Các công ty có nhiều cách để xác định liệu một ứng viên cho một vị trí cần tuyển dụng có chấp nhận được hay không, trước khi nghĩ đến yêu cầu tuyển được một ứng viên tốt và phù hợp. Để làm điều này, các nhà tuyển dụng thường nhìn vào lý lịch làm việc (CV) của các ứng viên để xem xét quá trình đào tạo và kinh nghiệm làm việc của họ. Sau đó, nhà tuyển dụng sẽ phỏng vấn ứng viên, gọi điện cho một số người để lấy thông tin tham khảo và yêu cầu ứng viên thực hiện một số bài kiểm tra trắc nghiệm tính cách.
Tuy nhiên, như nhà tâm lý học Ron Friedman đã đề cập trong một bài viết trên trang web của Diễn đàn Kinh tế thế giới, trong quá trình phỏng vấn, nhà tuyển dụng có thể đưa ra nhiều giả định thiếu chính xác về một ứng viên dựa trên vẻ bề ngoài, chiều cao và thậm chí là giọng nói.
Paul Rivera, Tổng giám đốc (CEO) của trang web môi giới việc làm Kalibrr, cũng cho rằng các bài kiểm tra trắc nghiệm tính cách có thể không mang tính khoa học cao. “Vấn đề với các bài trắc nghiệm này là khi bạn biết rằng mình sẽ phải làm một bài trắc nghiệm tính cách, bạn sẽ có khuynh hướng trả lời các câu hỏi nhằm “lái” người đánh giá đến việc định hình một tính cách nào đó mà bạn mong muốn”, Kalibrr giải thích.
Nhưng công nghệ đang giúp các nhà tuyển dụng khắc phục được những nhược điểm nói trên của quy trình phỏng vấn và tuyển dụng truyền thống. Đó là hình thức tuyển dụng bằng các trò chơi điện tử. Dashi Dash là một điển hình.
Khi tham gia vào trò chơi này, ứng viên sẽ hình dung mình đang đóng vai một nhân viên phục vụ quan sát những biểu hiện trên gương mặt của những khách hàng bước vào một nhà hàng. Người phục vụ sẽ phải phục vụ khách hàng một món ăn dựa vào nhận thức của mình về tâm trạng của họ. Số khách hàng được phục vụ thành công trong một thời gian quy định sẽ quyết định số điểm mà ứng viên nhận được.
Dashi Dash chỉ là một trong nhiều trò chơi của Knack, một công ty mới được thành lập (start up) bởi Guy Halfteck, một doanh nhân người Israel, ở Palo Alto, California (Mỹ). Với phần mềm này, nhà tuyển dụng có thể xác định khá chính xác tính cách, các kỹ năng đặc biệt, khả năng tư duy và nhận thức của ứng viên.
Cuối năm 2015, Ngân hàng Barclays PLC cũng đã bắt đầu thử nghiệm một công cụ mới để thu hút các ứng viên trẻ đang tìm việc trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Đó là một trò chơi điện tử dùng cho thiết bị di động mang tên Stockfuse, mô phỏng nghiệp vụ kinh doanh cổ phiếu dựa trên dữ liệu thị trường theo thời gian thực. Hơn 4.500 sinh viên năm cuối của các trường đại học đã tham gia trò chơi này. Trong số đó, 8% đã ứng tuyển vào các vị trí kinh doanh cổ phiếu của Barclays và kết quả là 17 ứng viên đã trúng tuyển.
Phát triển ra phần mềm Stockfuse là SHFuse Inc., một start up có trụ sở ở New York. Những phần mềm như thế sẽ giúp nhà tuyển dụng đánh giá khả năng làm việc của ứng viên trong môi trường thực thông qua kết quả tham gia trò chơi mô phỏng. Ví dụ, Stockfuse sẽ cho ra các thông tin về loại cổ phiếu được người chơi – ứng viên lựa chọn đầu tư và mức lợi nhuận thu về, giúp nhà tuyển dụng xem xét năng lực của ứng viên.
Theo một số chuyên gia, ứng dụng trò chơi vào quá trình tuyển dụng hiện vẫn còn là một xu hướng mới phát triển và cần có thời gian để đánh giá hiệu quả của nó. Tuy nhiên, có một số lý do sau đây để tin rằng cách làm này sẽ giúp doanh nghiệp có thêm một công cụ hữu ích để xây dựng một đội ngũ nhân viên vững mạnh.
- Trò chơi có tính tương tác cao và hướng ứng viên đến cách ứng xử tự nhiên. Đây là một ưu điểm lớn so với các câu hỏi tình huống khô cứng mà ứng viên có thể đưa ra những câu trả lời “có sự chuẩn bị”. Phương pháp tuyển dụng bằng trò chơi thường thu hút các nhân viên trẻ, những người dễ quên đi rằng họ đang bị đánh giá khi tham gia vào các trò chơi nên sẽ có những hành vi thể hiện rất thật về tính cách, kỹ năng của họ. Halfteck cho biết hiện Knack cũng có một số trò chơi khác như Words of Wisdom, Balloon Brigade, Meta Maze và Bomba Blitz tạo ra những tình huống ngẫu nhiên, bất ngờ khiến cho ứng viên khó có thể giả tạo về tính cách của mình.
- Trò chơi có cơ sở khoa học. Halfteck cho biết các trò chơi của Knack’s là một sự kết hợp giữa kỹ thuật phân tích các cơ sở dữ liệu lớn và khoa học về hành vi. Khi một ứng viên tham gia trò chơi, các dữ liệu sẽ được thu thập và phân tích theo các thuật toán, từ đó cho ra các kết luận về cách suy nghĩ và làm việc của ứng viên ấy. Theo nhận xét của tạp chí The Economist, các trò chơi được thiết kế để kiểm tra các kỹ năng nhận thức mà nhà tuyển dụng muốn có ở ứng viên, từ trí tuệ cảm xúc, khả năng nhận diện các mô hình, khả năng đánh giá rủi ro và thích nghi với các tình huống thay đổi.
- Trò chơi có lợi cho cả nhà tuyển dụng lẫn ứng viên. Thông qua việc tham gia các trò chơi, ứng viên cũng có thể biết được liệu vị trí mà họ đang ứng tuyển có giúp họ phát huy tốt nhất các sở trường, năng khiếu của mình hay không. “Khi ứng viên được yêu cầu hành động theo hướng vượt ra khỏi những ưu thế của họ thì kết quả thường sẽ là: có cố đến mấy họ cũng sẽ không thể làm tốt, cảm thấy mệt mỏi và không muốn tiếp tục nữa”, Natalie Baumgartner, một nhà tâm lý học, đồng sáng lập của Roundpegg, công ty chuyên cung cấp các phần mềm hỗ trợ việc ra các quyết định về nhân sự, giải thích.