Hà Ngọc Bản là một bác sĩ trưởng khoa trẻ tuổi, sớm lĩnh hội và áp dụng phong cách chăm sóc người bệnh của các bệnh viện phương Tây. Với bệnh nhân, anh luôn dành một sự thăm khám nhiệt tình, trách nhiệm đồng thời thẳng thắn từ chối tất cả mọi hình thức phong bì, quà cáp. Đối với đồng nghiệp, anh luôn chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và cố gắng tạo điều kiện để nhân viên cấp dưới có thể giải tỏa bớt những căng thẳng thường trực trong công việc.
Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh anh về làm việc tại Viện Tim TP. Hồ Chí Minh năm 1995. Năm 2002, sau khi tu nghiệp tại Pháp, anh được đề cử chức trưởng khoa Hồi sức cấp cứu nội tim mạch. Trong suy nghĩ của anh, nơi bệnh nhân khám, điều trị cần thiết hơn là phòng riêng cho trưởng khoa. Nhờ đó mà không có sự ngăn cách giữa trưởng khoa với bác sĩ cấp dưới, với bệnh nhân và phòng cấp cứu còn được mở rộng tối đa để tăng khả năng tiếp nhận bệnh nhân. Bác sĩ Bản kể:
Bài giảng đầu tiên mà tôi học được trong những ngày đầu tiên bước chân vào giảng đường đại học là: “Một bác sĩ không có tâm, không có lòng thương yêu bệnh nhân thì không thể giỏi”. Công việc của người bác sĩ có liên hệ trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của con người nên rất cần có “cái tâm”. “Bác sĩ phải có tâm” – nói thì đơn giản như vậy thực tế thực hiện lại không mấy dễ dàng.
Gần đây, các phương tiện thông tin liên tục chỉ trích nạn phong bì trong ngành y tế, thẳng thắn và hóm hỉnh nhất là chương trình Gặp nhau cuối năm 2012. Tôi rất đồng tình với sự chỉ trích này. Không ít thân nhân chủ động đưa phong bì trước vì họ chưa thực sự tin tưởng vào cái tâm của bác sĩ.
Tuy nhiên, xét về một khía cạnh khác, nhiều bác sĩ luôn vất vả với công việc mà đồng lương chưa tương xứng với công sức của họ. Người bệnh và thân nhân thật lòng muốn bày tỏ lòng biết ơn đối với bác sĩ cũng là điều dễ hiểu. Về khía cạnh này, tôi nghĩ nhà nước rất cần một giải pháp tốt về thu nhập cho người làm nghề y.
Phải chăng vì nhiều bác sĩ, nhân viên y tế vẫn chưa có đủ lòng yêu thương và thiếu trách nhiệm nên một bệnh nhân vẫn cần đến người thân trong chăm sóc, điều trị?
Tình trạng người nhà đông hơn người bệnh trước hết là do văn hóa truyền thống của người Việt: “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”. Chắc chắn bạn sẽ bị cho là người vô tâm nếu chỉ vì không dành thời gian đến chăm nom người thân đang bị bệnh nặng ở bệnh viện. Bên cạnh đó, thực trạng nhân viên y tế chưa tạo niềm tin cho người bệnh và thân nhân cũng là một nguyên nhân lớn.
Ở một mức độ nào đó, bệnh nhân, thân nhân có quyền được cung cấp thông tin về bệnh và các quyết định điều trị. Những thay đổi trong diễn tiến bệnh, thay đổi thuốc cũng cần thông báo đầy đủ.
Tại môi trường hồi sức cấp cứu, bác sĩ và điều dưỡng còn có trách nhiệm theo dõi sát tình trạng của bệnh nhân để có thể xử lý kịp thời khi có sự cố xảy ra. Nhưng ở nước ta, một điều trái với lẽ thường lại trở thành một thói quen cố hữu, lời bác sĩ gần như là mệnh lệnh, bệnh nhân không có cơ hội được nghe giải thích.
Ngoài ra, một nguyên nhân nữa của tình trạng đông thân nhân là do hầu hết bệnh viện ở nước ta chưa thể thực hiện chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân vì chưa được đầu tư đầy đủ về con người, cơ sở vật chất cần thiết lẫn dịch vụ hậu cần.
Thông tin gần đây cho thấy, Bệnh viện Nhi Đồng I khám chữa bệnh cho 5.000-7.000 bệnh nhân/ngày, khoảng 1.000 trẻ bị tim bẩm sinh chờ phẫu thuật, bệnh nhi ở các khoa hô hấp, tiêu hóa, nhiễm… luôn gấp đôi quy mô điều trị. Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình có khoảng 4.000 bệnh nhân/ngày, số lượng bệnh nhân tăng gấp bốn lần so với năm 1985 nhưng quy mô bệnh viện không đổi. Bệnh viện Ung Bướu chỉ có 631 giường mà có đến 1.807 bệnh nhân nội trú cùng 9.510 bệnh nhân ngoại trú… Anh nghĩ sao về điều này?
Đây là những con số cụ thể về tình trạng quá tải ở các bệnh viện tại TP. Hồ Chí Minh trong thời gian gần đây. Sự quá tải này khiến chúng ta thật sự lo lắng vì điều đó ít nhiều sẽ làm giảm chất lượng chăm sóc và hiệu quả điều trị. Theo tôi được biết, hiện nay, tất cả bệnh viện lớn ở TP. Hồ Chí Minh đều quá tải, kể cả Viện Tim nơi tôi đang làm việc.
Tuy không quá tải nghiêm trọng như các bệnh viện khác, nhưng với điều kiện phòng ốc, giường bệnh hiện tại thì Viện Tim vẫn chưa đủ tiêu chuẩn cho việc chăm sóc bệnh nhân như mong muốn của chúng tôi.
Trong khi đó, các bệnh lý tim mạch ngày càng tăng và trẻ hóa, phổ biến nhất là bệnh tăng huyết áp cùng các biến chứng nguy hiểm như: tai biến mạch máu não, suy tim, suy thận, nhồi máu cơ tim, phình tách thành động mạch chủ…
Tình trạng quá tải ở các bệnh viện khác tại TP.HCM do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, do bệnh viện tuyến dưới chưa được đầu tư đúng mức về hạ tầng, con người nên chưa tạo niềm tin cho bệnh nhân. Do đó, không ít bệnh nhân đến các bệnh viện chuyên khoa khi chưa thực sự cần đến bác sĩ chuyên khoa. Tuyến chuyên khoa lại gặp khó khăn khi muốn chuyển bệnh nhân về lại tuyến dưới. Thứ hai, ở nước ta hiện nay, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh, các cơ sở y tế xuất hiện ngày càng nhiều, có nhiều bước tiến mới trong đầu tư về kỹ thuật nhưng thiếu quy hoạch chung, gây nên sự lãng phí lớn. Song song với tình trạng đó là bệnh nhân vẫn phải tốn nhiều chi phí mà không hẳn được phục vụ về y tế tốt nhất.
Các giải pháp đặt ra là…
Giải pháp ngắn hạn, cũng là giải pháp mà chúng tôi đang thực hiện, là bệnh viện cần tổ chức lại quy trình làm việc rõ ràng, nhanh chóng, nhất là quy trình sàng lọc bệnh nhân để phục vụ tốt hơn về y tế. Giải pháp dài hạn là cần phát triển hệ thống các bác sĩ điều trị tuyến cơ sở và bác sĩ gia đình.
Hiện tại, người Việt chúng ta vẫn chưa hiểu đúng giá trị của bác sĩ gia đình trong việc chăm sóc sức khỏe. Bác sĩ gia đình sẽ giúp bạn phòng tránh bệnh tật, xuất hiện kịp thời khi bạn có những triệu chứng xấu, tư vấn cho bạn lúc nào chỉ nên điều trị ở nhà, lúc nào nên đến bệnh viện.
Khám chữa bệnh tự phát gây lãng phí về thời gian, tiền bạc mà hiệu quả điều trị không như mong muốn. Tuy nhiên, mạng lưới bác sĩ gia đình phải đủ chuyên môn, nghiệp vụ. Ngoài việc kiểm tra đôn đốc sức khỏe cá nhân, tư vấn các bệnh thông thường, bác sĩ gia đình còn phải có khả năng sơ cấp cứu trước khi đưa đến bệnh viện.
Để giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên, cơ sở y tế các cấp cần hợp tác với nhau mới có tiếng nói chung trong chăm sóc người bệnh: trường hợp bệnh nhẹ được giữ lại hay chuyển về tuyến dưới, trường hợp bệnh nặng mới cho chuyển lên tuyến trên.
Là trưởng khoa cấp cứu, anh vẫn trực tiếp tham gia khám chữa bệnh cho các bệnh nhân. Giữa công việc khám chữa bệnh của một bác sĩ và việc quản lý của một trưởng khoa, anh hứng thú với việc nào hơn?
Tôi hứng thú với cả hai vì thực tế, giữa hai công việc này có sự bổ sung cho nhau. Trực tiếp làm công việc của một bác sĩ, tôi mới hiểu những vất vả, áp lực của nhân viên để có thể chia sẻ, giúp đỡ họ. Từ đó, tôi mới cố gắng tìm cách giải tỏa những áp lực của họ trong công việc.
Chẳng hạn, khi trực tiếp làm công việc của phòng cấp cứu bệnh tim, tôi mới hiểu trách nhiệm nặng nề của người bác sĩ trước cơn nguy kịch của người bệnh, có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc nếu thiếu sự cẩn trọng ngay từ những bước xử lý đầu tiên. Người bác sĩ cần giữ đầu óc tỉnh táo và thoát khỏi căng thẳng mới làm tốt công việc.
Do đó, tôi tạo điều kiện để các bác sĩ trong khoa tham gia một buổi khám bệnh ngoại trú hoặc làm việc ở các khoa khác, vừa nâng cao chuyên môn của họ lại vừa giảm bớt đi các ức chế thường trực.
Hẳn phải có sự mâu thuẫn giữa hai công việc này.
Đúng là công việc khám chữa bệnh rất cần tình yêu thương, sự rung cảm trước một tính mạng bệnh nhân. Nhưng quản lý không hẳn là sự cứng rắn mà là một khoa học, phải có những lúc cần sự nhạy cảm, mềm dẻo, nhẹ nhàng. Từ công việc thực tế, tôi nhận thấy quản lý một đội ngũ bác sĩ không giống một xí nghiệp nhiều công nhân. Chúng tôi cần sự hợp tác, trao đổi để công việc hoàn thành tốt nhất.
Theo tôi, sẽ hiệu quả hơn khi người quản lý không phải là bác sĩ, đặc biệt là các vị trí quản lý cấp cao như giám đốc, phó giám đốc bệnh viện. Ở nước ngoài, giám đốc bệnh viện thường không phải bác sĩ mà là những nhà quản lý chuyên nghiệp. Tôi nghĩ bác sĩ giỏi làm giám đốc thì hơi “uổng” vì việc đào tạo một bác sĩ chuyên môn giỏi mất nhiều thời gian và chi phí, nên để phục vụ cho sức khỏe người dân thì hợp lý hơn.
Được biết anh cùng một vài người bạn hợp tác để mở phòng mạch tư, đây có phải là công việc nhằm giải quyết nhu cầu về thu nhập đối với một bác sĩ ở bệnh viện nhà nước?
Chỉ đúng một phần. Lý do đầu tiên là vì tôi cần một nơi để phục vụ nhu cầu về y tế cho người thân, bạn bè. Trước đây, người thân của tôi đến Viện Tim TP. Hồ Chí Minh để khám bệnh. Lúc đó, với trách nhiệm của một bác sĩ hồi sức cấp cứu, tôi phải ưu tiên cho những bệnh nhân cấp cứu với tính chất bệnh nguy cấp hơn.
Thêm vào đó, tôi thường tập trung cao độ trong việc khám chữa bệnh. Kết quả, tôi “bỏ quên” người nhà của mình đến 5-6 tiếng. Phòng mạch tư là nơi tôi ưu tiên dành cho người thân, bạn bè. Bên cạnh đó, bệnh nhân ngoại trú khá đông, họ không thể đến bệnh viện vào giờ hành chính nên rất cần tôi phục vụ ngoài giờ ở phòng mạch này.
Xin cảm ơn anh về cuộc trao đổi và xin chúc anh cùng tập thể Viện Tim ngày Thầy thuốc 27-2 nhiều niềm vui và hạnh phúc.