Nhiều người xem việc đến bệnh viện là chuyện chẳng đặng đừng, dù đang có vấn đề về sức khỏe. Khi đau bệnh, không ít người thường tự mua thuốc uống hoặc liệt kê triệu chứng để nhân viên nhà thuốc – những người hoàn toàn không có khả năng khám bệnh – chẩn đoán bệnh. Một số khác thì “uống đại” theo toa thuốc cũ, dù bệnh lần này có giống lần trước hay không và tình trạng cơ thể lúc này khác lúc trước nhiều không. Nhiều bạn trẻ lại nhờ “bác sĩ Google” bắt bệnh rồi tự kê đơn cho mình.
Trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh cũng có những trường hợp tự chỉ định. Một số người có thói quen vài tháng lại đi siêu âm một lần. Không thể phủ nhận rằng xã hội hóa y tế đã giúp người dân tiếp cận được với những thành tựu y học hiện đại, nhưng cũng có mặt trái là dễ đưa đến tình trạng lạm dụng hay sử dụng sai các kỹ thuật trong y khoa.
Tự nhận định thành ra “râu ông này cắm cằm bà kia”
Một bệnh nhân tên Tiến ở Hậu Giang nhận thấy gần đây mình ăn không tiêu, thay vì đến bác sĩ khám, anh ta chỉ đi siêu âm để kiểm tra. Kết quả siêu âm không có gì bất thường giúp anh yên tâm thở phào. Tuy nhiên, sáu tháng sau, anh buộc phải vào bệnh viện khám bệnh vì bị sụt cân liên tục. Tại bệnh viện, bác sĩ chỉ định chụp CT và phát hiện khối u đuôi tụy đã lớn đến mức không thể mổ được. Bác sĩ giải thích rằng siêu âm thường không thể phát hiện các u ở đuôi tụy. Nếu ngay từ đầu, anh được khám cẩn thận, kiểm tra các dấu hiệu ung thư và đi làm CT ngay thì có thể phát hiện khối u ngay khi còn có thể mổ được.
Trường hợp bệnh nhân tên Hoài ngụở quận 7 thì ngược lại. Chị bị đau bụng âm ỉ nhiều ngày nên đã quyết định đi chụp CT toàn thân nhưng kết quả không phát hiện ra gì lạ. Sáu tháng sau, chị phải vào cấp cứu vì tắc ruột do u đại tràng. Bệnh nhân này không biết rằng CT chỉ có thể thấy u đại tràng khi bệnh ở giai đoạn muộn. Trong giai đoạn sớm, nếu đi khám tiêu hóa và được xác định triệu chứng liên quan đến đường ruột, nội soi đại tràng sẽ phát hiện tổn thương sớm hơn và tránh được cuộc mổ cấp cứu.
Xin lưu ý rằng không có phương pháp y khoa nào có thể phát hiện ra tất cả các bệnh. Mỗi loại bệnh đều cần một phương pháp tiếp cận riêng. Khi chẩn đoán hình ảnh cho kết quả “bình thường” hoặc “không bất thường” thì không có nghĩa là không mắc bệnh gì. Không ít bệnh nhân khi nghe nói kết quả siêu âm hay CT bình thường thì cho rằng bác sĩ xác định mình không có bệnh nên bỏ qua những xét nghiệm cần thiết khác. Điều này rất nguy hiểm vì nguy cơ phát sinh bệnh đang tiềm tàng.
Nên chủ động lập hồ sơ bệnh án
Hầu hết người Việt Nam đều không có một hồ sơ bệnh án hoàn chỉnh. Nguyên nhân là do chúng ta thường phó mặc việc quản lý hồ sơ sức khỏe của mình cho bác sĩ. Khổ nỗi, chúng ta lại thay đổi bác sĩ thường xuyên, không có bác sĩ giúp gia đình chuyên theo dõi về sức khỏe nhưở các nước phát triển. Bên cạnh đó, việc giao tiếp, liên lạc giữa các cơ sở y tế còn nhiều hạn chế. Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi hầu hết chúng ta không tự đòi hỏi mình phải có một bộ hồ sơ y tế hoàn chỉnh. Chính việc không có hồ sơ hoàn chỉnh trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh là một vấn đề lớn.
Một bệnh nhân tên Thảo ở Đà Lạt đi siêu âm, phát hiện có một khối u to khoảng hai phân. Cả bác sĩ lẫn bệnh nhân đều rất lo lắng. Rất nhiều xét nghiệm máu được chỉ định, rồi bệnh nhân phải làm thêm CT, MRI, rồi lại được đề nghị sinh thiết… Trong trường hợp bác sĩ chẩn đoán hình ảnh có cơ hội xem lại những hình ảnh siêu âm được làm trước đó hai năm hay lâu hơn nữa thì có thể biết khối u đã có từ lâu và không thay đổi, từ đó có thể khẳng định diễn tiến lành tính của khối u mà không cần phải lo lắng quá mức.
Trong một tình huống tích cực hơn, bác Toàn ở quận 6 bị viêm gan mãn, thường xuyên phải kiểm tra siêu âm mỗi sáu tháng. Lần kiểm tra cuối cùng thấy có khối u gan, trong khi các lần siêu âm trước đây hoàn toàn không ghi nhận khối u này. Việc ghi nhận một tổn thương mới và đánh giá tốc độ phát triển của nó đưa đến những gợi ý chính xác về bản chất khối u.
Như vậy, một vấn đề quan trọng chúng ta cần lưu ý là nếu đi làm một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh thì nhất thiết phải lưu lại các hình ảnh đó và kết quả kèm theo. Hiện nay, hầu hết kết quả chẩn đoán hình ảnh đều có thể lưu trữ trong ổ USB hay chép ra đĩa CD để tiện bề tra cứu khi cần.
Người Việt chúng ta còn thường suy nghĩ cứ thứ gì càng đắt tiền thì càng tốt, phương pháp nào càng đắt tiền thì càng chính xác. Điều đó hoàn toàn không đúng trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh. Mỗi phương pháp chẩn đoán hình ảnh đều dựa trên một nguyên tắc chung là ghi nhận đáp ứng của cơ thể đối với các hạt, các tia vật lý. Mỗi loại mô có cách đáp ứng khác nhau với các tia khác nhau. Vì thế, có thể có những khối u không thấy trên siêu âm nhưng lại thấy rất rõ trên CT. Ngược lại, cũng có những khối u thấy rất rõ trên siêu âm nhưng lại không thấy bằng MRI. Bác sĩ chẩn đoán hình ảnh đôi khi cần kết hợp thông tin từ nhiều kỹ thuật khác nhau để xác định bản chất tổn thương. Vì thế, không có gì đáng ngạc nhiên nếu thấy có sự khác nhau giữa các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh. Tốt hơn hết, chúng ta đừng tự chỉ định cho mình mà nên tham khảo ý kiến của các nhà chuyên môn hay tư vấn của bác sĩ chuyên khoa – những người đã dành nhiều thời gian để học tập, nghiên cứu và vận dụng kinh nghiệm trong lĩnh vực khám chữa bệnh của họ.
- TS-BS Võ Xuân Quang – Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin