Suốt một thập niên qua, người ta dự báo ngày Trung Quốc sẽ vượt mặt Mỹ để trở thành thế lực kinh tế số 1 thế giới chỉ là vấn đề thời gian. Đến năm 2014, Trung Quốc đứng đầu về số lượng cơ sở hạ tầng hiện đại, xuất khẩu ra quốc tế (2.200 tỉ USD), mức độ sử dụng internet (600 triệu người), số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học (7 triệu/năm), tốc độ tăng trưởng kinh tế (10% từ 1980-2010), tốc độ đô thị hóa (400 triệu nông dân trở thành công dân đô thị từ 1980-2013), dự án xe lửa cao tốc đang xây dựng (40.000 dặm) và trong năm 2025 rất có thể sẽ đạt GDP cao nhất thế giới. Giới lãnh đạo Trung Quốc không ít lần nhấn mạnh rằng đến năm 2050, Trung Quốc sẽ trở thành một quốc gia cực kỳ hiện đại.
Nhưng bất chấp những sự chuẩn bị hết sức chu đáo ấy, vì lẽ gì giới quan sát quốc tế vẫn tin rằng Bắc Kinh sẽ rất khó vượt Mỹ trong cương vị lãnh đạo kinh tế thế giới? Một cường quốc mang tầm cỡ quốc tế thật sự cần thiết phải sở hữu nền chính trị dân chủ, tự do kinh tế, thế lực quân sự, hệ thống luật pháp, chất lượng sống và sáng tạo trong khoa học công nghệ và xét trên mọi lĩnh vực ấy, Bắc Kinh vẫn thua xa Washington. Xét về khía cạnh chính trị, Hoa Kỳ xác lập nền dân chủ đầu tiên trên thế giới vào năm 1789 khi phần còn lại vẫn đang theo con đường phong kiến. Về mặt kinh tế, trong khi nước Mỹ sở hữu một nền kinh tế tư bản tự do và có tính cạnh tranh cao thứ 6 toàn cầu trong bảng tổng sắp 2014, thì trong Chỉ số Tự do Kinh tế của Heritage Foundation, Trung Quốc đứng hạng 137 ngang với Cameroon và Tajikistan và theo đó, trong dài hạn, chính sách tiền tệ kém cạnh tranh tại đây được dự báo sẽ đưa tỷ lệ tăng trưởng GDP nước này xuống còn 4% vào năm 2020. Về chính sách quân sự, nước Mỹ đặt căn cứ tại hàng trăm khu vực trên thế giới, từ Ba Lan đến Philippines, Úc đến Bulgaria, 11 hàng không mẫu hạm, hàng chục nghìn vũ khí hạt nhân chiến lược, vô số liên minh quân đội. Ngược lại, Trung Quốc với ngân sách quân đội thấp hơn Mỹ 30% vẫn đang xây dựng hàng không mẫu hạm đầu tiên mua từ Ukraina, nhập khẩu phần lớn hệ thống vũ khí từ Nga, sở hữu một số lượng nhỏ vũ khí hạt nhân chiến lược và thiếu hụt những đồng minh quan trọng.
Về mặt luật pháp, nước Mỹ là một trong số rất ít quốc gia sở hữu hệ thống tư pháp độc lập hoàn chỉnh nhất toàn cầu với hệ thống luật pháp bảo vệ dân quyền được xem là đi trước thời đại, trong khi tại Trung Quốc nạn tham nhũng vẫn là vấn đề nhức nhối của xã hội. Ngoài ra, nước Mỹ được xem là đi đầu thế giới về chất lượng sống với 60% dân số sở hữu nhà và hơn 90% dân số sở hữu xe hơi. Ngược lại, với hơn 50% dân số Trung Quốc thuộc nhóm thu nhập thấp và ô nhiễm không khí, đất và nước khiến 1,2 triệu người tại đây tử vong mỗi năm. Thậm chí, một khảo sát mới nhất cho thấy 60% dân số thuộc nhóm thượng lưu Trung Quốc muốn rời khỏi nước này để tìm sang Mỹ, Úc và châu Âu định cư. Cuối cùng, khi thế giới ngày càng lệ thuộc vào công nghệ kỹ thuật, Trung Quốc vẫn thua xa Mỹ khi thung lũng Silicon là nơi sản sinh ra Google, Apple, Cisco, HP, Microsoft, Oracle… Kể từ năm 1950 đến nay, không một nhà khoa học nào của Trung Quốc đoạt giải thưởng Nobel thuộc các ngành khoa học khác nhau, trong khi con sốấy tại Mỹ là 235 giải thưởng Nobel kể từ năm 1945. Nhìn chung, Trung Quốc phải còn đi rất xa để trở thành một thế lực kinh tế có tầm ảnh hưởng toàn cầu như cách người Mỹ tác động đến thế giới kể từ sau Đệ nhị Thế chiến đến hôm nay.
B. Trịnh theo US News & World Report