Trả lời phỏng vấn hãng tin Fairfax Media về khả năng Úc gia nhập khối ASEAN, Tổng thống Indonesia Joko Widodo tuần qua cho biết ông ủng hộ ý tưởng đó bởi vì điều này sẽ làm tình hình khu vực trở nên “ổn định về chính trị cũng như về kinh tế hơn”.
Trong cuộc họp báo tại Sydney, Thủ tướng Úc Malcolm Turbull tuyên bố: “Tôi đang nóng lòng được trao đổi với Tổng thống Joko Widodo về đề xuất của ông… chúng tôi đang chờ được mời”.
Thủ tướng Malcolm Turnbull nhấn mạnh sự kiện thượng đỉnh Úc – ASEAN diễn ra hôm 17-3 đánh dấu một giai đoạn mới trong mối quan hệ giữa Canberra và các nước ASEAN, trong bối cảnh Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á đang bị chia rẽ do Bắc Kinh tìm cách mở rộng ảnh hưởng trong khu vực.
Giới quan sát nhận thấy gần đây Bắc Kinh tìm cách dùng lá bài kinh tế, đầu tư ồ ạt vào các nước như Lào, Campuchia, Philippines và Malaysia để gây áp lực trong những quyết định của khối có liên quan đến Bắc Kinh.
Khó khăn của ASEAN hiện nay là phải đối phó với một nước Trung Quốc ngày càng tỏ ra hung hăng, lấn lướt trong các tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.
Được hỏi có phải Trung Quốc đang tìm cách chia rẽ ASEAN, Thủ tướng Úc nói: “Đó là những vấn đề mà ASEAN đang phải đối mặt và chúng tôi sẽ cố gắng để giải quyết mọi căng thẳng về áp lực đó”.
Có vị trí địa lý liền kề khu vực Đông Nam Á và ở giữa Thái Bình Dương, Úc không phải một thành viên chính thức của ASEAN, nhưng luôn đóng vai trò quan trọng như là một đối tác chiến lược của khu vực và thường xuyên tham dự các cuộc họp của khối này. ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ ba của Úc.
Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu cho biết là nước này đang vận động các đối tác trong khối ASEAN tiến hành tuần tra ở vùng Biển Đông đang tranh chấp, để cải thiện an ninh khu vực.
Tuyên bố với các phóng viên tại Sydney, ông Ryamizard Ryacudu nói: “Về Biển Đông, tôi đã đi một vòng gặp các đồng nhiệm ASEAN để đề nghị là toàn bộ những nước ở khu vực Biển Đông tiến hành tuần tra trong phạm vi 200 hải lý”. Riêng đối với Indonesia, nước này sẽ tập trung tuần tra ở ba khu vực biển Sulu, eo biển Malacca và vùng biển chung quanh các bờ biển của Thái Lan.
Tuy không phải là một quốc gia tranh chấp chủ quyền Biển Đông, nhưng Indonesia có căng thẳng với Trung Quốc trên vấn đề quyền đánh cá ở khu vực quần đảo Natuna và đang tăng cường sự hiện diện quân sự ở đây. Đồng thời Jakarta đã đặt tên mới cho khu vực phía bắc vùng đặc quyền kinh tế của mình, để khẳng định chủ quyền của Indonesia.