Bão Tembin đang duy trì sức gió cấp 10 (90-100km/h), giật cấp 13. Dự báo bão sẽ đổ bộ vào khu vực Nam Bộ trong vài ngày tới.
Ông Lê Thanh Hải – phó tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, nhận định đây là cơn bão mạnh. Tuy nhiên theo ông Hải, bão còn xa, diễn biến còn phức tạp nên chú ý theo dõi chặt chẽ diễn biến cơn bão.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, lúc 7h sáng 22-12, tâm bão Tembin ở trên khu vực miền nam Philippines. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100km/h), giật cấp 13.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây, tốc độ di chuyển nhanh (20km/h). Đến 7h ngày 23-12, tâm bão cách đảo Palawan (Philippines) khoảng 330km về phía đông đông nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100km/h), giật cấp 13.
Trong 24-48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây, tốc độ di chuyển nhanh (20-25km/h) và có khả năng mạnh thêm. Đến 7h ngày 24-12, tâm bão cách đảo Trường Sa Lớn (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 440km về phía đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (90-115km/h), giật cấp 14.
Trong 48-72 giờ tiếp theo, bão Tembin di chuyển chủ yếu theo hướng tây, tốc độ di chuyển nhanh (25km/h) và còn tiếp tục mạnh thêm.
Trong khi đó không khí lạnh vẫn đang hoạt động mạnh ở vùng biển ngoài khơi Trung Bộ, Nam Bộ và khu vực Biển Đông.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh, ở vùng biển ngoài khơi Trung Bộ, Nam Bộ và khu vực giữa Biển Đông có gió đông bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9, sóng biển cao từ 3-5m; khu vực bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9, sóng biển cao từ 4-6m. Biển động mạnh.
Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, trong lịch sử đã từng có 4 cơn bão, áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào TP.HCM, đó là các năm 1904, năm 1996 (bão Ernie), năm 2006 (bão Durian) và năm 2012 (bão Pakhar) gây nhiều thiệt hại.