Sau Thế chiến thứ hai, tàu thuyền chiến chìm dưới đáy biển trở thành mộ tập thể của hàng ngàn thủy thủ đã hy sinh. Tuy nhiên, theo phát hiện của các thợ săn xác tàu và nhà sử học hải quân, hầu hết các tàu chiến đắm đều bị phá hủy một phần hoặc hoàn toàn. Vì lý do gì những kẻ “trộm mộ” dưới đáy đại dương không ngại xúc phạm nơi an nghỉ của người chết, gây phẫn uất dư luận, dấy lên nỗi lo ngại sâu sắc ở các quốc gia?
Thép chưa nhiễm phóng xạ
Theo thông tin độc quyền từ tờ The Guardian của Anh, hàng chục tàu chiến được cho là mộ tập thể của hàng ngàn binh lính Anh, Mỹ, Úc, Hà Lan, Nhật Bản từ Thế chiến thứ hai bị thợ lặn cướp bóc, phá hoại. Phân tích xác tàu từ các nhà khảo cổ và sử học chỉ ra rằng hầu hết các thân tàu đều bị phá hủy một phần hoặc hoàn toàn.
Chính phủ các quốc gia lo ngại những ngôi mộ không bia này có nguy cơ bị coi rẻ và biến mất. Ngoài hàng chục thân tàu, mỗi chiếc có chứa xác hàng ngàn binh lính chiến tranhm còn hàng trăm tàu khác nhỏ hơn, chủ yếu là tàu của Nhật Bản, chứa tổng cộng xác của vài chục ngàn thủy thủ đã thiệt mạng. Tất cả đều lặng lẽ nằm dưới đáy biển.
Đáng tiếc là sự yên nghỉ đáng được tôn trọng đang bị hủy hoại. Theo các chuyên gia, dù hầu hết chất liệu cấu thành thân tàu đều bị nước biển ăn mòn, rỉ sét, một số thành phần khác vẫn giữ nguyên bản chất, trở thành “kho báu”. Chúng bao gồm các vật liệu kim loại có giá trị cao như cáp đồng, đồng phosphore, đặc biệt là thép low-background (thép chưa nhiễm phóng xạ).
- Xem thêm: Mộ tặc, sự cám dỗ nguy hiểm
Như chúng ta đều biết, sau khi Mỹ ném hai quả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki, Nhật Bản vào cuối Thế chiến thứ hai và là hàng loạt vụ thử nghiệm hạt nhân trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, mức độ phóng xạ trong không khí cả thế giới tăng mạnh. Tất cả thép hiện đại được tạo ra trong bầu không khí hiện nay đều không tránh khỏi bị nhiễm phóng xạ. Vì thế, thép low-background, loại thép được chế tạo trước khi có bom hạt nhân, trở thành vật liệu quý hiếm, là chất liệu giúp phát hiện các hạt phóng xạ. Nó thường được sử dụng trong các thiết bị y tế như máy đo phóng xạ trong phổi hay trong cơ thể. Ngoài ra, thép low-background còn được dùng để chế tạo các máy đo phóng xạ và các cảm biến vũ trụ.
Gia tăng trục vớt bất hợp pháp
Cũng theo tiết lộ từ tờ The Guardian, năm 2016, ba tàu chiến bị chìm nổi tiếng của Anh, HMS Exeter, HMS Encounter và HMS Electra bị trục vớt bất hợp pháp, dẫn đến sự phẫn nộ của các cựu chiến binh và các nhà khảo cổ. Họ cáo buộc chính phủ Anh không hoàn thành trách nhiệm bảo vệ các ngôi mộ dưới nước, nơi yên nghỉ của hơn 150 thủy thủ Anh sau chiến sự ở biển Java năm 1942.
Trước đó, năm 2014, tàu HMS Repulse và tàu HMS Prince of Wales, ngôi mộ của hơn 800 thủy thủ Hải quân Hoàng gia Anh cũng được phát hiện bị phá hoại nghiêm trọng. Bộ Quốc phòng Anh phải thỉnh cầu Indonesia tiến hành hoạt động bảo vệ các xác tàu của họ trong vùng biển thuộc Indonesia. Phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Anh kêu gọi: “Những thủy thủ hy sinh trên tàu cần phải được yên nghỉ an toàn”.
Sau lời kêu gọi của Bộ Quốc phòng Anh, thợ lặn ở Malaysia gửi tới tờ The Guardian hình ảnh ba tàu Nhật bị chìm ở bờ biển Borneo năm 1944, trong Chiến tranh Thái Bình Dương. Một tàu tuần dương hạng nhẹ của Úc, HMAS Perth cũng bị trộm cắp. Dan Tehan, Bộ trưởng Bộ Cựu chiến binh Úc, cho biết: “HMAS Perth là nơi an nghỉ cuối cùng của hơn 350 binh lính Úc, những chiến sĩ hy sinh vì tự do của Úc. Sự xáo trộn trong thân tàu gây ra những lo lắng và quan ngại sâu sắc”.
James Hunter, thành viên của Bảo tàng Hàng hải Quốc gia Úc, một trong những thợ lặn kiểm tra xác tàu HMAS Perth chỉ ra “60-70% vật liệu cấu thành nên thân tàu đã biến mất”. Sinh tại miền Tây nước Mỹ, Hunter sớm học lặn với cha từ năm 9 tuổi. Sau khi hoàn thành chương trình đại học, anh đã có gần 20 năm làm nhà khảo cổ, từng có mặt trong đội ngũ khảo cổ gia khảo sát tàu ngầm thời nội chiến Hoa Kỳ H L Hunley.
Trong suốt sự nghiệp, Hunter nhiều lần nghe chuyện trộm cắp tàu đắm. Những phần bị lấy đi có thể là chân vịt, súng, vật liệu cá nhân của thủy thủ đoàn. Anh chưa bao giờ ngờ việc trộm cắp lại lớn đến mức hủy hoại cả thân tàu. “Dù làm việc trong lĩnh vực này suốt 20 năm, tôi chưa bao giờ thấy ai nói về vụ đắm tàu lịch sử nào, đặc biệt là thân tàu nặng tới 8.000 tấn thép, bị trộm gần hết hoặc hết hoàn toàn. Nghe như là viễn tưởng vậy. Thật không thể tin nổi!”. Chỉ một tháng sau, Hunter tận mắt chứng kiến thực tế. “Nó như thể bạn vào một nghĩa trang chiến tranh và đào, lấy đi tất cả”, anh kể.
- Xem thêm: Nghiên cứu lập bản đồ dưới đáy đại dương
Việc trục vớt bất hợp pháp đột ngột tăng vọt trong vòng 18 tháng qua. Tại sao những kẻ trộm mộ dưới đáy biển sẵn sàng gỡ bỏ một nửa hoặc cả thân tàu, để lại bộ khung trơ trống, vẫn còn là một bí ẩn. Theo các nhà khảo cổ, phần lớn vật liệu cấu thành thân tàu, sau nhiều thập kỷ bị ăn mòn bởi nước biển, đều trở nên rỉ sét. Tiền thu được từ bán phế liệu chắc chắn không bao nhiêu. Thêm vào đó, nếu nhắm vào mục tiêu tài chính, một con tàu mang tính lịch sử đã yên nghỉ dưới đáy biển đến hơn 70 năm không có nhiều giá trị. Gần như toàn bị kim loại của nó đều rỉ sét.
Vẫn còn là bí ẩn
Sau nhiều phân tích, các nhà khảo cổ tin cái tội phạm trộm xác tàu nhắm tới là thép chưa bị nhiễm phóng xạ. Hầu hết thân tàu Thế chiến thứ hai đều được làm từ thép hoặc bọc thép. Giá thành thép chưa nhiễm phóng xạ rất cao. Dù chỉ cóp nhặt được một chút từ thân tàu rỉ sét, nó vẫn đáng để kẻ trục vớt bất hợp pháp bỏ công. Tuy nhiên, điều này mới chỉ là phỏng đoán. Nó chưa giải thích được tại sao một số “nghĩa trang chiến tranh dưới nước” biến mất hoàn toàn, ví dụ vụ biến mất của ba tàu chiến chìm của Hà Lan tại biển Java, HNLMS De Ruyter, HMLMS Java và HMLMS Kortenaer.
HNLMS De Ruyter, HMLMS Java và HMLMS Kortenaer được xem là 3 ngôi mộ chiến tranh chính thức của 2.200 lính thủy Hà Lan. Martijn Manders, người đứng đầu Chương trình Hàng hải tại Cơ quan Di sản Văn hóa của Hà Lan cho hay: “Chúng tôi vẫn còn các cựu chiến binh sống sót sau trận chiến biển Java, cả những cựu chiến binh liên quan trực tiếp khác. Khiến họ phải chịu đựng điều này, thật quá đau lòng”.
Một số tàu cổ, thường là tàu La Mã ở vùng biển châu Âu, cũng bị trục vớt trộm để lấy chì bức xạ thấp, vật liệu được sử dụng trong các nhà máy điện hạt nhân. So với lượng chì không đáng kể, kẻ cắp có lẽ quan tâm đến thân thép dày hơn. HNLMS Kortenaer, một xác tàu khu trục nhỏ, thân mỏng, bị ném trả lại đáy biển cũng vì “tất cả sắt trong con tàu đó đều hư hỏng và vô giá trị”, Manders giải thích.
Nhiều người khác đổ lỗi cho sự bùng nổ nhu cầu thu mua phế liệu kim loại ở Trung Quốc, khiến việc thu gom phế liệu kiếm được lợi nhuận cao. Nhờ nó, ngay cả thép kém chất lượng trong một thân tàu đắm cũng đem về cả triệu bảng Anh, tương đương vài chục tỷ VNĐ. Đặc biệt, ống đồng được trả với giá 2.000 bảng/tấn (tương đương 60 triệu VNĐ), dây dẫn bằng đồng được trả khoảng 5.000 bảng/tấn (tương đương 149 triệu VNĐ).
Bất kể động cơ của kẻ trục vớt trái phép là gì, hành động này cũng dẫn đến kết quả hủy hoại các di tích lịch sử. Hiện tại, trong vùng biển Đông Nam Á có đến hàng trăm tàu đắm. Không tàu nào trong số chúng ngoài nguy cơ bị trộm cắp. Nhiều tàu chiến trong Thế chiến thứ hai là mộ chung của khoảng 5000 thủy thủ. Sự phát triển của công nghệ đang cho phép tìm và trục vớt tàu đắm trở nên dễ dàng. Theo Hunter, điều này sẽ trở thành vấn đề lớn cho việc bảo vệ các xác tàu lịch sử dưới dáy biển sâu.