Đặc sản này là của dân tộc Chăm cư trú ở An Giang. Tiếng Chăm, tung lò mò có nghĩa là lạp xưởng bò. Người Chăm An Giang theo đạo Hồi (Islam) không ăn thịt heo, nên làm lạp xưởng bằng thịt bò.
Thành phần tung lò mò gồm có: thịt bò nạc lóc từ xương, dầu thực vật hoặc mỡ bò, ruột bò, tiêu, tỏi, đường, muối và… cơm nguội hoặc thính. Chế biến: bằm thịt bò với dầu hoặc mỡ bò, trộn gia vị, nhồi cho đều. Ruột bò lộn “bề trái” cạo, rửa sạch, lộn lại. Cơm nguội (cơm nấu chín để nguội) trộn chung với thịt bằm rồi nhét vào ruột bò, thắt gút từng đoạn đem phơi. Nếu trời tốt phơi ba nắng là được. Cơm nguội có tác dụng làm cho tung lò mò lên men chua như nem rất độc đáo – Người Việt khi đặt làm tung lò mò thường dặn thay cơm nguội bằng thính. Làm như vậy tung lò mò sẽ thơm hơn nhưng mất vị chua “thuần túy”.
Có thể ăn tung lò mò bằng nướng hoặc chiên như lạp xưởng heo của người Hoa, nhưng phải ăn nóng, để nguội mỡ bò đóng cục, mất mùi thơm. Kèm với các thứ “bổi” như khế chua, chuối chát, rau thơm, cần ống ngọt, giòn, đặc sản tung lò mò lôi cuốn thực khách ngay từ phút đầu “nhập trận”.
Thủ phủ của tung lò mò là Châu Giang cách thị xã Châu Đốc một mặt sông, qua đò là tới. Vừa bước lên bến đò đã thấy tung lò mò treo bán khắp nơi. Tung lò mò đối với người Chăm cũng như món mắm kho, canh chua, cá rô kho tộ của người miền Nam, thịt kho đông, giò chả của người miền Bắc.
– Nguyễn Hoàng Tuấn