Chỉ còn ba tháng nữa là đến ngày bầu cử tổng thống Mỹ, những con số vừa được Bộ Lao động nước này đưa ra hẳn phải làm cho đương kim tổng thống Barack Obama hài lòng. Theo đó, số người được tuyển dụng vào guồng máy lao động của nước Mỹ đã tăng đáng kể trong bảy tháng đầu năm nay, đặc biệt, trong tháng 7 vừa qua, đã có 163 ngàn người tìm được việc làm, tăng gần 100 ngàn người so với mức tăng của tháng 6 (tăng 64 ngàn người) và bỏ xa ước tính của các nhà phân tích trước đó là sẽ không vượt quá con số 100 ngàn người. Tuy vậy, con số đáng lạc quan này vẫn chưa hoàn toàn kìm hãm được đà gia tăng của nạn thất nghiệp khi tỷ lệ người thất nghiệp ở Mỹ vào tháng 7 tăng 0,1% so với tháng 6, lên con số 8,3%, so với 8,2% của tháng 6. Cần nhắc lại là vào năm 2009, có lúc tỷ lệ người thất nghiệp ở Mỹ đã vọt lên con số đỉnh điểm là 10,1% và vào đầu năm 2010, thị trường lao động nước này đã ở vào đáy vực, số người lao động thất nghiệp trong khu vực tư tăng lên đến 4,5 triệu người, trong khi ở khu vực công phải giảm đến hơn 500 ngàn người.
Những chuyển biến tương đối lạc quan trong lĩnh vực nhân dụng ở Mỹ đã có những ảnh hưởng nhất định đối với trong cũng như ngoài nước Mỹ. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cho rằng tình thế cho phép họ tiếp tục thực hiện kế hoạch đã vạch ra. Trong gần bốn năm qua, định chế tài chính này đã kìm lãi suất ở mức gần với con số không và bơm khoảng 2.300 tỉ USD vào nền kinh tế, không loại trừ tình trạng lạc quan về nhân dụng có sự tác động của những biện pháp do họ thực hiện. Trong một cuộc thăm dò dư luận do hãng tin Reuters tiến hành, 36% cử tri tin là ứng cử viên đảng Cộng hòa Mitt Romney có một kế hoạch kinh tế tốt hơn, trong khi số người tin tưởng vào chính sách của đương kim tổng thống Obama chỉ đạt 31%. Trong khi đó, theo kết quả một cuộc điều tra khác do tổ chức Pew Research Center, trụ sở đặt tại Washington thực hiện, thì ông Obama được 51% người ủng hộ so với 41% của ứng cử viên Romney. Vấn đề hiện đặt ra cho chính quyền đương nhiệm tại Washington là liệu tình trạng lạc quan về mặt nhân dụng ở Mỹ có bền vững không, và điều này đang là một thử thách lớn cho ông Obama trong mấy tháng ngắn ngủi còn lại của nhiệm kỳ tổng thống. Bên ngoài nước Mỹ, điều thấy khá rõ là sự gia tăng đột biến trên thị trường lao động Mỹ đã có những tác động tích cực lên thị trường chứng khoán châu Á và một vài nơi khác. Trong thượng tuần tháng 8, chỉ số Nikkei 225 của Nhật tăng 1,4%, lên 8.922,36 điểm; chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 1,3%, lên 1.911,17 điểm; chỉ số S&P/ASX 200 của Úc cũng tăng 0,6%, lên 4.316 điểm; các chỉ số trên thị trường chứng khoán Đài Loan, Indonesia và Thái Lan cũng có những sự gia tăng tương tự.
Còn quá sớm để cho rằng lĩnh vực nhân dụng đang được cải thiện ở Mỹ sẽ kéo theo một sự hồi phục kinh tế mạnh mẽ, nhưng theo nhiều nhà bình luận, đây có thể là tiền đề cho nhiều chuyển biến lạc quan khác trong nền kinh tế của nước này.
Lĩnh vực công nghệ thông tin thu hút nhiều lao động tại Mỹ