Vào giữa tuần qua, Ủy ban Tư pháp Quốc hội đã xem xét báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng năm 2017. Thông tin và nhận định về tình hình tham nhũng phản ảnh qua phiên họp này rất khác nhau không cho thấy một triển vọng sáng sủa trong việc làm trong sạch nền hành chính quốc gia. Báo cáo của Chính phủ cho biết “dự báo tham nhũng tiếp tục có dấu hiệu giảm trong năm 2018 mặc dù nhìn chung thì năm 2017 tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng, phức tạp, tinh vi”. Các đại biểu Quốc hội lại cho rằng tham nhũng tràn lan nhưng xử lý quá ít. Năm 2017 qua kiểm tra 3.622 cơ quan, tổ chức, thanh tra các cấp đã phát hiện 22 đơn vị có vi phạm về tham nhũng và chỉ 25 người đứng đầu cơ quan bị kiểm điểm phê bình vì để tình trạng tham nhũng xảy ra ở cơ quan. Khi không xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu thì khó lòng ngăn chặn được tình trạng tham nhũng từ gốc. Phải chăng vì vậy mà có ý kiến cho rằng chống tham nhũng phải cùng lúc với tình trạng “chống lưng”. Báo cáo cho thấy thông tin về chống tham nhũng trong năm qua không phản ánh đúng tình hình thực tế. Và người dân nghĩ sao khi theo báo cáo của cơ quan Thanh tra chính phủ, các vụ án, vụ việc tham nhũng năm 2017 gây thiệt hại trên 1.351 tỉ đồng, nhưng chỉ mới thu hồi 158,8 tỉ đồng, 324 nghìn USD, kê biên bốn căn nhà, một căn hộ chung cư. Tổng cục thi hành án dân sự đã thụ lý mới 128 vụ việc thuộc nhóm tội phạm tham nhũng, tương đương với số tiền hơn 5.110 tỉ đồng, đã giải quyết xong 86 vụ việc tương đương hơn 1.000 tỉ đồng. Nếu những số liệu trên chính xác thì làm sao nói tham nhũng hiện nay được xem là quốc nạn. Hay là như một vị đại biểu Quốc hội nhận định: nhìn lại các vụ án hình sự đang điều tra thì đa phần đã xảy ra cách đây cả chục năm, vào thời kỳ nhiễu nhương của việc thành lập kinh doanh đa nghề, bùng phát của các nhóm lợi ích.
Tại phiên thẩm tra báo cáo của chính phủ, một số vị đại biểu Quốc hội đã đặt vấn đề về tính chân thật của những con số kê khai, xác minh về tài sản thu nhập của cán bộ. Người dân nghĩ thế nào khi theo báo cáo của Thanh tra, mấy triệu đảng viên mà chỉ có ba người bị xử lý về kê khai tài sản? Có tin được không khi một số cán bộ giải thích tài sản họ có được là “nhờ bán chổi, nuôi heo, đi buôn gà…”. Giải thích như vậy đúng là coi thường dư luận, coi thường luật pháp, coi thường tổ chức. Có những cán bộ lúc làm hồ sơ xin cấp đất thì trình bày là có khó khăn về chỗ ở, đến khi phát hiện tài sản lớn thì lại bảo rằng do mẹ nuôi, em nuôi tặng. Có tin được không những cách giải thích như vậy?
Chống tham nhũng cần đi vào thực chất, những báo cáo liên quan đến tình hình này cần sát thực tế, thông tin phải thuyết phục, có như vậy mới lấy được lòng tin của người dân về một chủ trương được nâng lên hàng quốc sách, nhưng những năm gần đây tình hình vẫn chưa được cải thiện bao nhiêu nếu không muốn nói là ngày càng đáng lo.
Người dân đang chờ đợi Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi mới mà Quốc hội đang xem xét với nhiều điều chỉnh hợp lý hơn trong tình hình hiện nay.
- Ngọc Anh
Xem thêm: