Dựa trên báo cáo Chỉ số cạnh tranh nhân tài toàn cầu (GTCI) từ Tập đoàn Adecco cùng với Google và INSEAD, khoảng cách giữa Việt Nam và các quốc gia có thu nhập cao khác về năng lực số (digital skill), đặc biệt là Trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng gia tăng đáng kể.
Báo cáo năm nay của GTCI đề cập đến chủ đề nhân tài toàn cầu trong thời đại Trí tuệ nhân tạo (AI). Đáng chú ý hơn, báo cáo cho thấy các quốc gia có thu nhập cao phát triển công nghệ nhanh chóng và đều đứng trong top 25. Nhờ công nghệ AI, những quốc gia này đang vượt xa các nước khác (trong đó có Việt Nam), do hơn một nửa dân số ở các nước đang phát triển vẫn đang học hỏi các kỹ năng kỹ thuật số cơ bản.
Trong GTCI 2020, Việt Nam được xếp hạng 96 trên 132 quốc gia, giảm 5 vị trí so với năm 2019 và 9 vị trí năm 2018.
Được phân loại trong nhóm thu nhập trung bình thấp ở khu vực Đông Á, Đông Nam Á và Châu Đại Dương, Việt Nam nổi trội so với khu vực của mình về ‘’Kỹ năng tri thức toàn cầu’’ (Global Knowledge skills) – xếp hạng 59 toàn cầu, tăng 10 hạng so với năm 2019. Trong khi đó, kỹ năng về ‘’Kỹ thuật và Đào tạo nghề’’ (Vocational & Technical skills) rất cần được cải thiện, đặc biệt là tỉ lệ có việc làm (Employability). Thứ hạng của ‘’Thu hút nhân tài’’ cũng giảm từ thứ 91 năm 2019 xuống còn 105 vào năm 2020.
Xếp hạng Việt Nam trên các kĩ năng (Tổng 132 quốc gia).
Attract (Thu hút nhân tài), Grow (Phát triển nhân tài), Retain (Giữ chân nhân tài), Enable (Tạo điều kiện thuận lợi cho nhân tài), VT skills (Kỹ năng kỹ thuật và đào tạo nghề), and GK Skills (Kỹ năng tri thức toàn cầu) là 6 yếu tố quyết định năng lực cạnh tranh nhân tài trong báo cáo GTCI.
Attract | Grow | Retain | Enable | VT Skills | GK Skills |
Khả năng thu hút các nguồn lực nước ngoài có giá trị như FDI và người nhập cư tay nghề cao. | Khả năng cung cấp nền giáo dục chất lượng cao, các chương trình thực tập và cơ hội phát triển để mở rộng năng lực toàn cầu của nhân tài. | Khả năng khuyến khích nhân tài phát huy hết khả năng và tiềm năng, đồng thời giữ chân họ làm việc trong nước. | Các điều kiện về pháp lý, thị trường lao động và môi trường kinh doanh trong một quốc gia tạo thuận lợi cho nhân tài phát triển. | Nhóm kỹ năng về kỹ thuật và đào tạo nghề – được đo lường bằng tỉ lệ có việc làm, bao gồm khoảng cách giữa chất lượng giáo dục và yêu cầu doanh nghiệp. | Nhóm kỹ năng mềm như sáng tạo & giải quyết vấn đề – được đo lường bằng sự đổi mới, tinh thần khởi nghiệp và sự phát triển của các ngành công nghiệp giá trị cao.
|
Andree Mangels, Tổng Giám đốc Adecco Việt Nam nhận xét: “Tại Việt Nam vẫn còn khoảng cách khá lớn giữa đào tạo và nhu cầu doanh nghiệp. Sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo đòi hỏi phải đào tạo thêm những kĩ năng mới cho lực lượng lao động. Ở tất cả các cấp độ, người lao động cần được rèn luyện về khả năng thích ứng, trí thông minh xã hội, giao tiếp và giải quyết vấn đề. Nhân tài được cho là phù hợp trong thời đại ngày nay không chỉ đảm đương nhiều trách nhiệm mới với cách làm việc sáng tạo hơn mà còn phải tận dụng được chuyển đổi kỹ thuật số để đưa ra quyết định dựa trên cơ sở dữ liệu.”
Tập trung vào chủ đề ‘’Tài năng toàn cầu trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo’’, bản báo cáo GTCI năm nay giới thiệu một thước đo mới – ‘’Ứng dụng công nghệ’’ (Technology Adoption), thuộc yếu tố Enable (Tạo điều kiện thuận lợi cho nhân tài). Thước đo này nhằm mục đích đánh giá mức độ sẵn sàng của các quốc gia về việc tạo điều kiện cho sự phát triển nhân tài trong các lĩnh vực công nghệ tiên tiến như AI và Internet vạn vật (IoT).
Hình 2 mô tả thứ hạng của các quốc gia dựa trên ba danh mục thuộc thành phần ‘’Ứng dụng công nghệ’’. Đối với danh mục ‘’Mật Độ Robot’’, Việt Nam xếp thứ 41, cao hơn một nửa các quốc gia còn lại trên thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam lại xếp hạng 102 về ‘’Sử dụng công nghệ’’ và hạng 65 về ’Đầu tư vào các công nghệ mới’’, một vị trí khá thấp so với các quốc gia cùng khu vực như Thái Lan và Ấn Độ.
Vị trí GTCI của Vietnam theo các danh mục trong thành phần ‘’Ứng dụng công nghệ’’
Đáng chú ý, trong số các quốc gia có thu nhập trung bình thấp, Indonesia đã tăng 20 hạng GTCI kể từ năm 2015, lên vị trí thứ 53. Báo cáo chỉ ra rằng AI có thể tạo cơ hội vươn lên đáng kể về khả năng cạnh tranh nhân tài cho các thị trường mới để trung tâm phân phối ứng dụng AI toàn cầu. Một số quốc gia đang phát triển, bao gồm Trung Quốc, Costa Rica và Malaysia, đang tận dụng các cơ hội phát triển AI để dẫn đầu trong khu vực.
Top 5 quốc gia xếp hạng GTCI cao nhất năm 2020
Báo cáo cũng phản ánh mối tương quan giữa GDP bình quân đầu người và điểm GTCI. Năm 2020, các nước thu nhập cao tiếp tục giữ các vị trí hàng đầu trong Chỉ số năng lực cạnh tranh nhân tài toàn cầu. 3 vị trí đầu tiên tương tự báo cáo năm 2019; thuộc về Thụy Sĩ, Mỹ và Singapore. Thụy Sĩ tiếp tục dẫn đầu thế giới về năng lực cạnh tranh nhân tài và đã thống trị bảng xếp hạng kể từ năm 2013. Quốc gia này nổi trội về các thành phần ‘’Học tập cả đời’’ (Lifelong learning thuộc yếu tố Grow), ‘’Phát triển bền vững’’ (Sustainability thuộc yếu tố Retain) và ‘’Ứng dụng công nghệ’’ (Technology Adoption thuộc yếu tố Enable). Mỹ chuyển từ vị trí thứ ba sang thứ hai, đẩy Singapore xuống một bậc so với năm 2019. Theo sau là các quốc gia Bắc Âu như Thụy Điển (hạng 4), Đan Mạch (hạng 5), Hà Lan (hạng 6) và Phần Lan (hạng 7).
Về thành phố, New York đứng đầu trong bảng xếp hạng GTCI năm nay, tiếp theo là London, Singapore, San Francisco và Boston. Trong số các thành phố còn lại thuộc top 10 có hai thành phố đến từ Đông Á là Hồng Kông (hạng 6) và Tokyo (hạng 8). Nhìn chung, các thành phố có nhiều hoạt động trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, tài chính công nghệ và công nghệ y tế, được xếp hạng rất cao vì được cho là đã sẵn sàng trong tương lai. Nhiều thành phố đang ngày càng chuyển đổi thành ‘’thành phố thông minh’’ và trở thành nơi thử nghiệm các ứng dụng AI mới như nhận dạng khuôn mặt, giám sát từ xa và xe tự lái.
Alain Dehaze, CEO của Adecco Group cho biết: ‘’Vai trò của người lao động đang được tăng cường bởi công nghệ chứ không phải thay thế bởi nó. Tại Adecco Group, chúng tôi thấy AI đã tạo ra những cơ hội việc làm mới, bao gồm cả những công việc chưa tồn tại và cho phép nhân viên thực hiện các nhiệm vụ và hoạt động đặc biệt hơn.”