Đến hẹn lại lên, vào tháng 2 hằng năm, các tờ báo lớn của TP. Hồ Chí Minh nhộn nhịp các chương trình tư vấn tuyển sinh và chọn nghề – hướng nghiệp.
Hàng trăm ngàn sĩ tử với nỗi lo canh cánh chọn nghề – chọn trường đã được đáp ứng phần nào thông tin tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) từ các báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Người Lao Động, Sài Gòn Giải Phóng, Giáo Dục TP. Hồ Chí Minh…
Thầy đại học lăn xả
Những ngày hội tư vấn tuyển sinh rầm rộ xuyên suốt các tỉnh, kéo theo thông tin đăng tải trên mặt các trang báo giấy, báo mạng khiến cả xã hội dường như lắng đọng để sống cùng tuyển sinh.
Điều đáng ghi nhận là nhiều giảng viên, chuyên gia tư vấn của các trường ĐH, CĐ phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng không ngại đường xa đến nhiều trường THPT để giải đáp thắc mắc, hướng dẫn học sinh từ chuyện đơn giản ghi hồ sơ đăng ký dự thi, trắc nghiệm khả năng có phù hợp với sở thích, sở trường… cho đến việc chọn ngành nghề có nhu cầu cao.
Qua các đợt tư vấn hướng nghiệp – tuyển sinh, không chỉ cơ quan báo chí ghi điểm trong lòng bạn đọc mà các trường ĐH, CĐ tham gia tư vấn cũng đã quảng bá hình ảnh của nhà trường, là cơ hội thu hút thêm những sinh viên tiềm năng. Nói cách khác, nếu có càng nhiều thí sinh đăng ký dự thi cũng giúp các trường chọn được đầu vào tốt, chất lượng đào tạo theo đó cũng được nâng lên.
Nhìn các thầy tận tình, dí dỏm, trả lời đến nơi đến chốn từng câu hỏi của thí sinh, ít ai biết chuyện hậu trường các thầy lẫn ban tổ chức phải tối tăm mặt mũi như thế nào khi sắp xếp tư vấn để không “đụng” ngày giữa các báo tổ chức ở cùng một khoảng thời gian, đôi khi trùng thời điểm, trùng địa điểm. Mỗi chuyên gia tuyển sinh có “thương hiệu” mùa này nhận khoảng vài chục thư mời tham gia tư vấn là chuyện bình thường, thậm chí có thầy lão làng mới đầu mùa đã nhận hơn 90 thư.
Thầy phổ thông ngó lơ
Nhìn những giọt mồ hôi của nhiều học sinh vượt đường xa để nghe tư vấn, những cánh tay ban đầu rụt rè chưa dám giơ cao nhưng sau đó đã mạnh dạn đặt câu hỏi mới thấy các em thiếu thông tin đến cỡ nào. Nhiều em “nước đến chân” vẫn còn hỏi thật ngây ngô: “Em có học lực trung bình, liệu em có đậu ĐH?”. Hoặc có em hỏi những câu hỏi rất thực dụng: “Chọn ngành nghề nào dễ đậu? Học ngành nghề gì ra trường dễ tìm việc làm, lương cao? Lỡ học ngành này thì có thể chuyển sang ngành học khác được không?”.
Và cũng có những em chưa biết thế nào là “kỹ năng mềm”, không phân biệt được tính chất khác nhau của các ngành nghề (phần lỗi này thuộc về một số trường ĐH cố tình tung hỏa mù khi đổi tên những ngành học cũ ế thành những tên đọc nghe thời thượng, nổ như sấm rền khiến sĩ tử hoa mắt, ù tai, đua nhau đăng ký).
Ở các quốc gia như Đức, Úc rất đẩy mạnh việc phân luồng và hướng nghiệp cho học sinh phổ thông, với kết quả khoảng phân nửa học sinh phổ thông chuyển qua học trường nghề. Trong khi đó, ở Việt Nam, chương trình hướng nghiệp bậc THPT tuy mang tính bắt buộc nhưng vẫn còn nhiều khiếm khuyết và gần như bị buông lỏng.
Nhiều học sinh than phiền rằng các thầy cô tư vấn rất bâng quơ, thậm chí còn khuyên các em nên gửi câu hỏi để nhờ các báo trả lời giúp. Do vậy, thật dễ hiểu khi bao năm qua, hướng nghiệp tại trường phổ thông “có cũng bằng không”, chỉ được hiểu đơn giản là giảng dạy những môn kỹ thuật, dạy nghề. Tuy rằng, gần đây một số trường đã chủ động đưa học sinh đến tham quan các trường ĐH để tìm hiểu quy mô, cơ sở vật chất trường, đặc điểm ngành nghề, các trường ĐH cũng rất hào hứng tham gia công tác hướng nghiệp, nhưng theo các chuyên gia giáo dục, chỉ một vài chuyến đi hay những nỗ lực cấp thời trên cũng khó mà giúp học sinh thoát khỏi việc chọn nghề theo cảm tính.
Chưa kể hướng nghiệp lại chỉ tập trung vào khu vực ĐH là chính, trách chi hầu hết học sinh tốt nghiệp phổ thông chỉ có con đường duy nhất là đuổi nhau u đầu sứt trán để giành một chỗ trong nhà trường ĐH, trong khi đó khối trường cao đẳng và trung cấp lại đìu hiu. Một hiện tượng méo mó khi nhìn về vấn đề đào tạo nguồn nhân lực quốc gia.
Đồng thời thể hiện một sự lãng phí nhân tài vật lực, khi số thí sinh rớt của các năm trước lại tiếp tục ùn ùn luyện thi chờ kỳ thi năm sau, bởi họ chỉ nhìn thấy một con đường tương lai ở đại học. Mỗi năm, cả xã hội nín thở cả ba tháng trời để vật lộn với kỳ thi ĐH.
- Xem thêm: Chọn trường nào cho con?
Các trường phổ thông vì những khó khăn chủ quan lẫn khách quan đã luôn đứng ngoài lề hướng nghiệp cho học sinh. Nếu học sinh được tư vấn hướng nghiệp từ sớm hơn, vào năm lớp 9, lớp 10, nếu giáo viên tư vấn tâm huyết hơn, cơ sở vật chất giảng dạy hướng nghiệp phải chuẩn và hiện đại hơn, nếu hướng nghiệp cho học sinh phải được xem là mục tiêu quan trọng của giáo dục toàn diện thì học sinh đã không đến nỗi rối bời mỗi khi cận kề mùa thi ĐH.
“Cấp cứu” giờ chót – liệu có hiệu quả?
TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh – một chuyên gia trong lĩnh vực tư vấn hướng nghiệp – tuyển sinh nhận định: “Các em ít có thông tin về ngành nghề mà mình sẽ chọn, và quan trọng nhất, các em chưa xác định được tương quan giữa năng khiếu, năng lực học tập của mình với ngành nghề mà các em dự tính chọn.
Nhiều em tâm sự với chúng tôi rằng các em chọn nghề dựa trên khả năng… dễ đậu, chọn nghề theo mong muốn hoặc áp đặt của cha mẹ, theo truyền thống nghề nghiệp gia đình. Hoặc có không ít em chọn nghề theo phong trào, chọn nghề nổi tiếng, dễ kiếm tiền mà không quan tâm đến nghề đó có phù hợp với mình, có gắn với nhu cầu xã hội không”.
Chính vì vậy mà qua mỗi mùa tuyển sinh, báo chí lại giật tít về tỷ lệ chọi cao vời vợi của những ngành nghề thời thượng kinh tế, tài chính, ngân hàng, y dược… Trong khi những nghề xã hội đang “khát” như chuyên viên tư vấn, môi trường; những ngành xã hội – nhân văn đang thiếu người lại rất héo hắt không được nhiều thí sinh quan tâm.
Các báo đã nỗ lực rất nhiều trong việc thiết kế những buổi tuyển sinh trực tiếp hoặc trực tuyến phong phú nhưng vẫn rơi vào lối mòn, khi một số trường – như là lẽ dĩ nhiên tất yếu – bỏ tiền ra tài trợ cho buổi tư vấn để lăng xê nhu cầu tuyển sinh, ngành nghề đào tạo của trường mình, điều kiện học tập, chính sách ưu tiên cho học sinh…
Trong khi đó, nhu cầu nguồn nhân lực theo từng ngành, nghề đào tạo theo nhu cầu xã hội của địa phương vẫn còn bỏ trống. Tức là, nếu không phải là một chuyên gia tư vấn tuyển sinh ở một ĐH có “thương hiệu” cần có mặt để tạo uy tín cho buổi tư vấn, thì một số ngành nghề và một số trường do không tham gia tài trợ đã mất “tiếng nói” quảng bá đến thí sinh. Như vậy, các thí sinh đã không được tư vấn đầy đủ thông tin về các loại ngành nghề, các loại hình trường trong hệ thống đào tạo ĐH, CĐ.
Và liệu có hiệu quả không khi tập trung cùng lúc hàng trăm học sinh để tư vấn trong khi thời lượng có hạn? Những thí sinh nghe “ké” phần trả lời của chuyên viên thì chỉ khi có cùng sự quan tâm với phần hỏi của bạn bè mình mới có thể “sáng” ra phần nào.
Cho dù hơn chục năm nay, các cơ quan thông tin đại chúng đã nỗ lực tư vấn tuyển sinh, “đưa trường học đến thí sinh” nhưng những nghiên cứu gần đây vẫn có những con số khá buồn: Đa số học sinh vẫn mê làm “thầy” hơn “thợ”, vẫn mơ bước chân vào giảng đường bất kể học lực. Có đến 80% học sinh tốt nghiệp THPT rớt ĐH.
Hơn 50% sinh viên cảm thấy sai lầm trong chọn ngành nghề phù hợp. Và một khảo sát gần đây của của dự án giáo dục ĐH được Ngân hàng Thế giới tài trợ cho kết quả: khoảng 60% sinh viên các trường ĐH nước ta phải đào tạo bổ sung, trong đó có rất nhiều trường hợp phải thay đổi ngành học do chọn nhầm nghề không phù hợp với năng lực và sở thích cá nhân.
Đã đến lúc, tư vấn hướng nghiệp phải đặt trước tuyển sinh Bởi lẽ, thị trường lao động luôn biến động với những rủi ro mất việc khi lâm vào cơn khủng hoảng kinh tế, việc định hướng một nghề không chỉ dựa trên nhu cầu xã hội, năng lực, sở thích bản thân. Những công dân trẻ cần phải được trang bị nhiều kỹ năng, thậm chí phải đa năng để thích ứng nhanh với sự thay đổi mới có thể trụ vững trong thị trường lao động thời cạnh tranh khốc liệt.