Trung Quốc, về mặt địa lý cách xa Bắc cực, nhưng tự tuyên bố là một quốc gia cận Bắc cực để phù hợp với mục tiêu chiến lược dài hạn hầu theo đuổi phát triển kinh tế và tăng trưởng ở Bắc cực.
Trung Quốc đang nhanh chóng tăng đầu tư ở Bắc cực trong những năm gần đây, đóng thêm tàu phá băng và thực hiện các bước khác để chuẩn bị cho sự phát triển khu vực trong tương lai.
Một phúc trình của Ban Cố vấn An ninh Quốc tế (ISAB) thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ công bố mới đây đã bày tỏ quan ngại về các hoạt động này. Trong khi đó hội đồng gồm các chuyên gia an ninh quốc gia kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ chú ý nhiều hơn đến tác động từ các hoạt động của Trung Quốc ở Bắc cực đối với an ninh khu vực. Nhìn chung, ISAB thúc giục Mỹ tiếp tục vai trò lãnh đạo trong các vấn đề Bắc cực.
Các nhà khoa học được dẫn lời trong “Báo cáo về chính sách Bắc cực” lưu ý rằng hiện tượng băng tan chảy ở Bắc cực do biến đổi khí hậu khiến nhiều nước muốn đóng vai trò trong việc phát triển Bắc cực, để được tiếp cận với các trữ lượng dầu khí trong khu vực.
Các hoạt động của con người trong thập niên qua đã tăng gần 400%, theo ước tính của Hội đồng ISAB, xét về lĩnh vực vận chuyển, khai thác, thăm dò năng lượng, đánh bắt và du lịch.
Báo cáo cũng lưu ý đến sự hợp tác của Trung Quốc với Nga trong việc phát triển các mỏ khí tự nhiên ở bán đảo Yamal, vùng Siberia, thuộc Bắc cực.
T.K (DNSGCT)