Trung Quốc cuối tuần qua thông báo sẽ nới lỏng tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong ngành tài chính bao gồm ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm…, một bước đi mà giới đầu tư nước ngoài chờ đợi từ lâu.
Phát biểu tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm 10-11, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc Chu Quang Diệu cho biết Trung Quốc sẽ xóa bỏ các mức trần sở hữu của nước ngoài ở các ngân hàng thương mại và các công ty quản lý tài sản Trung Quốc. Tuy nhiên, ông không nói rõ thời điểm thực hiện kế hoạch này. Hiện nay, Trung Quốc chỉ cho phép nhà đầu tư nước ngoài riêng lẻ sở hữu tối đa 20% cổ phần của một ngân hàng trong nước và tổng tỷ lệ cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài ở một ngân hàng trong nước bị khống chế ở mức 25%.
Ông Chu Quang Diệu cũng cho biết Trung Quốc sẽ nới room sở hữu của nước ngoài ở các công ty liên doanh trong lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm, quản lý quỹ, giao dịch chỉ số tương lai từ 49% lên 51%. Trong vòng ba năm tới, mức trần sở hữu 51% sẽ bị xóa bỏ. Tương tự, tỷ lệ trần sở hữu của nước ngoài ở các liên doanh bảo hiểm sẽ được nâng lên 51% trong ba năm tới và sẽ được xóa bỏ trong vòng năm năm tới.
Ông Chu Quang Diệu nói rằng đây là lúc hợp lý để nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đẩy mạnh tự do hóa ngành tài chính.
Các động thái mới trên của Trung Quốc được đưa ra trước các phàn nàn ngày càng gia tăng của phương Tây, đặc biệt là Mỹ, về thặng dư thương mại quá lớn của Trung Quốc cũng như các rào cản thị trường mà Trung Quốc áp đặt trong lĩnh vực tài chính.
- Đ.N theo AP