Liên quan đến vấn đề phát triển kinh tế và phát triển con người, Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) vừa công bố bản báo cáo nêu rõ một thực trạng mà các nước đang phát triển phải đối mặt, đó là tăng trưởng thường kéo theo sự phân hóa ngày càng sâu sắc trong các giai tầng xã hội. Theo nội dung văn kiện này, “con người đang sống trong những xã hội bất bình đẳng nhiều hơn so với cách nay 20 năm” và dù đạt những tiến bộ kỹ thuật vượt bậc, vẫn còn có tới 1,2 tỉ người sống trong sự nghèo khổ. Trong khoảng thời gian giữa những năm 1990 và 2010, tại các nước đang phát triển, sự bất quân bình về thu nhập đã gia tăng 11% so với trước; trên ba phần tư hộ gia đình sống trong những khu vực mà lợi tức được phân bố một cách bất bình đẳng hơn so với thập niên 1990. Theo các dữ liệu do một nhà quản trị của UNDP là bà Helen Clark ghi nhận được, số người giàu có nhất chỉ chiếm 8% tổng dân số toàn cầu nhưng lại sở hữu đến 50% tổng lợi tức của cả thế giới! Các nhà phân tích khảo sát vấn đề bất bình đẳng trong thế giới đang phát triển trên hai khía cạnh khác nhau, một là về các yếu tố vật chất, và hai là về cơ may dành cho mỗi người. Sự bất bình đẳng về vật chất thể hiện trên các khía cạnh phúc lợi, sức khỏe, chế độ dinh dưỡng và sự thành đạt về mặt giáo dục. Còn sự bất bình đẳng về các cơ may có liên quan đến giới tính, các nhóm sắc tộc trong cộng đồng dân cư của một quốc gia. Cả hai yếu tố này có sự liên quan với nhau, nhưng được chi phối bởi các động lực khác nhau và nếu chỉ giải quyết vấn đề bất bình đẳng về cơ may không thì sẽ không giải quyết được sự bất bình đẳng về đời sống vật chất.
Thế giới còn có đến 1,2 tỉ người nghèo khổ
Theo một kết quả nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) tiến hành tại 43 nước đang phát triển, 90% trẻ em sống trong các gia đình khá giả có cơ hội được đến trường, trong khi tỷ lệ này chỉ chiếm 64% ở những gia đình có đời sống vật chất còn nhiều khó khăn. Về mặt giới tính, trong thế giới đang phát triển, phụ nữ thường được hưởng các chỉ số phúc lợi thấp hơn nam giới, điều này là đầu mối của nhiều bất ổn xã hội. Theo nhận định của các nhà bình luận, muốn cho các thành viên trong đời sống cộng đồng được hưởng các điều kiện sống như nhau thì vấn đề bất bình đẳng trong xã hội phải được ưu tiên đưa vào nghị trình các cuộc thảo luận về chính trị. Sự tái phân lợi tức là một trong những bước đi quan trọng trong việc giảm thiểu các bất bình đẳng trong xã hội, sao cho có thể nhanh chóng nâng cao thu nhập của các hộ gia đình có thu nhập thấp trong thế giới đang phát triển.
Lê Cẩn tổng hợp