Chia sẻ quan điểm trong buổi phỏng vấn hiếm hoi với phóng viên của Reuters, ông Lou cho rằng đang có sự gia tăng đáng kể chủ nghĩa bảo hộ trong cả thương mại lẫn đầu tư ở các nước phương Tây, ví dụ các nhà đầu tư tài chính châu Âu tỏ ra không hồ hởi khi thấy CIC kết hợp với doanh nghiệp Trung Quốc mua lại các công ty của châu Âu. Ngoài ra, sự căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ lại đang leo thang sau hàng loạt những động thái của chính quyền Barack Obama liên quan tới thương mại giữa hai nước, trong đó có việc cấm các doanh nghiệp Trung Quốc xây dựng turbin điện cạnh khu vực quân sự Mỹ hay chống lại việc Bắc Kinh trợ cấp cho ngành sản xuất ôtô. Tháng trước, Hội đồng Tình báo trực thuộc Hạ viện Mỹ còn cảnh báo Trung Quốc có thể sử dụng các thiết bị sản xuất bởi Huawei và ZTE (hai nhà sản xuất máy soi và công cụ viễn thông lớn thứ hai và thứ năm thế giới) để do thám nước Mỹ. Tương tự, trong năm qua Canada cũng đã hai lần trì hoãn quyết định có nên cho phép nhà sản xuất dầu thô và khí đốt hải ngoại hàng đầu Trung Quốc là CNOOC tham gia dự thầu dự án do Công ty khai thác dầu Nexen mở, bất chấp giới cổ đông tại Nexen ra sức ủng hộ CNOOC.
Ông Lou còn khẳng định Bắc Kinh sẽ không đầu tư vào những quốc gia không chào đón họ vì vẫn còn rất nhiều nơi khác cần vốn đầu tư. CIC cũng sẽ không thay đổi chiến lược hợp tác với các doanh nghiệp Trung Quốc chỉ để giảm bớt lo ngại của giới làm luật nước ngoài vì một phần Chính phủ Trung Quốc muốn CIC tăng cả doanh số lẫn lợi nhuận từ nguồn quỹ dự trữ ngoại hối đã lên đến 3.290 tỉ USD. Do đó, châu Á trở thành sự lựa chọn hấp dẫn đối với CIC vì nơi đây có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất thế giới hiện nay. Tuy nhiên, xem ra châu Á vẫn là thị trường vốn tương đối kém thế so với châu Âu và Bắc Mỹ nếu muốn đầu tư các khoản tiền khổng lồ. Lâu nay, tính thanh khoản cao khiến châu Âu và Bắc Mỹ trở thành sự lựa chọn của CIC trong việc đầu tư cổ phiếu niêm yết, riêng London là nơi được CIC bỏ khá nhiều vốn đầu tư vào bất động sản và cơ sở hạ tầng. Bất chấp cuộc khủng hoảng nợ tại Eurozone và sự mất niềm tin vào cả hệ thống ngân hàng lẫn trái phiếu chính phủ của 17 nước khu vực này, ông Lou vẫn tin vào sức sống và năng lực cạnh tranh của các ngành sản xuất tại châu Âu vì sớm hay muộn, nền kinh tế châu Âu sẽ hồi phục trở lại.
Dù trong năm 2011, quỹ đầu tư của Chính phủ Trung Quốc bị thua lỗ 4,3% khi đầu tư ra nước ngoài, khiến tổng lợi nhuận cả năm bị giảm đi 6,1% (số tiền lỗ khoảng 48,4 tỉ USD), song ông Lou tin rằng điều ấy sẽ không lặp lại trong 2012 và cả trong những năm sau.
Lâm Kiên theo Reuters