Những nhà hoạch định chính sách Trung Quốc không còn quá một tuần để đưa ra quyết định về việc tung ra một gói kích cầu kinh tế mới. Nếu họ không làm được việc ấy thì các nhà lãnh đạo mới của đảng Cộng sản sẽ phải đối mặt với những thách thức cả trong và ngoài nước lẫn khi tốc độ tăng trưởng tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới lần đầu tiên không đạt được chỉ tiêu kế hoạch trong gần bốn năm qua. Theo kết quả khảo sát mới nhất của Ngân hàng HSBC, tình hình sản xuất tại nước này hiện đang ở mức thấp nhất suốt chín tháng qua. Số liệu thấp về hoạt động công nghiệp và thương mại trong tháng 8 cho thấy khả năng tốc độ tăng trưởng kinh tế quý III sẽ xuống thấp hơn chỉ tiêu mà Chính phủ đặt ra là 7,5% và điều đó sẽ ảnh hưởng đến con số GDP sẽ được công bố vào dịp cuối năm, cùng thời điểm chuyển giao quyền lực cấp cao, vốn chỉ diễn ra một lần trong mỗi thập niên. Xem ra, lựa chọn duy nhất để tạo ra một sự nhích lên về tăng trưởng trong khoảng thời gian ngắn đối với Bắc Kinh chính là đẩy mạnh chi tiêu cho khu vực cơ sở hạ tầng. Thế nhưng, tung ra gói kích cầu mới có thể gây tổn hại trầm trọng đến kế hoạch phát triển tổng thể của Trung Quốc, mà bài học nhãn tiền là gói kích cầu trị giá 4.000 tỉ nhân dân tệ (tương đương 635 tỉ USD) hồi năm 2008 từng dẫn đến hàng loạt món nợ xấu tại các địa phương. Mặt khác, nhiều dự án đầu tư tài sản dài hạn tại khắp các tỉnh thành mà trị giá lên đến 50% GDP của nước này đang nằm trong danh sách những nguồn lực kinh tế không hiệu quả. Chưa hết, một yếu tố khác đang kéo nền kinh tế thiên về xuất khẩu của Trung Quốc đi xuống và không thể kết thúc quý III một cách tích cực là châu Âu đang kiệt sức với gánh nợ lớn. Vì những lý do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi mức tăng trưởng GDP cả năm của Trung Quốc sẽ chỉ đạt 8%, thấp nhất trong suốt 13 năm qua.
Một cơ sở sản xuất của Trung Quốc
Tuy nhiên, như nhiều lần từng xảy ra trong quá khứ, sự kiện thay đổi lãnh đạo tại Trung Quốc nhất thiết phải diễn ra trong bối cảnh đất nước thịnh vượng và ổn định chính trị để nhấn mạnh vai trò của đảng Cộng sản trong hệ thống kinh tế – xã hội đất nước. Do đó, yếu tố chính trị trở nên quan trọng hơn bao giờ hết trong các quyết định chính sách kinh tế vào thời điểm này. Vừa qua, nhân chuyến viếng thăm một xí nghiệp hàng xuất khẩu tại Quảng Đông, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã đưa ra những cam kết đề ra những chính sách mới để cải thiện niềm tin của các doanh nghiệp, trong đó có việc cắt giảm lãi suất, chấp thuận cho Ngân hàng Trung ương chi thêm 1.200 tỉ nhân dân tệ để cho các doanh nghiệp vay, giảm thuế cho các doanh nghiệp nhỏ… Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, với tính chất “bạo phát bạo tàn”, có khả năng bóng ma lạm phát sẽ trở lại đe dọa và trở thành sự nhức nhối của Trung Quốc trong năm 2013.
B. Trịnh theo Reuters