Ở tuổi đã quá tám mươi, nữ nghệ sĩ tạo hình Alice Mackler mới có triển lãm cá nhân đầu tiên và lập tức được giới mỹ thuật New York coi là một phát hiện lạ lùng, khi mà những tác phẩm đa dạng của bà được đánh giá là rất gần với nghệ thuật đương đại, lại hết sức trẻ trung và đầy sức sống.
Tháng 7-2013, tại gallery Kerry Schuss ở New York, lần đầu tiên trong đời Alice Mackler mới có được triển lãm của riêng mình, trưng bày 18 bức tranh, một số phác thảo, tranh dán giấy (collage) và những tượng gốm nhỏ. Triển lãm đã nhận được những lời ngợi ca từ các nhà phê bình khó tính, được đăng trên các báo, tạp chí có uy tín trong lĩnh vực phê bình mỹ thuật nhưArtforum, New York Times, New York Observer, Time Out New York, với các nhận định: “tinh tế”, “trào phúng”, “không phạm sai lầm nào” chung quanh bảng màu, bố cục cũng như sức tưởng tượng của tác giả về thực tại cuộc sống cũng như thân phận con người.
Nữ tính, gợi tình, phồn thực và tràn ngập niềm vui
Khó tưởng nổi những tranh collage hết sức hiện đại lại được một cụ bà trên tám mươi thực hiện. Những tượng gốm cũng vậy: các tác phẩm điêu khắc đơn giản về mặt tạo hình và đầy màu sắc của Alice Mackler trông thật ngộ nghĩnh nhưng đầy nữ tính và cũng thật gợi tình, phồn thực, khiến liên tưởng đến tượng “Vệ nữ Willendorf” (*). Còn trong các tác phẩm hội họa bắt mắt của bà, có thể thấy cơ thể lồ lộ của người nữ được thể hiện dưới mọi hình thức, như thể những nhân vật nữấy không có một khuôn mẫu nào cả mà hoàn toàn đến từ sự ngẫu hứng của tác giả. Người đàn bà trong tranh với hòa sắc cầu vồng tràn ngập niềm vui và những đường nét mô tả động tác được trừu tượng hóa được so sánh với các nhân vật nữ trong tranh của họa sĩ Mỹ đương đại lừng danh Willem de Kooning. Khi nhận định về triển lãm ấy trên trang mạng mỹ thuật Art F City, Clara Olshansky cho rằng nó là một cuộc trưng bày “gần như hoàn thiện”.
Trước khi có triển lãm cá nhân đầu tiên, Alice Mackler đã có dịp trưng bày tượng gốm của bà trong một triển lãm chung tại gallery James Fuentes. Cơ duyên để tác phẩm của bà bước ra ánh sáng là nhờ mối quan hệ tình cờ với nữ họa sĩ Joanne Greenbaum khi họ cùng theo học về kỹ thuật làm đồ gốm tại studio Greenwich House Pottery ở New York.
Joanne Greenbaum kể: “Trong nhiều năm tôi đã thấy các tác phẩm điêu khắc đáng kinh ngạc ấy ra đời từ lò nung và được trưng bày trên kệ dành cho những sàn phẩm hoàn chỉnh ở studio. Thế rồi tôi hỏi về người tạo ra chúng và bắt đầu mua các bức tượng ấy. Khoảng một năm trước (cuộc triển lãm tại gallery James Fuentes), chúng tôi tình cờ ngồi cạnh nhau trong lớp học và biết về nhau. Tôi thích ngắm tác phẩm của bà, quan sát cách xử lý tác phẩm của bà, cách bà tráng men chúng và cách bà tập trung sáng tác, không quan tâm đến bất kỳ điều gì đang diễn ra trong lớp. Tháng 1-2013, khi cùng với Adrianne Rubenstein làm giám tuyển một triển lãm tại gallery James Fuentes, tôi muốn triển lãm ấy không chỉ dành cho những bạn bè tôi ở New York, thay vào đó là một số nghệ sĩ tôi vừa gặp ở Berlin, những người chưa từng triển lãm ở New York mà tôi rất thích tác phẩm của họ… Bất chợt tôi nghĩ đến Alice Mackler và cho Adrianne xem tượng của bà, cô ấy lập tức nói với tôi: “Ôi chao ơi! Bà ấy phải có mặt trong triển lãm này!”.Thế rồi Alice đã trở thành tác giả thành công nhất tại triển lãm ấy”.Toàn bộ tác phẩm của bà tại triển lãm được bán sạch.Từ thành công đó, Joanne Greenbaum giới thiệu bà Alice Mackler với gallery Kerry Schuss để họ tổ chức triển lãm cá nhân đầu tiên cho bà.
Nghệ thuật là nơi trú ẩn đích thực
Mary Jones, họa sĩ, nhà giáo dạy mỹ thuật và cũng là nhà phê bình có uy tín ở New York đã phỏng vấn Alice Mackler (đăng trên blog maryjonesstudio của bà). Khi được hỏi về những tác giả nổi tiếng mà báo chí cho rằng bà chịu ảnh hưởng, Alice Mackler cho rằng phải thêm vào Paul Klee: “Ông là người có ảnh hưởng quan trọng nhất đối với tôi, một họa sĩ tuyệt vời!”. Ngoài ra, bà còn yêu thích tác phẩm của nữ họa sĩ Helen Frankenthaler (1928-2011), một tên tuổi lớn của trào lưu hội họa Biểu hiện trừu tượng Hoa Kỳ.
Cũng trong cuộc chuyện trò ấy, Alice Mackler cho biết mình đã theo học mỹ thuật từ thập niên 1950 nhưng chưa từng tốt nghiệp, bà cũng chưa từng lập gia đình và sống trong cảnh nghèo với một người chị cho đến khi bà ấy qua đời cách đây chưa lâu. Bà từng theo nghề quảng cáo trong nhiều năm cho đến khi mất việc vào năm 1999; từ đó bà mới theo học nghề làm gốm vì nghĩ rằng có thể mưu sinh bằng cách làm gốm mỹ thuật. Chính tại xưởng gốm Greenwich House, bà đã gặp Joanne Greenbaum, người đã đưa bà từ bóng tối bước ra ánh sáng.
Joanne Greenbaum cho rằng bất kỳ người nghệ sĩ nào cũng không thể năm này qua năm khác chịu sống trong cảnh hoàn toàn vô danh trừ phi họ thiếu cá tính sáng tạo và lòng quyết tâm sống với nghệ thuật.Cuộc sống trắc trở có thể khiến nhiều người bị gục ngã nhưng những gì Alice đã làm không ngừng trong đời mình cho thấy bà không thể bị đánh bại.Ở tuổi tám mươi, nhiều điều bà từng mơước nay đã thành sự thật và bà xứng đáng nhận được những lời ngợi ca. “Tôi yêu cuộc sống này. Đã từng trải qua những năm tháng tối tăm khổ cực nhưng tôi yêu cuộc sống này. Nghệ thuật là nơi trú ẩn đích thực của tôi” – Alice Mackler thổ lộ trong cuộc phỏng vấn của Mary Jones.
Thượng tuần tháng 3-2014, tại Hội chợ nghệ thuật Độc lập (Independent Art Fair) lần thứ năm được tổ chức ở khu Chelsea, nơi tập trung các gallery mỹ thuật của New York, những người yêu nghệ thuật lại có cơ hội thưởng thức các tác phẩm của Alice Mackler. Bà đem đến hội chợ những bức tranh được vẽ từ năm 1968 cùng một loạt tượng gốm mới chưa từng trưng bày trước đây.Ở tuổi 83 nhưng Alice Mackler vẫn là một khuôn mặt mới toanh tại một hội chợ mỹ thuật quốc tế, và vẫn thật tươi trẻ giữa những đồng nghiệp tuổi con cháu mình.
(*) Vệ nữ Willendorf (tiếng Đức: Venus von Willendorf) là một bức tượng từ thời nguyên thủy của con người, có chiều cao 11cm với hình dáng phụ nữ, được nhà khảo cổ học Josef Szombathy tìm thấy tại một di chỉ thời đại đồ đá cũ ở gần làng Willendorf, không xa TP. Krems thuộc nước Áo. Được ước tính đã ra đời vào giữa 21.000 và 20.000 năm trước Công nguyên, bức tượng nhỏ này được chạm khắc từ một tảng đá vôi kiểu đá trứng cá và được nhuộm màu đỏ từ đất hoàng thổ. Đây là một trong những đồ tạo tác và hiện vật khảo cổ quan trọng nhất của ngành khảo cổ hiện đại.
- Đông Hà