Một vụ kiện chống lại Đại học Harvard nhân danh các sinh viên Mỹ gốc châu Á không thể vào Harvard được xem là một trong những vụ việc cộm cán liên quan đến phân biệt chủng tộc trong nhiều thập niên qua tại Mỹ.
Kết quả vụ kiện sẽ làm thay đổi sâu sắc phương thức tuyển sinh trên khắp nước Mỹ. Còn tại Vương quốc Anh, cái gọi là “lạm phát tốt nghiệp hạng nhất” đang trở thành vấn nạn lớn. Nhiều chuyên viên giáo dục đã lên tiếng cảnh báo.
Thống kê mới nhất cho thấy có hơn ¼ sinh viên tốt nghiệp đại học với bằng hạng nhất (first-class degree) trong năm 2016, tăng mạnh so với nhiều năm trước.
Sự gia tăng “hiện tượng” của số bằng tốt ngiệp hạng nhất tại nhiều viện đại học đã dẫn đến việc chính phủ Anh phải áp dụng các biện pháp cấp bách để ngăn chặn tình trạng này.
Câu chuyện của Đại học Harvard
Phiên toà mang tính lịch sử về cáo buộc Đại học Harvard kỳ thị đã bắt đầu từ nửa cuối tháng 10. Phía khởi kiện là một tổ chức bảo vệ quyền bình đẳng của các sinh viên Mỹ gốc châu Á.
Nếu nguyên đơn thắng kiện, nhiều sinh viên gốc châu Á sẽ có cơ may vào học các đại học danh tiếng, đặc biệt là các đại học thuộc “Hội Ivy” thanh thế như Yale, Harvard.
Vụ kiện do phía bảo thủ đứng đơn, gồm những kẻ từ lâu đã tìm cách loại bỏ phương thức lấy đầu vào có lợi cho các sinh viên thiểu số Mỹ La tinh và Mỹ gốc Phi.
Mục tiêu tối hậu của họ là đảo ngược phán quyết ủng hộ phương pháp tuyển sinh này của Toà án Tối cao Mỹ (Tối cao Pháp viện) trong năm 1978.
Toà đã nêu lý do đa dạng các thành phần sinh viên trong khuôn viên đại học để bảo lưu phương thức xét tuyển này.
Với hai thẩm phán mới được Tổng thống Donald Trump bổ nhiệm, Neil Gorsuch và Brett Kavanaugh, Toà án Tối cao hiện có 5 thẩm phán theo xu hướng bảo thủ nên hoàn toàn có thể đảo ngược phán quyết năm 1978 nếu không có một thẩm phán “phản phé”.
Đơn kiện đòi loại bỏ các ưu đãi trong tuyển sinh đại học do Edward Blum, một nhà hoạt động bảo thủ nổi tiếng cầm đầu.
Ông cũng là người từng đưa ra hàng loạt tuyên bố chống lại chính sách ưu đãi, thay mặt sinh viên Abigail Fisher kiện Đại học Texas và các vụ kiện khác chống lại Luật Voting Rights Act ban hành năm 1965 về quyền bỏ phiếu.
Thẩm phán Anthony Kennedy là nhân vật đóng vai trò quyết định trong việc Toà án Tối cao duy trì phương thức tuyển sinh ưu tiên vào năm 2016 trong vụ Đại học Texas khi toà tối cao bác bỏ đơn kiện của Blum.
Nay ông đã từ nhiệm và được Kavanaugh thế chỗ, còn thẩm phán Gorsuch thế chỗ của bà Antonin Scalia trước đó.
Bà cũng chống lại chính sách ưu đãi tuyển sinh và thường chỉ trích cách tuyển sinh “ưu tiên đa đang hoá, sau mới đến năng lực” của Đại học Texas. Nhưng bà đã chết trước khi vụ kiện kết thúc.
Blum thành lập tổ chức công dân The Students for Fair Admissions (SFA) khi ông bắt đầu kiện Đại học Harvard vào tháng 11.2014, tố cáo đại học phạm luật khi cố đa dạng hoá thành phần sinh viên đầu vào bằng việc ưu đãi cho các sinh viên da đen, Mỹ La tinh nhưng lại lấy mất cơ hội của nhiều sinh viên Mỹ gốc châu Á.
Nhiều sinh viên Mỹ gốc châu Á than phiền là họ phải đạt chuẩn cao hơn các ứng viên được ưu đãi khác khi xin vào các đại học danh giá.
Những người ủng hộ đơn kiện của Blum muốn loại bỏ tất cả những ưu tiên xét tuyển và trả lại sự công bằng cho tất cả các thành phần dự tuyển, dựa vào thành tích học tập hơn là chủng tộc.
Số khác đứng về phía Đại học Harvard khi cho rằng cần ủng hộ đa dạng hoá chủng tộc tại đại học. Quỹ Giáo dục và Bảo vệ pháp lý (NAACP LDEF) phản kiện nhân danh 25 hội sinh viên Harvard của những người da đen, Mỹ La tinh, da đỏ, Mỹ gốc châu Á và da trắng.
LDEF tố cáo vụ kiện của Blum là “một cố gắng nữa để gieo mầm mống phân chia xã hội” đồng thời nhắc lại việc Toà án Tối cao đã ủng hộ hai lần vụ “Regents of the University of California chống Bakke” năm 1978 dù mỗi lần chỉ hơn có một phiếu (của Kennedy và bà Sandra Day O’Connor, đã hồi hưu năm 2006).
Phản biện từ Đại học Harvard
Chính phủ Trump đang có cuộc điều tra riêng về các phương thức tuyển sinh ưu đãi chủng tộc tại Đại học Harvard thông qua hai Bộ Tư pháp và Bộ Giáo dục sau khi có lời than phiền từ hơn 60 tổ chức Mỹ gốc châu Á hậu thuẫn tổ chức Students for Fair Admissions của Blum.
Vì đây là vụ kiện đầu tiên loại này nên cả hai phía ủng hộ và chống đã thu thập những chứng cứ thống kê cần thiết và cả nhân chứng mà thường rất mâu thuẫn nhau.
Tất cả sẽ được trình bày trước thẩm phán toà án khu vực Allison Burroughs trước khi đưa lên Toà án Tối cao.
“Mỗi bên phải chứng minh được là người châu Á không bị phân biệt hoặc bị phân biệt ở đầu vào và đưa ra được những tài liệu cho thấy lập luận của mình là đúng” – ba Burroughs nói khi được hỏi về quyết định bác đề nghị của cả hai phía muốn được trình bày riêng lý lẽ của mình trước phiên toà.
Vụ kiện này được xử theo điều khoản Title VI của Luật Quyền công dân (Civil Rights Act) ban hành năm 1964, trong đó “ngăn cấm phân biệt đối xử dựa vào chủng tộc tại các cơ sở tư nhân có nhận kinh phí của liên bang”.
Burroughs được Tổng thống Barack Obama bổ nhiệm vào cương vị hiện nay từ năm 2014 cho biết bà nghĩ phiên toà sẽ kéo dài trong 3 tuần.
Bà chính là người đã ngăn chặn thực thi luật du lịch vào Mỹ của Tổng thống Donald Trump một thời gian trước khi toà tối cao ủng hộ luật này.
Ngày đầu tiên của phiên toà, cả hai phía sẽ được dành cho một số phút phát biểu ý kiến. Sau đó, Burroughs mới quyết định bước đi tiếp. Phải mất nhiều tháng trước khi toà tối cao đưa ra phán quyết cuối cùng.
Về phần mình, Đại học Harvard luôn phủ nhận đã dùng “phương thức cân bằng chủng tộc” khi tuyển đầu vào hoặc giới hạn số sinh viên Mỹ gốc châu Á.
Harvard cũng bảo vệ chính sách lâu đời của nó về “đa dạng chủng tộc trong mục tiêu phổ cập giáo dục đến mọi thành phần kèm theo đánh giá cá nhân thí sinh một cách toàn diện dựa vào cả thành tích học tập, hoạt động vì cộng đồng, tài năng, phẩm hạnh, bối cảnh kinh tế xã hội và chủng tộc”.
Ở khoá tốt nghiệp năm 2019, mỗi ngành học cấp đại học của Harvard có hơn 37.000 ứng viên nhưng chỉ nhận bình quân 2.003 người. Còn ở khoá tốt nghiệp năm 2022 mới tuyển, 42.749 sinh viên tranh 1.962 chỗ.
Nhiều đại học ở Mỹ cũng có quy chế tuyển sinh như Harvard, tức không chỉ quan tâm đến thành tích học tập mà còn những yếu tố khác.
Hồ sơ sinh viên nộp không chỉ có kết quả học tập mà còn những yếu tố khác như đã nói ở trên, kể các bối cảnh xuất thân và thành tích thể thao.
Một chuyên viên thống kê của Students for Fair Admissions nêu rõ: “Những số liệu sơ khởi cho thấy dù sinh viên châu Á có thành tích học tập cao và nhiều đóng góp cho cộng đồng hơn các chủng tộc khác nhưng họ lại nhận được điểm thấp về ‘tính cách cá nhân’, ví dụ như khả năng hoà đồng. Và chính điểm thấp về tính cách đã lấy đi nhiều cơ hội vào đại học của sinh viên Mỹ gốc châu Á”.
Các luật sư của Đại học Harvard khẳng định đơn kiện của Students for Fair Admissions “không phản ánh đúng thực tế và bỏ qua một số yếu tố quan trọng mà Harvard áp dụng trong tuyển sinh”.
Đại học Harvard cũng lưu ý là tỉ lệ sinh viên Mỹ gốc châu Á đã tăng ấn tượng trong thập niên qua, hiện chiếm gần 23% sinh viên trúng tuyển trong khi sinh viên Mỹ gốc Phi chỉ đạt 15%, Mỹ La tinh đạt 12% và sinh viên da trắng 50%.
Lạm phát hạng nhất, vấn nạn của giáo dục đại học Anh
Một nghiên cứu mới nhất cho thấy hạng nhất đang bị lạm dụng. Điều đó có nghĩa là số sinh viên ra trường với loại bằng này ngày một đông hơn, trong khi trình độ nhiều sinh viên không tương xứng với mảnh bằng họ được trao.
Nhiều viện đại học đã dùng chiêu bài “tốt nghiệp hạng nhất” để quảng bá cho đại học mình, bôi trơn kết quả học tập, làm giả chất lượng giáo dục, không đúng với thực tế mà mục đích là câu sinh viên vào học.
“Khi tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp đại học với thứ hạng nhất cao như hiện nay, chúng ta không nên xem đây là ưu thế của giáo dục đại học Anh mà nên xem đây là chỉ dẫn cho thấy giá trị của hạng nhất đang giảm và ngày càng có nhiều sinh viên không xứng đáng vẫn nhận được nó – Bộ trưởng Đại học Sam Gyimah nhận định – Thực tế cho thấy giá trị của mảnh bằng đại học đã bị kéo giảm xuống trong cuộc chạy đua cấp bằng tốt nghiệp hạng nhất cho sinh viên.
‘Lạm phát hạng nhất’ đã đe doạ chất lượng giảng dậy, nói dối về năng lực của sinh viên, có hại cho cả người sử dụng lao động sau này và bản thân đại học khi tung ra thị trường nghề nghiệp những sinh viên đạt hạng nhất nhưng trình độ còn thua sinh viên tốt nghiệp thứ hạng thấp hơn”.
Cá biệt, năm 2016, Đại học Surrey có số sinh viên tốt nghiệp hạng nhất lên đến 41%, gấp đôi so với cách nay 6 năm. Đại học East Anglia bám sau với 37%. Giáo sư giáo dục Alan Smithers gọi đây là căn bệnh “thành tích kinh niên về bằng cấp”.
Năm 2016, nhóm các đại học chiếu trên “Russell Group” có hơn ¼ sinh viên nhận bằng hạng nhất. Theo khảo sát của hãng thông tấn AP dựa vào số liệu từ 2015-16 do cơ quan thống kê giáo dục đại học (HESA) cung cấp, số sinh viên tốt nghiệp hạng nhất vẫn thấp hơn hạng 2:1 nhưng đông hơn hạng 2:2, 24% so với 51% và 21%.
Trong khi đó, năm 1994 chỉ có 7% sinh viên tốt nghiệp hạng nhất! Trong số 148 viện đại học được khảo sát, chỉ có một số rất nhỏ có tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp hạng nhất thấp hơn 5 năm trước.
Các sở giáo dục nghệ thuật thường có tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp hạng nhất cao, mà dẫn đầu là Royal Academy of Music với 64%. Giáo sư Smithers thuộc Đại học Buckingham nhận định: “Khác với kỳ thi quốc gia như GCSEs, các đại học thoải mái hơn trong việc đặt ra hệ thống xếp hạng tốt nghiệp.
Kết quả, nhiều sinh viên thích chọn các đại học có nhiều sinh viên tốt nghiệp hạng nhất để theo học với hy vọng cũng sẽ có một mảnh bằng như thế.
Và khi đại học nào cũng tham gia cuộc chạy đua tốt nghiệp hạng nhất, sẽ không có đại học nào muốn bị bỏ lại phía sau”.
Số liệu vừa công bố của HESA cho thấy có đến 26% sinh viên tốt nghiệp với bằng hạng nhất trong năm 2016, tăng mạnh so với 18% của học khoá 2012-13. Sự gia tăng có tính “hiện tượng” và đã diễn ra từ nhiều năm nay.
Đầu thập niên 1990 chỉ có khoảng 8% sinh viên lấy được bằng hạng nhất. Đại học nào cũng có cơ chế xếp hạng sinh viên tốt nghiệp riêng nên mới xảy ra tình trạng lạm phát bằng hạng nhất này.
Hệ thống xếp hạng chung TEF
Nay, để bảo vệ danh tiếng giáo dục đại học chính phủ quyết định vào cuộc với hệ thống xếp hạng tốt nghiệp chung có tên Teaching Excellence and Student Outcomes Framework (TEF) để loại bỏ tình trạng sinh viên không đạt chuẩn hạng nhất vẫn tốt nghiệp hạng này.
Bắt đầu áp dụng từ năm 2017, TEF xếp hạng các viện đại học thành 3 nhóm: vàng, bạc và đồng dựa vào nhiều yếu tố như chất lượng giảng dạy và những gì mang lại cho sinh viên trong quá trình học tập.
Một hội đồng chuyên viên sẽ xem xét thực tế cuả từng viện đại học một để ấn định tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp hạng nhất được phép tăng thêm so với chuẩn chung.
Hội đồng cũng quyết định tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp hạng 2:1. Một phát ngôn viên của tổ chức Các viện đại học Anh (Universities UK), đại diện cho các cơ sở giáo dục đại học, cũng cho biết sẽ dự thảo những biện pháp riêng để ngăn chặn tình trạng lạm phát bằng hạng nhất.
“Giá trị của giáo dục Anh phải được phục hồi, ở đây là bằng cấp. Làm thế là vừa bảo vệ sinh viên tốt nghiệp, bảo vệ những công ty sử dụng họ và cả uy tín của giáo dục Anh dưới mắt người nước ngoài.
Lạm phát bằng tốt nghiệp hạng nhất là kéo giá trị đại học xuống – ông nói – Đáng buồn là vẫn có nhiều đại học áp dụng hệ thống xếp hạng tuỳ tiện khi không có sự giám sát của chính phủ với mục tiêu là đẩy tỉ lệ tốt nghiệp hạng A lên cao để tăng uy tính”.
Nick Hillman, giám đốc Viện Chính sách Giáo dục đại học (HEPI)) bổ sung: “Những hệ thống xếp hạng như vậy đều cần đặt dấu hỏi về tính đúng đắn của nó”.
Hiện nay các đại học Anh không chỉ tranh giành sinh viên mà còn tăng học phí lên đến 9.250 bảng Anh, vì vậy lạm phát bằng hạng nhất là một trong những cách thu hút sinh viên theo học, nhất là khi có nhiều công ty thích tuyển sinh viên có loại bằng này.
Tuy nhiên, phát ngôn viên này tin rằng cũng có một số lý do biện minh cho tỉ lệ tốt nghiệp hạng nhất cao. Ví dụ đầu tư nhiều hơn cho giáo dục, chất lượng giảng dạy tăng và tăng hàm lượng công nghệ trong giảng dậy đại học.
Một số sinh viên cho rằng học phí đại học tăng lên hơn 9.000 bảng/năm cũng buộc họ phải học tập chăm chỉ hơn để lấy bằng cao cho xứng với chi phí bỏ ra.
Sophie Wilson, tốt nghiệp năm ngoái với mảnh bằng hạng nhất khoa Văn chương Anh tại Sheffield University cho biết cô phải học từ 9g sáng đến 8g tối ngay cả khi bị rơi vào trầm cảm.
“Vì vậy tôi không tin là các trường đã làm giảm giá trị bằng cấp mà là do chính nỗ lực của sinh viên trong tình hình tốn quá nhiều tiền cho đại học như hiện nay.
Họ không muốn ngồi lâu trên ghế nhà trường hay tốt nghiệp với mảnh bằng thấp” – cô nói. Một nghiên cứu năm 2014 của Lancaster University cũng cho thấy chính những cải tiến trong chất lượng giáo dục và tăng chất lượng đầu vào đại học đã góp phần làm tăng tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp hạng nhất.
Các viện đại học top đầu đã tăng được tỉ lệ tốt nghiệp hạng nhất thêm 8% kể từ 2005 là nhờ vào tăng chất lượng đầu vào.
Sau đây là tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp hạng nhất của các viện đại học chính trong năm 2016: Imperial College London 41,8%; University of Surrey 41,2%; University College London 35,6%; University of Dundee 34,8%; University of East Anglia 34%; University of Oxford 33,2%; King’s College London 31,9%; University of Cambridge 31,7%; University of Bath 30,8%; University of Salford 30,4%