Tổng số người thất nghiệp tại 17 nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu hiện lên tới 17,4 triệu người, phần lớn trong số họ thuộc lực lượng lao động trẻ. Tây Ban Nha là nước có số người thất nghiệp cao nhất, chiếm 24,1% lực lượng lao động, trong đó, riêng số thanh niên dưới 25 tuổi chiếm hơn 51%. Hy Lạp tiếp sau với 21,7% người thất nghiệp. Trong khi đó, Áo là nước có số người thất nghiệp ít nhất khu vực, với 4% lực lượng lao động. Ở Hà Lan, nước vừa chứng kiến sự sụp đổ của chính phủ đương nhiệm do sự bất đồng về chính sách khắc khổ đang áp dụng, tỷ lệ này cũng chỉ ở mức 5%.
Trên toàn châu Âu, tỷ lệ người thất nghiệp cũng không giảm bao nhiêu so với riêng khu vực đồng euro (10,2% so với 10,9%). Theo Raymond Torres, Giám đốc Viện Nghiên cứu Lao động Quốc tế, một bộ phận của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), chính việc tập trung vào sự thắt lưng buộc bụng đã làm trầm trọng hóa cuộc khủng hoảng về lao động. Chuyên gia này cho rằng những quốc gia chọn các chính sách kinh tế vĩ mô tập trung vào lao động đều đạt được những thành quả kinh tế xã hội tốt hơn, nhiều nước trong số họ có tính cạnh tranh cao và đối phó với khủng hoảng kinh tế tốt hơn so với những nước áp dụng chính sách khắc khổ về tài chính.
Về phần mình, ngày 29-4, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) công bố “Báo cáo về thế giới lao động năm 2012” yêu cầu chính phủ các nước trên thế giới phục hồi các chính sách thân thiện với người lao động, cụ thể là tạo thêm hai triệu việc làm mới tại các nền kinh tế phát triển. Trải qua bốn năm trong cuộc khủng hoảng toàn cầu, sự bất ổn của thị trường lao động rất khó được cải thiện, những người bị thất nghiệp lâu dài có nguy cơ bị loại hẳn khỏi thị trường này một khi nền kinh tế được hồi phục. Cùng với sự gia tăng mức chênh lệch về thu nhập và tài sản, tình trạng thất nghiệp tràn lan và kéo dài làm gia tăng nguy cơ bất ổn xã hội ở những nền kinh tế dễ bị tổn thương, nhất là các khu vực hạ Sahara của châu Phi, Trung Đông và Bắc Phi. Trong khi đó, ở 36 nền kinh tế phát triển, cũng chỉ ghi nhận được sự gia tăng mức độ nhân dụng tại năm nước gồm Đức, Israel, Luxembourg, Malta và Ba Lan. Để chấn chỉnh vấn đề lao động, tạo điều kiện giảm thiểu tỷ lệ thất nghiệp cao hiện nay, bản báo cáo của ILO đưa ra ba khuyến cáo: (1) Cần tăng cường các chuẩn mực lao động, trong đó có quyền thành lập nghiệp đoàn; các nước G20 cần phê chuẩn những công ước cơ bản của ILO như một tín hiệu tích cực đối với lĩnh vực này; (2) Cung ứng các mức tín dụng phù hợp và tạo môi trường hoạt động thuận lợi cho các doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt tại các nước thuộc khu vực đồng euro, nơi mà hệ thống ngân hàng thường không rót tiền vào những nơi cần tiền nhất; (3) Tại các nước đang phát triển và các nền kinh tế đang lên, chính phủ cần tập trung nỗ lực vào đầu tư công và an sinh xã hội để kích cầu và giảm thiểu sự nghèo đói, sự chênh lệch về thu nhập. Ở các nền kinh tế tiên tiến, chính sách cần tập trung vào việc đảm bảo cho những người thất nghiệp, đặc biệt là giới trẻ, có được những hỗ trợ phù hợp để đi tìm công ăn việc làm mới.
Lê Nguyễn tổng hợp