Từ năm 2012 đến nay, Anh đã xuất khẩu sang Trung Quốc, bao gồm Hongkong, gần 2/3 lượng rác thải nhựa của cả nước, với khối lượng lên đến 2,7 triệu tấn. Tuy nhiên, theo thông tin mới nhất, từ đầu năm 2018, Trung Quốc sẽ ngưng nhập khẩu rác thải tái sinh được, gồm các loại giấy, chai nhựa, và 24 loại chất thải rắn, với lý do phần lớn rác thải nhập từ Anh và một số nước quá nguy hiểm trong quá trình tái chế. Quyết định khá bất ngờ của Bắc Kinh khiến London bối rối, đến nỗi Bộ trưởng Môi trường nước này là Michael Gove phải tuyên bố một cách thành thực rằng ông không thể biết hậu quả của chuyện này sẽ đi đến đâu.
Từ nhiều năm qua, sự thu hút rác thải tái chế được của Trung Quốc đã giúp cho Anh rất nhiều trong việc giải quyết một bài toán khó. Nay London sẽ đối phó với một vấn đề không dễ gì giải quyết, vì các công ty xử lý chất thải không thể thiêu đốt hay chôn lấp một khối lượng rác thải quá lớn. Theo ông Adam Read, Giám đốc Ngoại vụ của Công ty Quản lý Chất thải Suez, việc thiếu một chiến lược rõ ràng và không đủ năng lực trong nền công nghiệp tái chế, cộng với sự bất ổn do sự kiện Brexit sẽ gây ra cho nước Anh những vấn đề nghiêm trọng. Một trong những lý do chủ yếu của tình trạng hôm nay là nước Anh đã dựa vào Trung Quốc khá lâu. Một chuyên gia khác là ông Simon Ellin, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Tái sinh, đưa ra một ý kiến khác, cho rằng chất thải nhựa của Anh thường bị trộn lẫn với những chất liệu khác và “chất lượng kém” của chúng đã góp phần vào quyết định ngưng nhập khẩu của Trung Quốc. Ông thúc giục chính phủ Anh đầu tư gấp các nhà máy tái sinh chất thải nhựa và hạ tầng cơ sở phục vụ cho kế hoạch này. Dù sao, việc ngưng nhập khẩu rác của Trung Quốc cũng gián tiếp tạo cơ hội cho nước Anh thay đổi cách ứng xử đối với chất thải và xử lý nghiêm túc hơn một vấn đề đã tồn tại từ lâu và sẽ còn là nỗi ám ảnh lâu dài cho chính phủ Anh.