Theo các số liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu Eurostat, khuynh hướng giảm tỷ lệ thất nghiệp của khu vực đồng euro (eurozone) đã bắt đầu từ tháng 7 năm trước, khi giảm từ tỷ lệ 11,1% của tháng 6-2015 xuống còn 10,9% vào tháng 7-2015. Và đây cũng là lần đầu tiên, tỷ lệ thất nghiệp của eurozone ở dưới mức 11%. Đến hai tháng cuối năm vừa qua, tỷ lệ thất nghiệp của 19 nước eurozone tiếp tục giảm còn 10,5%, số người thất nghiệp còn 16,75 triệu người, giảm 49 ngàn người so với tháng trước.
Xét chung toàn bộ 28 thành viên của Liên minh châu Âu (EU), tính đến cuối năm 2015, tỷ lệ người thất nghiệp 9% không thay đổi. Trong số này, Hy Lạp và Tây Ban Nha chiếm tỷ lệ người thất nghiệp cao nhất, trên 20%. Cộng hòa Séc và Đức là hai nước có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất, cùng ở mức 4,5%. Tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ trong eurozone là 22%, luôn ở mức cao so với tỷ lệ chung của những người trong độ tuổi lao động. Tính ra tình hình nhân dụng của eurozone đã khả quan hơn so với những dự kiến của các nhà phân tích khi họ dựa nhiều vào sự xuống dốc của nền kinh tế Trung Quốc và tính bấp bênh của thị trường tài chính. Nhận định về vấn đề này, nhà phân tích của tổ chức Capital Economics là Jennifer McKeown cho rằng sự hạ giảm tỷ lệ thất nghiệp của eurozone là điều đáng mừng, nhưng sự trì chậm của nền kinh tế toàn cầu sẽ có tác động bất lợi lên những tiến bộ đạt được. Theo bà, Ngân hàng Trung tâm châu Âu (ECB) cần có nhiều việc phải làm để giảm thiểu hay triệt tiêu những ảnh hưởng bất lợi của thị trường tài chính lên nền kinh tế toàn cầu. Còn theo Howard Archer, nhà kinh tế học thuộc tổ chức IHS Global Insight, thế giới sẽ trải qua một sự tăng trưởng khiêm tốn, tỷ lệ thất nghiệp sẽ giảm xuống dưới mức 10% vào cuối năm nay, nếu như khuynh hướng hiện nay vẫn tiếp diễn. Về phần mình, Chủ tịch Ngân hàng châu Âu (ECB) là Mario Draghi đã sẵn sàng tung ra gói kích thích nền kinh tế thế giới để tạo những động lực mới có hiệu quả hơn.
Lê Nguyễn theo IPS, Telegraph (DNSGCT)