Khi doanh nghiệp phát triển lớn mạnh, các chủ doanh nghiệp nhỏ thường không muốn tự mình làm hết mọi việc. Đây là thời điểm mà họ muốn tìm những nhân viên có năng lực và phẩm chất phù hợp để giao phó những công việc quản lý cấp cao. Làm thế nào để “chọn mặt gửi vàng”? Dưới đây là lời khuyên của các chuyên gia.
Vì nhiều lý do, các chủ doanh nghiệp thường có khuynh hướng tìm kiếm một thế hệ các nhà lãnh đạo doanh nghiệp mới ngay trong nội bộ công ty. Tuy nhiên, không phải nhân viên nào có thâm niên làm việc cao cũng có thể trở thành một ứng viên sáng giá cho các vị trí lãnh đạo.
Trên thực tế, có không ít nhân viên có tiềm năng rất tốt để trở thành một nhà quản lý cấp cao nhưng bản thân họ lại đang rất hài lòng với vị trí hiện tại của mình và không muốn nhận thêm trách nhiệm và thử thách mới. Lý do đơn giản là họ không có nhiều tham vọng để bước lên những vị trí cao hơn. Một số nhân viên khác thật sự không đủ năng lực để trở thành một nhà quản lý cấp cao nhưng lại quá tự tin vào điều ấy.
Theo các chuyên gia quản trị nhân sự, những nhân viên phù hợp cho các vị trí lãnh đạo doanh nghiệp trong tương lai cần phải hội đủ những tố chất sau đây.
- Hiểu biết công việc kinh doanh. Những nhân viên có triển vọng cao cho các vị trí quản lý phải là những người có hiểu biết chuyên môn thật sự về lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp và không ngừng học hỏi. Kiến thức của họ là một tài sản vô giá đối với doanh nghiệp. Điều quan trọng hơn là họ hiểu các hoạt động của mình, của ngành và có kiến thức gắn liền với các mục tiêu của doanh nghiệp.
- Được mọi người tôn trọng. Không chỉ sếp nhìn thấy được tiềm năng của các “nhà lãnh đạo tương lai” mà họ cũng phải được các đồng nghiệp khác đánh giá cao về kiến thức và năng lực của mình.
- Tham vọng. Những nhân viên có triển vọng cao là những người luôn hướng đến mục tiêu phát triển nghề nghiệp. Họ sẵn sàng nhận thêm trách nhiệm, phấn đấu để đạt được những thành tích mới, kiến thức mới và để được mọi người xung quanh công nhận.
- Có tinh thần làm việc đồng đội. Mặc dù có những mục tiêu cá nhân rất tham vọng nhưng những nhân viên phù hợp cho các vị trí quản lý và lãnh đạo cấp cao trong tương lai là những người có khả năng làm việc, biết cách phối hợp tốt với các đồng nghiệp và cộng sự khác, nhất là những người thuộc nhóm “cốt cán” của sếp.
- Biết chấp nhận rủi ro. Thế hệ các nhà lãnh đạo tương lai của doanh nghiệp phải hiểu rằng không thể lệ thuộc hoàn toàn vào các báo cáo nghiên cứu thị trường, các bản phân tích chi phí – lợi nhuận mà luôn phải ra quyết định trong những điều kiện không chắc chắn. Họ phải biết chấp nhận một thực tế là không bao giờ có đủ những thông tin mà mình cần. Điều đó cũng có nghĩa là họ cần có tính mạo hiểm, dám làm và dám chấp nhận các rủi ro.