Đó là rặng núi Ghats Tây (Western Ghats) đã được Tổ chức Giáo dục – Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận là di sản của thế giới và người Ấn Độ tự hào coi đó là báu vật tột đỉnh của những khu bảo tồn đa dạng sinh học trong nước. Khu vực này ra đời cách đây hơn 150 triệu năm, trước cả dãy Himalaya, chạy dọc theo vùng duyên hải phía tây Ấn Độ, là nơi phát nguyên của hơn 62 con sông cung cấp nước cho 75 triệu người sống tại 28 quốc gia nằm ven Ấn Độ Dương. Tính đa dạng sinh học của rặng Ghats Tây khó có nơi nào sánh kịp, với ít nhất 508 loài chim, 156 loài bò sát, 334 loài bướm, 120 loài có vú, 121 loài lưỡng cư và 218 loài cá. Bên cạnh đó, rặng Ghats Tây có trên 4.000 chủng loài thực vật trải rộng trên một diện tích 140 ngàn km2. Về mặt bảo tồn đời sống hoang dã, các cơ quan chức năng Ấn Độ đang điều hành một khu bảo tồn loài voi, 11 khu bảo tồn loài hổ, 12 khu bảo tồn chim, thú rừng, bảy công viên quốc gia…
Trong một động thái mới nhất, UNESCO đã đánh dấu 39 phân khu bảo tồn rộng 8.000km2 được bảo vệ đặc biệt dưới sự giám sát chặt chẽ của quốc tế. Tuy nhiên, quyết định này đang tạo ra một trong những mối mâu thuẫn tiêu biểu giữa bảo tồn và phát triển. Trước tiên, quyết định bị các nhà lãnh đạo chính trị và doanh nhân phản đối vì cho rằng sẽ gây trở ngại cho các chương trình phát triển nhắm vào lợi ích của con người, trong đó có việc khai thác khoáng sản, xây dựng đập thủy điện hay các xa lộ. Họ cho rằng luật lệ hiện hành của các bang đã đủ để bảo vệ một cách phù hợp nhất tính đa dạng sinh học của toàn bộ khu bảo tồn, và theo ông Bộ trưởng Lâm nghiệp bang Karnataka, sự kiểm soát chặt chẽ của UNESCO sẽ tác động bất lợi cho sự phát triển của du lịch sinh thái. Tuy nhiên, có những biểu hiện trong quá khứ chứng tỏ UNESCO đã không sai lầm khi siết chặt các biện pháp bảo tồn đời sống hoang dã tại những khu vực nhạy cảm nhất trên rặng núi Ghats Tây. Năm 1996, Tòa án Tối cao Ấn Độ đã ra phán quyết đình chỉ khai mỏ ở khu bảo tồn loài hổ Dandeli Anshi. Theo các chuyên gia trong và ngoài Ấn Độ, sự hiện diện của ít nhất 50 con đập tại đây là một bằng chứng về sự thờ ơ của chính quyền New Delhi trong công tác bảo tồn. Hậu quả của thái độ này là từng mảng rừng bị phá trụi, ngăn trở việc di chuyển kiếm mồi của hàng trăm loài động vật hoang dã; tình trạng này sẽ dẫn đến thiếu ăn và sự tuyệt chủng của hàng loạt chủng loài. Theo một kết quả nghiên cứu vào năm 2010 của Viện đời sống hoang dã Ấn Độ, rặng núi Ghats Tây có đến 534 cá thể hổ, bằng gần 1/3 số lượng hổ của toàn Ấn Độ. Khu bảo tồn sinh quyển Nilgiris nằm ngay hành lang của dãy Ghats Tây là một cảnh quan có giá trị lâu dài cho việc bảo tồn loài hổ. Bên cạnh đó cũng còn nhiều loài quý hiếm cần được tăng cường công tác bảo tồn như: báo gấm, báo đen, chó sói Ấn Độ, đặc biệt là loài khỉ macaque đuôi sư tử.
Không riêng gì Ấn Độ, hiện nay tại nhiều nơi khác trên thế giới, việc dung hòa giữa nhu cầu bảo tồn đời sống hoang dã và các chương trình phát triển kinh tế xã hội của mỗi quốc gia, từng khu vực, là một công tác vừa cấp bách vừa khó khăn và UNESCO đã có lý khi quan niệm rằng phát triển kinh tế là vấn đề của riêng mỗi quốc gia, song bảo tồn đời sống hoang dã mới là nhu cầu thiết yếu nhất của cả loài người.
Lê Nguyễn tổng hợp