“Chúng ta có đâu đó 1 triệu thói quen. Phân nửa số này có lẽ không phải là thói quen tốt và bạn cần hiểu được thói quen nào đang cản trở, khiến bạn không thể đạt được những mục tiêu quan trọng”, chuyên gia tư vấn Robert B. O’Connor, tác giả quyển Gumptionade: The Booster for Your Self-Improvement Plan (Dám nghĩ dám làm: Hành động để tự hoàn thiện bản thân) cho biết. Sau đây là bảy thói quen mà bạn nên lưu ý và sớm từ bỏ:
Cố gắng vì những mục tiêu sai lệch
Các thước đo thành công theo quan niệm truyền thống thông thường là chức vị cao hơn, nhiều tiền hơn và những cái bẫy khác. Đây là một cách đặt trọng tâm sai lệch. Thay vì tìm cách để thành công hơn, cần cố gắng trở nên xuất sắc hơn trong những việc mình đang làm.
- Xem thêm: Tích lũy kinh nghiệm để thăng tiến
Thành công liên quan nhiều đến may mắn và quan điểm của người khác, cả hai điều đó đều nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn. Nếu chú tâm vào sự tự hoàn thiện nghĩa là bạn đang tập trung vào điều gì đó trong tầm kiểm soát. Làm tốt hơn những gì bạn đang làm, nhìn ra những việc cần nên cải thiện và lên kế hoạch giải quyết vấn đề.
Nói “đồng ý” với tất cả mọi chuyện
Nhiều người trong chúng ta mắc chứng “sợ bỏ lỡ” và thế là vội vàng nói “đồng ý” với mọi cơ hội. Nhưng bạn không bao giờ biết rằng chúng sẽ dẫn bạn đến đâu. Sau cùng thì nhiều người đi đến chỗ “có quá nhiều cơ hội” và chuyện chấp nhận mọi cơ hội sẽ dẫn đến hệ lụy là “thành quả bị thu nhỏ lại”.
Thay vì chấp nhận tất cả cơ hội, hãy dành chút thời gian để nghĩ về những cơ hội thực sự đưa bạn tiến gần hơn đến mục tiêu. Và hãy nói “không” với những cơ hội còn lại – dù vẫn nên để cửa rộng mở.
Bỏ phế cơ thể của bạn
Khi bạn quá bận hoặc phải tập trung vào các mục tiêu đề ra, những việc chăm sóc bản thân như ngủ, nghỉ ngơi, ăn uống đủ dinh dưỡng và tập thể dục thường bị bỏ phế. Nếu thế, đây có thể là điều khiến bạn sẽ phải nuối tiếc.
Một khi hủy hoại những thói quen giúp bạn giữ được sự sáng tạo và đạt năng suất cao, bạn sẽ gặp khó khăn nếu muốn hoàn thành tốt công việc. Hãy lên kế hoạch cho những bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng, sắp xếp lịch tập thể dục trong ngày và ngủ đủ để giữ cho cơ thể và tâm trí của bạn trong tình trạng tốt nhất.
Làm “người máy”
Tal Ben-Shahar, giảng viên về tâm lý tích cực và tâm lý lãnh đạo của Đại học Harvard cho rằng phớt lờ nhu cầu được nghỉ ngơi sẽ bào mòn khả năng làm tốt công việc của bạn, vì vậy mọi người nên vạch ra thời gian nghỉ ngơi trong ngày làm việc và cũng nên có thời gian phục hồi khi ở nhà. Lúc nào cũng “để cho máy chạy” sẽ không giúp ích gì cho cả cá nhân và tổ chức. Chúng ta cần nạp lại “bình điện tâm lý”.
- Xem thêm: Đứng trên thang, ngại leo xuống
Sức sáng tạo và năng suất sẽ đi xuống nếu không có thời gian phục hồi. Công thức của Ben-Shahar là: Thư giãn 15 phút sau một đến hai giờ đồng hồ, nghỉ ngơi ít nhất một ngày trong tuần và có một kỳ nghỉ thật sự sau mỗi sáu tháng đến một năm. Bạn cũng nên thường xuyên cử động. Hãy đứng dậy sau 20-30 phút và di chuyển vài bước – như thế sẽ tốt hơn cho sức khỏe, tư duy và tâm trạng của bạn.
Lẫn lộn giữa thông minh cảm xúc với “dễ thương”
Liên tục khoan nhượng trước cách hành xử tệ hại của người khác không phải là thông minh cảm xúc (là khả năng nhận biết và quản lý cảm xúc của chính mình, cũng như nắm bắt chính xác cảm xúc của người khác và có phản ứng một cách thích đáng). Người thông minh cảm xúc biết cách xác định các giới hạn trong khi vẫn giữ được sự bình tĩnh.
Để cho những cú va chạm làm trật bánh xe
Nếu muốn đạt được điều gì đó đáng giá, hẳn nhiên bạn sẽ gặp một vài trở ngại trên đường. Quá nhiều người bỏ cuộc khi đối mặt với những thách thức. Vậy nên, hãy xem những thách thức này là một phần của trải nghiệm mà chúng ta cần có và tìm xem có thể học được gì từ đây.
“Những nốt thăng và trầm đều có ý nghĩa, cứ bước tiếp mà đừng quá căng thẳng và ngần ngại”, Lynette Renda – nhà sáng lập kênh podcast “Motivate Me! with Lynette Renda” chia sẻ.
Tự bào chữa, thoái thác để không theo đuổi ước mơ
Lynette Renda là một giáo viên khi ý tưởng tạo lập một podcast (kênh nội dung âm thanh và video) đến với cô. Renda quyết định đến tất cả 50 bang của nước Mỹ để phỏng vấn mọi người về niềm đam mê của họ.
- Xem thêm: Xin lỗi nhân viên cũng cần có nghệ thuật
Nghĩ về điều mà bạn thực sự muốn làm và tìm cách thúc đẩy nó không phải là việc dễ dàng. Nhưng, theo Renda, “những lý giải mà chúng ta đưa ra để tự bào chữa thường không thật”. Mọi hành động của chúng ta đều khởi nguồn từ tình yêu hoặc nỗi sợ hãi. Vậy, bạn phải quyết định – tình yêu hay nỗi sợ sẽ dẫn dắt bạn.