyền và bảo vệ di sản. “Khó khăn thách thức lớn nhất hiện nay là vai trò chủ thể di sản của đồng bào đang bị đồng bào xem nhẹ. Do đó, một số yêu cầu mang tính bắt buộc trong truyền thống được đơn giản hóa đi, như: nghi lễ chọn dây mây kéo co. Nếu trước đây phải chọn ngày, chọn giờ, chọn loại dây và các nghi lễ khác, thì hiện nay do việc đi lấy dây xa (phải vào rừng già), khó khăn nên cộng đồng thay bằng loại dây rừng khác, thậm chí là loại dây công nghiệp hiện nay… hay như cách thức kéo cũng đang dần bị ảnh hưởng. Rồi sự tham gia quá đông của khách du lịch cũng ảnh hưởng đến tâm lí của cộng đồng…
Bên cạnh đó, xuất hiện hiện tượng giải thiêng ở một số nghi lễ trong lễ hội xuống đồng, nên đã có ảnh hưởng đến giá trị của lễ hội”, TS. Dương Tuấn Nghĩa cho biết thêm.
Đồng quan điểm trên, đại diện cho Hội kéo co ngồi tại đền Trần Vũ, ông Trần Đức Nguyên chia sẻ: Trái với việc phải đối mặt với nguy cơ mai một, di sản nghi lễ và trò chơi kéo co ngồi ở đền Trấn Vũ không những tồn tại mà còn phát triển. Ngay sau khi nghi lễ và trò chơi kéo co ngồi được các cấp lập hồ sơ bảo tồn, việc gìn giữ, phát huy giá trị di sản ở địa phương càng được chú trọng hơn.
Nhưng không phải không có những thách thức trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản, như thiếu kinh phí cho công tác bảo vệ và trao truyền, mai một về những giá trị văn hóa và tâm linh chưa được kịp thời nhận diện, phục hồi. Hay nguồn vật liệu truyền thống như cây song (dùng trong nghi lễ kéo co ngồi) ngày một khan hiếm. Các địa phương cùng có di sản được UNESCO vinh danh (Hà Nội, Bắc Ninh, Lào Cai, Vĩnh Phúc) chưa có sự phối hợp để đẩy mạnh việc bảo tồn.
Cũng giống với các địa phương khác, nghi lễ và trò chơi kéo co Hữu Chấp (phường Hòa Long, Bắc Ninh) ngày nay mặc dù vẫn được nhân dân duy trì, nhưng việc gìn giữ và phát triển nghi lễ và trò chơi này đang gặp nhiều khó khăn, như do trong thời gian dài bị ảnh hưởng của chiến tranh, lễ hội không được tổ chức, nghè và những đồ thờ tự phục vụ cho nghi thức rước nước không còn nên đã nhiều năm nay, lễ rước nước không được diễn ra trong lễ hội.
Ông Nguyễn Văn An – Đại diện Hội kéo co Hữu Chấp, cho biết những người trong làng còn nhớ về nghi lễ này cũng không nhiều. Bên cạnh đó, việc đi chọn những cây tre đủ tiêu chuẩn dùng làm dây kéo cũng gặp không ít khó khăn. Bởi lẽ ngày nay trong làng không còn tre nên mỗi lần tổ chức phải đi khắp nơi, trong nhiều ngày, sang cả các tỉnh khác mới tìm được những cây tre đủ tiêu chuẩn.
Vì thế, một số kiêng kỵ trong chọn tre cũng được giảm bớt cho phù hợp như nguồn gốc cây tre không được thẩm định kỹ, tre chỉ cần đảm bảo đủ độ già, không bị sâu, bị kiến đục. Trong những năm qua, do việc tổ chức tốn kém nên nhân dân chỉ tổ chức trò chơi kéo co hai năm một lần vào những năm chẵn, không gian lễ hội cũng phải chuyển qua vùng đất rộng trước đình chứ không còn tổ chức trong sân đình như trước.
Đưa kéo co vào trường học
Trước thực trạng đó, để việc thực hành, bảo vệ, trao truyền di sản kéo co đạt hiệu quả, ông Trần Đức Nguyên cho rằng, cần có chế độ đãi ngộ dành cho nghệ nhân, người am hiểu tích cực đóng góp bảo vệ di sản văn hóa kéo co ngồi tại phường Thạch Bàn hiện nay.
Cụ thể hơn, chính sách đãi ngộ tập trung vào vấn đề kinh phí hỗ trợ nghệ nhân, duy trì hoạt động của nhóm, hội kéo co ngồi và các vấn đề có liên quan khác. Có hình thức truyền thông, quảng bá, phổ biến phù hợp để xã hội thấy được ý nghĩa, từ đó chung tay chia sẻ với nhóm cộng đồng sở hữu di sản văn hóa này. Sử dụng có hiệu quả các kênh phát thanh, truyền hình, trang mạng xã hội để đăng tải các thông tin, hình ảnh về di sản Kéo co ngồi đến với cộng đồng trong nước và quốc tế.
“Đặc biệt, cần tăng cường giáo dục và thực hành trải nghiệm về di sản kéo co ngồi thông qua chương trình đào tạo học sinh các cấp tại địa bàn phường Thạch Bàn nói riêng và quận Long Biên nói chung. Hợp tác, trao đổi thông tin, kiến thức, giao lưu trình diễn với các hiệp hội, cộng đồng bảo vệ của các nước thành viên có di sản này”, ông Trần Đức Nguyên nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, TS. Dương Tuấn Nghĩa cũng đã đề nghị tổ chức UNESCO quan tâm, ủng hộ kinh phí cho tỉnh Lào Cai thực hiện dự án nghiên cứu, sưu tầm, truyền dạy và phổ biến di sản văn hóa nghi lễ kéo co Tày, Giáy trong quá trình biến đổi.
Đối với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, TS. Dương Tuấn Nghĩa cũng đề xuất, cần có văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương xây dựng chương trình kế hoạch bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại và đầu tư hỗ trợ nguồn kinh phí cho địa phương để tổ chức phổ biến, thực hành di sản để di sản có sức sống lâu dài, bền vững. Ban hành chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân tiêu biểu tham gia vào quá trình bảo vệ và trao truyền di sản. Tăng cường hơn nữa các chương trình hỗ trợ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nghi lễ và trò chơi kéo co từ nguồn Chương trình Mục tiêu quốc gia.
Đề xuất về kinh phí cũng là nội dung được đại diện thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, nơi có nghi lễ và trò chơi kéo co được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể Đại diện của nhân loại vào năm 2015.
Ngoài ra, để phát huy giá trị của di sản kéo co hơn nữa trong thời gian tới, đại diện thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng cần Tổ chức các hoạt động ngoại khóa nhằm truyền dạy kỹ thuật kéo song cho thanh thiếu nhi trong thị trấn Hương Canh, có kế hoạch đưa trò chơi kéo song vào giáo dục tại các trường học để bảo vệ và phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa của di sản mà cha ông ta đã để lại, đồng thời rèn luyện sức khỏe cho học sinh.
Năm 2015, kéo co đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (Việt Nam, Campuchia, Hàn Quốc, Philippines) và trở thành môn thi đấu thể thao phổ biến hiện nay ở Việt Nam và một số nước trên thế giới.
Nghi lễ và trò chơi kéo co là một di sản văn hóa phi vật thể vô cùng quý giá, vừa là trò chơi hấp dẫn, vừa là nghi lễ thiêng liêng gắn kết với đời sống tinh thần, tâm linh và ước vọng tốt đẹp của cộng đồng. Nghi lễ và trò chơi kéo co còn như một sợi dây tượng trưng cho sự kết nối của cộng đồng, hết sức phong phú, đa dạng, với những sắc thái riêng của mỗi quốc gia và các vùng miền khác nhau, đó là sự đa dạng văn hóa.
Trong khuôn khổ sự kiện, còn diễn ra triển lãm Chung một sợi dây trưng bày các pano bài viết và hình ảnh giới thiệu giá trị, ý nghĩa, hình thức nghi lễ và trò chơi kéo co của Việt Nam, Hàn Quốc, Philippines và Campuchia đã được UNESCO ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Đồng thời, sáng ngày 18.11 đã diễn ra buổi giao lưu, trình diễn nghi lễ và trò chơi kéo co với sự tham gia của Hội Kéo co Gijisi (thành phố Dangjin, Hàn Quốc) và bảy cộng đồng kéo co tại Việt Nam.
- Xem thêm: Vui xuân với những trò chơi dân gian