Số liệu thống kê của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM mới đây cho thấy nhu cầu nhân lực trình độ có xu hướng tăng qua các năm, cụ thể: Trình độ trung cấp và công nhân kỹ thuật lành nghề năm 2013 là 25,70%, năm 2018 trung bình 32,02%; trình độ cao đẳng là 14,05% năm 2013, năm 2018 chiếm trung bình 15,66%; trình độ đại học trở lên là 14,87% năm 2013, năm 2018 tỷ lệ trung bình 19,49%.
Những nhóm ngành nghề thuộc nhóm ngành kinh doanh – dịch vụ luôn có xu hướng tuyển dụng cao trong những năm vừa qua. Trong đó nhóm ngành nhân viên kinh doanh – bán hàng có nhu cầu tuyển dụng cao nhất (chiếm 25,55% tổng nhu cầu tuyển dụng, nhu cầu tuyển dụng năm 2013 là 23,88%, năm 2015 là 22,96% và năm 2016 là 24,19%, năm 2017 chiếm 19,74%); nhóm ngành dịch vụ – phục vụ là có nhu cầu tuyển dụng tăng cao nhất, ước tính nhu cầu tuyển dụng lao động nhóm ngành này năm 2017 chiếm 15,90%. Kế đến là các nhóm ngành công nghệ thông tin, cơ khí – điện – điện tử, tài chính, du lịch – nhà hàng – khách sạn, kinh tế, kinh doanh…
Trong chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, vùng Đông Nam bộ (trong đó có vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bao gồm tám tỉnh, thành phố: TP.HCM, Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang ) giai đoạn 2018 – 2025 tổng số nhu cầu nhân lực 640.000 chỗ làm việc/năm, phát triển các ngành công nghiệp cơ khí, dầu khí và các chế phẩm hóa dầu, hóa chất, công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin, công nghệ chế biến, công nghệ xây dựng, cầu đường, giao thông, cấp thoát nước, công nghệ vật liệu…
- Xem thêm: Những công việc mới nào sẽ xuất hiện?
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (TP. Cần Thơ và 12 tỉnh: Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang, An Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau ) giai đoạn 2018 -2025 nhu cầu nhân lực 500.000 người/năm , phát triển các ngành chế biến nông sản, thủy hải sản xuất khẩu, công nghiệp cơ khí phục vụ nông nghiệp,công nghệ sinh học, công nghệ hóa, cơ khí , tài chính, thương mại, ngân hàng, nông nghiệp, thủy sản…
Trong giai đoạn 2019 – 2025, nhu cầu nhân lực tại TP.HCM dự báo mỗi năm có khoảng 300.000 chỗ làm việc (150.000 chỗ làm việc tăng thêm). Nhu cầu nhân lực qua đào tạo chiếm bình quân 85%, trong đó nhu cầu nhân lực có sơ cấp nghề chiếm tỷ lệ 21%, trình độ trung cấp tỷ lệ 28%, trình độ cao đẳng 16%, trình độ đại học trở lên là 18%.
Trong tổng nhu cầu nhân lực đó, khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng 70%, khu vực công nghiệp – xây dựng chiếm tỷ trọng 28%, nông nghiệp chiếm tỷ trọng 2%.
Các hiệp định thương mại tự do, cộng đồng kinh tế ASEAN tạo không gian thị trường lao động trở nên sôi động hơn, lao động được tự do di chuyển, tạo nhiều cơ hội việc làm, đặc biệt lao động có kỹ năng, ngoại ngữ. Trước hết, có tám ngành nghề lao động trong các nước ASEAN được tự do di chuyển thông qua các thỏa thuận công nhận tay nghề tương đương, gồm kế toán, kiến trúc sư, nha sĩ, bác sĩ, kỹ sư, y tá, vận chuyển và nhân viên ngành du lịch.
Dòng dịch chuyển lao động có trình độ cao của các nước trong khu vực sẽ chiếm lĩnh các vị trí việc làm đòi hỏi trình độ cao đối với thị trường lao động trong nước. Đồng thời sự thiếu hụt lớn về nhân lực ngành công nghệ kỹ thuật, nhóm ngành chủ lực trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tiến trình cách mạng công nghiệp 4.0, khi tác động của khoa học công nghệ ngày càng mạnh mẽ, sẽ có nguy cơ bị thay thế bởi các quá trình tự động hóa và robot.
Dự báo những nhóm ngành nghề phát triển trong thời đại công nghiệp 4.0:
• Công nghệ thông tin (phân tích dữ liệu, kỹ thuật phần mềm, an ninh mạn…) và công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh tài chính và nhiều lĩnh vực khác.
• Công nghệ tự động hóa (cơ điện tử, điện tử, điều khiển tự động, chế tạo ô tô, chế tạo vật liệu…)
• Các ngành kỹ thuật xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng cao cấp, năng lượng, công nghệ in 3D.
• Các ngành thuộc lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ chế biến, kỹ thuật y sinh (tích hợp kỹ thuật số – vật lý – sinh học )…
• Nhóm ngành quản trị, dịch vụ quản trị tài chính – đầu tư, logictis, du lịch, dinh dưỡng…
• Nhóm ngành nghệ thuật, xã hội, nhân văn và sáng tạo (như kiến trúc, thiết kế, dịch thuật…)
Nhu cầu thị trường lao động hiện nay và những năm tới đó là nguồn nhân lực có tay nghề cao. Điều này cũng đồng nghĩa, một bộ phận nhân lực phải thất nghiệp và khó tìm được việc làm ổn định nếu chưa đủ điều kiện nghề nghiệp, kỹ năng chuyên môn và khả năng thích nghi thực tế thị trường lao động.
Người lao động nhất là thanh niên cần tích cực với nhiều cơ hội tiếp cận, tích lũy, chắt lọc cái mới, cái hay, có nhiều cơ hội để trở thành một nhân lực toàn cầu. Kết quả thành công trong thị trường lao động hiện tại và tương lai không chỉ là bằng cấp trên giấy tờ, mà là “giá trị sức lao động”, “giá trị hành nghề”, bằng cấp theo nghĩa mở rộng, trao đổi tri thức, sáng tạo, giá trị đóng góp cho xã hội.
Việc lựa chọn ngành nghề là không chạy theo số đông. Nếu chọn ngành không phù hợp sẽ khó khăn sau này vì trong tương lai các nhóm ngành đều đồng loạt phát triển. Người nào chọn đúng nghề, học tốt, có phấn đấu nâng cao năng lực sẽ có cơ hội việc làm tốt hơn.