Gần đây, nhiều thông tin và chứng cứ khoa học được công bố đã khiến cho các nhà quản lý trên thế giới lo ngại thực sự. Trước tiên đó là thông tin cho rằng chỉ trong vài thập niên nữa thôi, nếu các vấn đề liên quan đến môi trường vẫn như hiện trạng, con người sẽ không thể cư trú ở hai vùng Trung Đông và Bắc Phi nữa. Trong một tương lai gần, tại hai vùng này, lượng nước ngọt sử dụng được sẽ giảm hai phần ba so với cách đó 40 năm. Tình trạng này không chỉ là sự thiếu nước sạch để uống ở phần lớn trong số 22 nước trong vùng, với gần 400 triệu dân, mà còn là vấn đề nước cho sản xuất nông nghiệp, sản xuất lương thực, thực phẩm.
Sở dĩ tiếng chuông báo động đang hướng về vùng Trung Đông và Bắc Phi là vì hiện nay, lượng nước ngọt khả dụng tính trên đầu người ở hai vùng này chỉ còn bằng 10% lượng nước bình quân của thế giới. Thêm vào đó, nhiệt độ môi trường ngày càng cao hơn khiến mùa gieo trồng bị rút ngắn lại 18 ngày và sản lượng nông nghiệp bị sụt giảm từ 27% đến 55% vào cuối thế kỷ XXI.
Tổ chức Lương Nông Thế giới (FAO) cũng cho biết thêm, vào năm 2050, 90% đất đai ở Trung Đông và Bắc Phi sẽ khô hạn, nửa khô hạn, khô và ẩm; 45% đất nông nghiệp bị nhiễm mặn, mất hết chất dinh dưỡng và bị xói mòn bởi nước và gió. Tại vùng châu thổ sông Nile, nơi có phần lớn đất đai màu mỡ của Ai Cập, mực nước biển dâng cao, sự nhiễm mặn khiến cho gần 100 triệu người có nguy cơ mất đi nhiều phần đất có thể cho sản lượng nông nghiệp cao. Nông nghiệp trong vùng cần đến khoảng 85% nước ngọt khả dụng, trong đó trên 60% nước đến từ bên ngoài biên giới của các nước trong vùng.
Bàn về khả năng chịu đựng của con người trong những điều kiện khí hậu hiện nay, các nhà khoa học cho rằng ngưỡng nhiệt độ mà con người có thể chịu đựng là 350C hay 950F trong hơn sáu tiếng đồng hồ mà không có sự hỗ trợ của những phương tiện nhân tạo như quạt máy, máy lạnh… Tình trạng này sẽ cùng với sự thiếu nước trầm trọng trong những thập niên tới sẽ khiến vùng Trung Đông và Bắc Phi là nơi mà con người không thể cư trú trong những điều kiện như hiện nay.
Trong kế hoạch tìm kiếm những giải pháp giúp xoa dịu tình hình ở hai khu vực trên, người đứng đầu của FAO là Graziano da Silva đã tham dự một hội nghị cấp cao diễn ra tại Cairo, thủ đô của Ai Cập, bàn về “Sáng kiến 1,5 triệu feddan đất” (1 feddan = 0,42 hécta). Trong hội nghị này, chính phủ Ai Cập tuyên bố sẽ dành 2 triệu hécta đất sa mạc cho canh tác nông nghiệp và một số việc khác. Về phần mình, ông da Silva kêu gọi có những hành động khẩn cấp nhằm giảm thiểu sự thất thoát và lãng phí lương thực. FAO hiện là cơ quan dẫn đầu “Sáng kiến giải quyết nạn thiếu nước ở Cận Đông và Bắc Phi” sẽ đề xuất với các chính phủ trong vùng những tư vấn về mặt chính sách và ý kiến về cách thực hiện đạt hiệu quả cao nhất các hệ thống tưới tiêu cho đất nông nghiệp. Sáng kiến này nhận được sự hậu thuẫn của một mạng lưới gồm hơn 30 quốc gia và tổ chức quốc tế.
- LHCT tổng hợp
Xem thêm:
- Cùng Carnival Tours tham gia Hội chợ SIAL Trung Đông
- 13 triệu trẻ em ở Trung Đông không được đi học
- Cùng Carnival Tours tham gia Hội chợ SIAL Trung Đông