Cách suy nghĩ sẽ ảnh hưởng đến cảm xúc và cách hành xử của chúng ta. Chỉ cần một thói quen tiêu cực về mặt tinh thần cũng có thể cản trở chúng ta đạt được những mục tiêu trong cuộc sống.
Nếu tống khứ được những thói quen xấu, tác động tiêu cực đến tinh thần, chúng ta sẽ làm việc thông minh hơn, chứ không phải là vất vả hơn. Khi từ bỏ được những thói quen không lành mạnh, chuyên “đánh cắp” thời gian và sức mạnh tinh thần của chúng ta thì các thói quen tốt cũng sẽ trở nên hiệu quả hơn.
1. Tạo ra những thử nghiệm có thể thách thức niềm tin tự giới hạn bản thân
Mọi người đều có những niềm tin tự giới hạn bản thân họ, lúc này hoặc lúc khác. Có thể họ cho rằng mình không đủ giỏi để được thăng tiến. Hoặc có lẽ họ tin rằng không ai thích họ nếu thực sự biết rõ về họ.
Những niềm tin tự giới hạn này sẽ trở thành lời tiên tri, trừ phi bạn thách thức chúng. Và nên nhớ rằng, niềm tin không nhất thiết trở thành sự thật. Hãy sẵn sàng chứng minh rằng mình đã sai. Khi bạn nhìn cuộc đời như một loạt những thử nghiệm hành vi, bạn cũng có thể thử nghiệm những giả định tiêu cực về bản thân mình.
2. Thay thế “ngôn ngữ của nạn nhân” bằng ngôn ngữ khẳng định tiếp thêm sức mạnh cho bạn
“Bạn tôi khiến tôi phải tiêu tiền nhiều hơn tôi muốn” hoặc “Sếp làm tôi cảm thấy rất tệ về bản thân” là những câu nói khiến chúng ta trở thành nạn nhân của hoàn cảnh. Hãy dừng ngay hành động coi rẻ sức mạnh của bản thân. Nên nhớ rằng người duy nhất kiểm soát được suy nghĩ, cảm xúc và hành xử của bạn là chính bạn.
- Xem thêm: Cuộc sống của tôi đã trở nên tốt đẹp hơn sau khi tôi ngừng lo lắng về 4 điều vặt vãnh ở chỗ làm
Khi nhận ra rằng mình đang trách cứ người khác, trách cứ hoàn cảnh, hãy dừng ngay việc này. Thay vào đó bằng loại ngôn ngữ có thể giúp bạn ngồi trở lại vào vị trí cầm lái cho cuộc đời mình.
3. Từ bi với bản thân
Tự dằn vặt bản thân sau một lỗi lầm nào đó sẽ không thể giúp ta làm tốt hơn lần sau. Thật ra, nó còn làm chúng ta xuống tinh thần và tiếp tục gây hại đến kết quả. Nếu muốn có kết quả tốt hơn, hãy thực hành sự trắc ẩn, lòng từ bi đối với bản thân. Trò chuyện với chính mình như trò chuyện với một người bạn đáng tin. Hãy trung thực, nhưng không tự chỉ trích một cách thái quá.
Thay vì tự coi mình là một kẻ ngốc, nên tự nhắc mình rằng ai cũng có thể phạm sai lầm và cam kết học từ sai lầm để có thể làm tốt hơn lần tới.
4. Hành xử giống như “người mà bạn muốn trở thành”
Nếu bạn muốn trở thành một người làm việc hiệu quả hoặc một người mạnh mẽ về mặt tinh thần, hãy tự hỏi “Người đó trông như thế nào?”. Kế đến, hãy hành xử giống như “người mà bạn muốn trở thành”. Điều này không có nghĩa là hành động giả tạo và giả vờ trở thành một ai đó mà hãy trở thành “phiên bản tốt nhất của chính mình” bằng cách thay đổi cách hành xử.
5. Thực hành “sống trong hiện tại”
Nếu muốn cải thiện bản thân mình, hãy chú ý đến những gì đang diễn ra xung quanh mình trong thời khắc hiện tại. Chánh niệm cần sự thực hành và nỗ lực thường xuyên. Nhưng qua thời gian, người thực hành sẽ trở nên hoàn toàn ý thức về hiện tại. Các cuộc nghiên cứu cho thấy rằng chánh niệm có thể giúp cải thiện sức khỏe, cải thiện quan hệ và nâng cao sức mạnh tinh thần.
Nhận thức những thói quen tiêu cực là bước đầu tiên giúp tạo ra thay đổi tích cực. Từ bỏ thói quen tiêu cực là bước khởi động để xây dựng sức mạnh tinh thần, sẵn sàng đạt được những mục tiêu trong cuộc đời.