Xuân sang, tết đến, trong khi nhà nhà đang chuẩn bị rượu ngon, thịt ngọt cho ba ngày tết thì không ít người vẫn lăn tăn mãi chuyện “ăn tết sao cho khỏe”. Nhất là khi một số chuyên gia dinh dưỡng cho rằng tết cần kiêng món này, món kia để tránh tăng cân, tránh hệ tiêu hóa “đình công”… càng làm chúng ta kém thoải mái hơn. Ngược lại, TS-BS Lê Thành Lý, Trưởng khoa Nội tiêu hóa – Gan – Mật, Bệnh viện Chợ Rẫy thì cho rằng:
Chúng ta hay nói là “ăn tết” chứ có ai nói “nhịn tết” đâu mà phải kiêng khem quá mức. Ông bà ta cũng có câu: “Một năm có mấy ngày xuân/ Ăn chơi cho thỏa phong trần ai ơi!” đấy thôi. Theo tôi thì người khỏe mạnh, không bị các bệnh mãn tính phải ăn theo thực đơn của bác sĩ thì cứ ăn uống tương đối thoải mái ngày tết, sao cho vừa thỏa mãn vị giác, thư thái tinh thần lại vừa không khiến chúng ta cảm thấy mệt mỏi.
Ăn uống thế nào để vừa thỏa mãn vị giác, thư thái tinh thần, thưa bác sĩ?
Ăn uống là một trong “tứ khoái” của con người nhưng thường ngày, hầu hết chúng ta vẫn chưa chú trọng đến chuyện ăn uống, nhất là những doanh nhân bận rộn. Vì vậy, nhân ba ngày tết, chúng ta nên chú trọng hơn đến bữa ăn, cách ăn của mình.
Ăn để thỏa mãn vị giác trước hết là ăn những món hợp khẩu vị. Thông thường, những món quá nhiều gia vị sẽ làm mất đi vị ngon vốn có của thực phẩm. Muốn thưởng thức thực phẩm một cách khoa học, chúng ta chỉ nên chọn những món nêm ít gia vị. Những món ăn cứ hâm đi hâm lại không nên ăn nhiều trong ngày tết vì sẽ gây ngán, chất bổ cũng không còn, đó là chưa kể đến những biến chất có thể xuất hiện khi nấu quá kỹ hoặc bị cháy.
Ăn để tinh thần vui tươi thì không nên cố gắng kiêng khem, bỏ qua những món ngon. Ngoài ra, muốn ăn ngon thì cần thưởng thức cùng những người tâm đầu ý hợp, nhất là gia đình, người thân. Ngồi ăn cùng nhiều người, trò chuyện vui vẻ giúp chúng ta ăn chừng mực hơn.
Và ăn thế nào để chúng ta không cảm thấy mệt mỏi?
Muốn tránh mệt mỏi, chúng ta không nên ăn quá no. Hệ tiêu hóa của chúng ta thường chỉ tiết ra một lượng dịch tiêu hóa nhất định mỗi ngày. Ăn quá no sẽ làm dạ dày tiêu hóa chậm, kéo dài dễ gây chướng bụng và khó tiêu.
Khi ăn quá no, dạ dày cần một lượng máu lớn để tăng hoạt động tiêu hóa nên lượng máu lên não bộ và các cơ quan khác giảm đi, gây thiếu máu não thoáng qua, làm chúng ta cảm thấy mệt mỏi và buồn ngủ. Triệu chứng mệt mỏi, buồn ngủ cũng có thể xảy ra khi bữa ăn có nhiều chất ngọt, nồng độ insulin tăng lên cao làm cho lượng đường trong cơ thể hạ thấp cũng gây nên mệt mỏi và buồn ngủ.
Ngủ ngay sau khi ăn no có hại gì với sức khỏe không?
Sau khi ăn no xong không nên đi ngủ ngay đặc biệt với những người cao tuổi vì khi đó, dạ dày căng phồng quá mức có thể đẩy cơ hoành lên chèn ép, gây cản trở hoạt động của tim.
Tốt nhất là nên đi lại nhẹ nhàng hoặc ngồi trò chuyện khoảng nửa tiếng để giúp dạ dày tiêu hóa một phần thức ăn rồi hãy đi ngủ.
Những món ăn ngày tết thường nhiều đạm và dầu mỡ. Nếu cứ ăn uống thoải mái như lời khuyên của bác sĩ e là chúng ta sẽ bắt hệ tiêu hóa làm việc vất vả hơn?
Đúng là thức ăn giàu đạm, dầu mỡ có thể làm chúng ta dễ bị đầy bụng khó tiêu (do thiếu các men tiêu hóa). Trong cơ thể, gan – mật – tụy là hệ cơ quan giúp bài tiết các men để tiêu hóa thức ăn. Triệu chứng đầy bụng khó tiêu là dấu hiệu cho thấy hệ thống men của chúng đã bị quá tải. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể phòng tránh tình trạng khó chịu này bằng cách cố gắng ăn đúng bữa và hạn chế ăn vặt. Hệ tiêu hóa hoạt động bài tiết và co bóp theo chu kỳ bữa ăn thường ngày của chúng ta. Nên khi ăn đúng bữa, ít ăn vặt thì sẽ ít khi gặp chứng đầy bụng, khó tiêu.
Trong trường hợp không thể tránh được tình trạng khó tiêu thì có cách nào “chữa cháy” tại nhà không, thưa bác sĩ?
Theo kinh nghiệm của tôi, uống sô đa không đường có thể giải quyết nhiều trường hợp đầy bụng, khó tiêu. Còn nếu tình trạng bụng “biểu tình” không thể giải quyết bằng một lon sô đa thì có lẽ phải nhờ đến các loại thuốc hỗ trợ tiêu hóa, trung hòa axit, tăng tiêu hóa… bán phổ biến ở các nhà thuốc. Trước tết, chúng ta nên mua sẵn các loại thuốc này dự trữ trong nhà để khi gặp vấn đề thì có thuốc điều trị ngay.
Tạm gác chuyện “ăn”, xin trao đổi vài điều về chuyện “uống”. Ngày tết là dịp gặp gỡ gia đình, bạn bè, đối tác lâu năm, không có bia rượu e là câu chuyện kém rôm rả. Xin được hỏi uống bia rượu như thế nào để không ảnh hưởng đến sức khỏe?
Đúng là tết khó vui nếu thiếu một vài lon bia, bữa ăn cũng khó ngon nếu thiếu một, hai ly rượu. Theo tôi, khi dùng chừng mực, bia rượu là chất xúc tác để bữa cơm thêm ấm cúng, cũng là một liều thuốc giúp hỗ trợ tiêu hóa.
Chuyện bia rượu chứa những chất độc hại như thế nào cho gan nói riêng và cơ thể nói chung, có lẽ ai cũng biết. Và lượng bia rượu an toàn đối với chúng ta là không quá 30g cồn (tương đương hai lon bia hoặc hai ly rượu vang) có lẽ ít ai chưa nghe qua. Tuy nhiên, sự tích tụ chất độc thường diễn ra trong một thời gian dài chứ không gây hại ngày một ngày hai. Vì vậy, theo tôi, ba ngày tết có thể “xả láng” hơn mọi ngày một chút, uống vượt quá quy định cho phép đối với sức khỏe cũng không có gì đáng “phàn nàn” nhưng cần lưu ý những điểm sau:
Thứ nhất, tùy theo tửu lượng từng người mà biết ngưng uống đúng lúc, không để uống quá say vì có thể dẫn đến ngộ độc rượu, xuất huyết tiêu hóa rất nguy hiểm. Tôi đã từng tiếp nhận những bệnh nhân quá chén bị xuất huyết tiêu hóa ở trong tình trạng vô cùng nguy kịch, khiến cả gia đình ăn tết mất vui. Đó là chưa kể người quá chén có thể gây tai nạn giao thông gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng người khác.
Thứ hai, chúng ta đừng bao giờ uống rượu quên ăn, là cách tàn phá gan rất nhanh. Có dung nạp nhiều loại thực phẩm khác nhau trong khi uống rượu bia thì chất cồn mới có thể theo thức ăn chuyển hóa bớt ở những nơi khác, giảm lượng cồn chuyển hóa ở gan.
Thứ ba, chúng ta nên uống rượu một cách chậm rãi, từ tốn, tránh để lượng cồn lớn bất ngờ xâm nhập vào cơ thể trong thời gian ngắn có thể gây tác động nhanh, mạnh tới não bộ, có thể dẫn tới sốc rượu. Ngoài ra, chúng ta cũng nên tránh những loại rượu mà chúng ta có cảm giác không an toàn trong một chừng mực nào đó. Rượu giả và rượu làm theo phương pháp thủ công có chứa chất methanol khi vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành các chất gây độc cho gan, thận gây suy thận cấp, thậm chí gây tử vong.
Hiện nay, trên thị trường chỉ có khoảng 20% rượu có dán nhãn mác thật nên không dễ mua loại rượu an toàn. Có cách nào để phát hiện rượu có chứa methanol không?
Hơi khó phát hiện nhưng nếu uống chậm rãi thì có thể biết được. Rượu có chứa methanol hấp thu rất nhanh, nếu nếm thấy có vị đắng đậm và uống vài ly đã thấy người “bốc hỏa” thì có thể là rượu chứa độc chất, nên tránh ngay.
Còn rượu thuốc, có người bảo nên uống, lại có người bảo không tốt. Theo ý kiến của bác sĩ thì như thế nào?
Rượu thuốc là một chế phẩm độc đáo của y học cổ truyền, dân gian cho rằng rượu thuốc dùng để bồi bổ cơ thể hoặc chữa bệnh. Theo tôi, rượu thuốc ít nhiều có tác dụng bồi bổ cơ thể, kích thích tiêu hóa, vì vậy mới lưu truyền từ ngàn đời nay.
Với rượu thuốc, việc sử dụng rượu ngâm ở gia đình thì tốt hơn rượu bán trôi nổi ngoài thị trường vì rượu ngoài thị trường có thể chứa những hóa chất độc hại. Ngoài ra, rượu thuốc không thể uống như rượu thường mà phải căn cứ vào thể trạng người uống và tính chất của thuốc. Vì vậy, ngày tết chớ đem rượu thuốc ra để cùng “chén chú chén anh” thay bia hay rượu vang. Tốt nhất là chỉ uống một cốc rượu nhỏ trong bữa cơm để giúp ăn ngon hơn.
Cũng có người hay uống một cốc nhỏ rượu thuốc trước khi đi ngủ để giấc ngủ ngon hơn, tôi cho là một thói quen không có hại. Để không rơi vào tình trạng khó ngủ thì không nên ăn quá no hai giờ trước khi đi ngủ. Tôi cũng xin lưu ý thêm, tết ăn chơi đừng quên giấc ngủ, mỗi ngày chúng ta cần ngủ ít nhất bốn tiếng đủ sâu để hôm sau tiếp tục sảng khoái vui tết.
Cảm ơn bác sĩ về những lời khuyên hữu ích trên.
TS-BS Lê Thành Lý
Thanh Nhã