Đồng tiền gây chia rẽ
Sự ra đời của đồng euro vào ngày 1-1-1999 đã tạo ra sự thống nhất đồng thời cũng gây chia rẽ. Nó thống nhất các nhà lãnh đạo châu Âu, những người đã ca ngợi một kỷ nguyên mới của hội nhập chặt chẽ hơn, giao dịch dễ dàng hơn và tăng trưởng nhanh hơn. họ tin rằng đang tạo dựng một loại tiền tệ mới để cạnh tranh với đồng USD. Nhưng đồng euro đã gây chia rẽ giữa các nhà kinh tế, thậm chí một số người cảnh báo rằng nền kinh tế toàn cầu suy thoái có thể làm tan vỡ đồng euro.
Trong nhiều năm kể từ năm 2010, cuộc khủng hoảng trái phiếu chính phủ các nước đã nhấn chìm châu Âu. Năm 2012, đồng euro suýt chút nữa bị cuốn trôi theo cuộc khủng hoảng nợ công có nguy cơ dẫn đến sự tan rã của hệ thống ngân hàng tại châu Âu. Thậm chí, thành quả phát triển kinh tế của các nước trong khu vực đồng euro thấp hơn nhiều so với các nước không dùng đồng euro.
Ví dụ, theo thống kê của EC, từ năm 2006-2015, nền kinh tế các nước châu Âu không sử dụng đồng euro đã tăng trưởng 8,1%, còn các nước trong khu vực đồng euro chỉ đạt 0,6%. Nhưng đồng euro đã không sụp đổ nhờ những sửa đổi vào phút cuối của các nhà lãnh đạo, bất chấp những chia rẽ sâu sắc, cho thấy một cam kết mạnh mẽ trong việc cứu rỗi đồng tiền chung này. Thêm nữa là sự ủng hộ của công chúng đối với đồng euro. Theo một cuộc khảo sát gần đây, hơn 3/5 số người ở khu vực đồng euro cho rằng đây là đồng tiền duy nhất tốt cho đất nước của họ; trong khi 3/4 nói rằng đồng euro tốt cho cả EU.
Tuy nhiên, sự ủng hộ đó không phản ánh thành công về kinh tế hay chỉ về mặt chính sách của khu vực này. Các quốc gia thuộc khu vực đồng euro chưa bao giờ trông giống như một liên minh tiền tệ, do bị mất đi khả năng đưa ra các chính sách tiền tệ độc lập và khả năng can thiệp vào tỷ giá hối đoái. Mức sống của người Ý chỉ cao hơn chút ít so với năm 1999. Ở Tây Ban Nha, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên là 35%. Tiền lương tăng trưởng chậm ở mọi nơi trong nền kinh tế của châu Âu…
Các nhà lãnh đạo có thể cam kết với đồng euro, nhưng họ không thể đạt đồng thuận về cách điều chỉnh đồng tiền này. Cuộc khủng hoảng đã cho thấy rõ hố sâu chia rẽ giữa các quốc gia chủ nợ và con nợ: các cử tri miền Bắc (những người giàu có như dân Đức) đơn giản sẽ không trả tiền cho sự thiếu thận trọng ở nơi khác (Hy Lạp, Ý ở phía nam). Sự đình trệ kinh tế đã giúp những người theo chủ nghĩa dân túy lên nắm quyền ở Hy Lạp và Ý. Nhưng vì cải cách kinh tế rất chậm nên cuộc khủng hoảng có thể bùng phát trở lại. Nếu vậy, châu Âu sẽ bị chia rẽ nhiều hơn so với năm 2010.
Tầm nhìn 20 năm tiếp theo
Như vậy, đồng euro không làm cho các nước EU xích lại gần nhau hơn mà chỉ làm trầm trọng thêm những mâu thuẫn nội bộ. Dù đã được củng cố nhờ một số chính sách tiền tệ của EU nhưng đồng euro của khoảng 340 triệu người dân tại 19 quốc gia châu Âu vẫn còn là “người khổng lồ yếu ớt”.
Về mặt kỹ thuật, con đường dẫn đến một đồng euro ổn định là rõ ràng. Bước đầu tiên là đảm bảo rằng các ngân hàng và giới lãnh đạo các quốc gia không níu chân nhau trong một cuộc khủng hoảng. Hiện nay ngân hàng tại các nước EU có quyền đơn phương và thường nắm giữ trái phiếu của các quốc gia tương ứng. Thay vào đó, họ nên được khuyến khích nắm giữ một tài sản an toàn mới, bao gồm trái phiếu của nhiều quốc gia thành viên. Nếu không, khi một quốc gia gặp rắc rối về nợ nần, các ngân hàng trong nước sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng gây thiệt hại cho nền kinh tế.
Tương tự, giới hạn về chủ quyền nên bị loại bỏ một khi cuộc khủng hoảng ngân hàng xảy ra. Một quỹ trung tâm để tái cấp vốn cho các ngân hàng gặp khó khăn đã được thành lập, nhưng bảo hiểm tiền gửi cũng nên được gộp lại. Điều này đã nhận được ít nhiều sự đồng thuận về nguyên tắc, nhưng các quốc gia không đồng ý về tốc độ chuyển đổi.
Khu vực đồng euro nên có một số chính sách tài khóa phản chu kỳ tập trung như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi. Điều này có thể bao gồm chi tiêu đầu tư có mục tiêu rõ rệt hoặc chia sẻ bảo hiểm thất nghiệp, nhằm tránh lặp lại việc một nền kinh tế thành viên phải “thắt lưng buộc bụng” không có lợi sau một cuộc khủng hoảng. Mức độ chia sẻ rủi ro này có thể khiến các các quốc gia ở phía bắc chịu nhiều thiệt thòi. Nhưng nếu không thực hiện, đồng euro 20 năm tới sẽ khó lòng tốt hơn so với năm 20 đã qua. Và khi khủng hoảng xảy ra, các nhà lãnh đạo châu Âu vẫn có thể đứng trước rủi ro: xóa bỏ đồng tiền chung.